Theo Slash Gear, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Washington (Mỹ) đã tạo ra một bước đột phá khi phát triển thành công mạng Wi-Fi thụ động (passive Wi-Fi) cho phép sử dụng điện năng trên thiết bị di động ít hơn gấp 10.000 lần so với mạng Wi-Fi truyền thống.
Hệ thống mạng Wi-Fi thụ động đồng thời cũng giúp tiết kiệm điện năng hơn gấp 1.000 lần so với các phương thức kết nối phổ biến như Bluetooth LE hay Zigbee.
Công nghệ có khả năng truyền dữ liệu tín hiệu Wi-Fi đạt tới 11 Mbps và có thể giải mã dễ dàng bằng các thiết bị hỗ trợ kết nối Wi-Fi. Tuy 11 Mbps có thể coi là chậm so với tiêu chuẩn của Wi-Fi hiện nay nhưng vẫn nhanh gấp 11 lần so với Bluetooth.
Công nghệ mới có thể giúp tiết kiệm pin cho các thiết bị không dây và giúp nền tảng Internet of Things (IoT) "cất cánh" trong tương lai không xa nhờ việc loại bỏ một số trở ngại về năng lượng.
Nhóm nghiên cứu đã loại bỏ thành phần tín hiệu analog vốn hao tốn nhiều năng lượng và chỉ giữ lại thành phần tín hiệu số chỉ tiêu thụ ít điện để tạo ra các hoạt động truyền dẫn tiết kiệm tối đa năng lượng.
Trong thử nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy các cảm biến Wi-Fi thụ động có thể giao tiếp ở khoảng cách lên tới 30 mét. Trong khi đó, các thiết bị thụ động chỉ tiến hành phát sóng ngược lại bằng cách phản xạ lại tín hiệu gốc, nhờ đó mà tiết kiệm đáng kể mức năng lượng tiêu thụ.
Công nghệ mới này được hy vọng sẽ biến ý tưởng tự động hoá ngôi nhà và các ứng dụng nhà thông minh trở nên hữu ích hơn bao giờ hết.
Theo đồng tác giả nghiên cứu kiêm giáo sư khoa học máy tính và kỹ thuật điện, Joshua Smith cho biết, mặc dù công nghệ nhà thông minh hiện nay sử dụng đa phần là Wi-Fi nhưng trong nhiều trường hợp, Wi-Fi thụ động sẽ là giải pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất.
"Ngay bây giờ chúng ta có thể tạo ra được Wi-Fi tiêu tốn khoảng 10 mW điện năng và hoạt động tốt hơn cả Bluetooth và ZigBee. Và bạn sẽ không thể tưởng tượng rằng, Wi-Fi giờ đây đã có thể sử dụng cho tất cả mọi thứ" - Smith khẳng định.