Các nhà nghiên cứu tại Đại học Temple và Đại học Pittsburgh, Mỹ, sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR để loại bỏ thành công ADN của virus HIV ra khỏi mã di truyền của chuột, giúp con vật khỏi bệnh, theo Cnet. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecular Therapy hôm 3/5.
Những khám phá mới nhất này đem lại hy vọng cho việc tìm ra phương pháp chữa trị HIV, một loại virus rất khó để loại bỏ hoàn toàn khỏi cơ thể người bệnh. Nhiều loại thuốc chống virus HIV đã được sử dụng để ngăn chặn sự sao chép của virus. Nhưng khi bệnh nhân ngừng uống thuốc, virus có thể phát triển trở lại.
Giai đoạn tiếp theo của nhóm nghiên cứu là sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR để loại bỏ virus HIV trên động vật linh trưởng.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân là con người", Kamel Khalili, nhà nghiên cứu tại Đại học Temple, cho biết.
Đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR để ngăn chặn sự sao chép của virus HIV và khiến chúng ngừng hoạt động trong tế bào động vật. Công nghệ CRISPR vẫn còn tương đối mới mẻ, và nó ít được sử dụng để chỉnh sửa gene người.
Nhiều nhà khoa học xem CRISPR là một công cụ y tế mang tính cách mạng và đầy tiềm năng. Nhưng cần có những bước đi thận trọng khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.
Năm 2015, Jennifer Doudna, người đồng sáng tạo công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR, giải thích trong một cuộc nói chuyện trên kênh TED về lý do cô và đồng nghiệp kêu gọi "tạm ngừng toàn cầu" trong việc sử dụng CRISPR trong các ứng ứng dụng lâm sàng. CRISPR chỉ nên được áp dụng khi một số câu hỏi đạo đức xung quanh việc chỉnh sửa gene trên cơ thể người được trả lời thích đáng.
Năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, Mỹ, nhận được sự phê chuẩn sơ bộ từ một ban cố vấn liên bang cho phép sử dụng công cụ CRISPR để làm thay đổi tế bào miễn dịch nhằm chống lại ung thư. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng phê duyệt thử nghiệm này.