Điểm đặc biệt nhất của "Project AirGig" (Dự án AirGig) là sử dụng mạng điện lưới hiện có để "phủ sóng" kết nối không dây. AT&T đã mất hơn 10 năm thực hiện công tác nghiên cứu và phát triển với 100 sáng chế công nghệ để cho ra AirGig.
So với Google Fiber, AirGig có nhiều ưu điểm vượt trội hơn. Google Fiber cũng cho tốc độ kết nối lên tới 1Gbps nhưng chỉ khả thi ở một số khu vực thành phố giới hạn, trong khi AirGig có khả năng triển khai dàn trải và có tốc độ cao hơn.
Điểm cộng của AirGig là khả năng tương thích với hạ tầng mạng hiện có. Thông qua mạng lưới ăng-ten và thiết bị giá rẻ, AirGig có thể truyền tín hiệu ở bước sóng millimét qua đường lưới điện.
Internet không dây của AirGig sẽ truyền thẳng tới các hộ gia đình mà không cần thêm bất cứ dây dẫn nào. Ngoài việc cung cấp kết nối Wi-Fi siêu tốc cho các hộ dân, AirGig còn là bước khởi đầu cho mạng dữ liệu di động 5G.
Về cơ bản, bất cứ đâu có mạng điện lưới là ở đó có thể cung cấp Wi-Fi siêu tốc của AirGig. Đây là kết quả nghiên cứu của phòng thí nghiệm AT&T Labs với mục tiêu cung cấp Internet không dây giá rẻ ở tốc độ gigabit qua đường dây điện.
Công nghệ này dễ triển khai hơn mạng cáp quang, có thể vận hành trên các dải tần không cần cấp phép với khả năng cung cấp kết nối không dây siêu nhanh cho bất cứ hộ gia đình hoặc thiết bị cầm tay nào.
AirGig được xem là công nghệ đột phá có khả năng thay đổi cơ bản cách thức sử dụng Internet trên phạm vi toàn cầu, không chỉ tại các quốc gia phát triển, đang phát triển mà còn hướng tới các nước nghèo, thu nhập thấp.
Việc thử nghiệm ngoài trời sẽ bắt đầu được triển khai vào đầu năm tới. AT&T đang thử nghiệm nhiều cách thức khác nhau trong việc truyền đi tín hiệu radio ở dạng module xung quanh hoặc gần đường dây trung thế.
AirGig không cần kết nối trực tiếp với đường dây diện, trong khi vẫn có thể cung cấp tốc độ kết nối lên tới hàng gigabit cho các vùng đô thị, nông thôn và khu vực xa xôi hẻo lánh.
Công nghệ đột phá này cũng không cần đi dây cáp quang tới hộ gia đình và linh hoạt tới mức chúng có thể cấu hình hoạt động với các trạm phát rất nhỏ hoặc hệ thống ăng-ten rời. Nhà mạng cũng không cần xây thêm các tháp di động mới. Giảm chi phí để mua và chôn cáp dưới mặt đất.
Cùng với AirGig, AT&T Labs còn sáng chế các loại ăng-ten và thiết bị bằng nhựa giá rẻ gắn vào đường dây điện để tái tạo tín hiệu bước sóng millimét (mmWave). Có thể tận dụng những thiết bị này để triển khai mạng 4G LTE hoặc 5G có tốc độ lên tới gigabit rất tiện lợi.
Các thiết bị chi phí thấp của AT&T Labs đồng nghĩa với việc nhà mạng có thể cắt giảm đáng kể phần cứng và chi phí triển khai trong khi vẫn cung cấp chất lượng tín hiệu ở mức cao nhất. Đây được xem là bước tiếp cận độc đáo và sáng tạo ở thời điểm hiện tại.
AirGig cũng rất hữu ích với các công ty điện lực. Nó cho phép mở rộng các ứng dụng thông minh phát hiện sự cố với đường lưới điện, chẳng hạn vị trí của cây đổ hoặc các vấn đề tương tự gây gián đoạn cung cấp điện.
Công nghệ Internet không dây mới của AT&T Labs còn hỗ trợ công ty điện lực đo đạc, ứng dụng và kiểm soát lưu lượng sử dụng điện tốt hơn.
Tham vọng của AirGig là kết nối tất cả các phần của thế giới với nhau. Những công nghệ đang "hot" hiện nay như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), xe tự hành, khám chữa bệnh từ xa, video di động 4K đều là mục tiêu mà AirGig hướng tới.
Ở phạm vi lớn hơn, AT&T có tham vọng kết nối tất cả các thành phố lớn nhỏ khác nhau trên toàn thế giới.
Nhà mạng này hiện đang cung cấp dịch vụ cáp quang tốc độ 1Gbps tại hơn 29 thị trường khác nhau. AT&T đang thử nghiệm công nghệ không dây cố định thế hệ mới qua bước sóng millimét và công nghệ G.Fast cho tốc độ lớn hơn nhiều trên các đường trục cáp quang và sợi đồng hiện có.
Về mạng không dây, AT&T đang triển khai 4G LTE-Advanced (LTE-A) đồng thời đã thử nghiệm mạng 5G cả ở ngoài trời và trong phòng thí nghiệm.