Công khai hoạt động của các cơ sở giáo dục: Chuyên gia, người dân ủng hộ

GD&TĐ - Dự thảo Thông tư quy định về công khai hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD&ĐT nhận được hưởng ứng...

Sinh viên Trường Đại học Đồng Nai nghiên cứu khoa học. Ảnh: ITN
Sinh viên Trường Đại học Đồng Nai nghiên cứu khoa học. Ảnh: ITN

Dự thảo Thông tư quy định về công khai hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD&ĐT nhận được sự hưởng ứng, tán thành của các nhà trường, chuyên gia và người dân.

Công khai trên website

Năm học 2023 – 2024, Trường Tiểu học Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) có 900 học sinh, hơn 40 cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động. Thầy Hiệu trưởng Đỗ Hồng Duy cho biết, hằng năm nhà trường đều thực hiện công khai về thu, chi tài chính, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục… Phương thức thực hiện là, công khai trên website trường, dán tại bảng tin, họp hội đồng sư phạm…

“Bằng phương thức trên, cán bộ giáo viên, phụ huynh, xã hội biết được các hoạt động cơ bản của trường”, thầy Đỗ Hồng Duy chia sẻ, đồng thời khẳng định, nhà trường đã và đang thực hiện tốt quy định “ba công khai” theo hướng dẫn tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT (Thông tư số 36). Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm xây dựng tốt mối quan hệ “kiềng 3 chân”: Nhà trường, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, theo thầy Duy, sau nhiều năm thực hiện, Thông tư số 36 cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế để phù hợp với thực tiễn khách quan. “Tôi tán thành với các quy định của Dự thảo Thông tư trên và mong sớm được thông qua”, thầy Duy bày tỏ và cho rằng, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên phải công bố công khai Báo cáo thường niên trên cổng thông tin điện tử là phù hợp với thực tiễn. Quy định này trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục, đảm bảo người học, người dân có thể “tra cứu” thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Riêng với cơ sở giáo dục phổ thông, Trường Tiểu học Thị trấn Rạng Đông nhận thấy, cần công bố công khai thông tin về hoạt động giáo dục và điều kiện bảo đảm; trong đó nhấn mạnh đến công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, gồm:

Kết quả tự đánh giá chất lượng giáo dục; kế hoạch cải tiến chất lượng sau tự đánh giá. Kết quả đánh giá ngoài và công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia của cơ sở giáo dục qua các mốc thời gian; kế hoạch cải tiến chất lượng sau đánh giá ngoài trong 5 năm tiếp theo và từng năm theo thời gian.

Một lớp học của Trường Tiểu học Thị trấn Rạng Đông. Ảnh: NTCC

Một lớp học của Trường Tiểu học Thị trấn Rạng Đông. Ảnh: NTCC

Tránh làm chiếu lệ, đối phó

Trên website Trường ĐH Đồng Nai có mục “Công khai” hiển thị rõ nét trên thanh công cụ, thuận tiện cho việc tìm kiếm. TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong mục này còn 4 tiểu mục: Mua sắm, xây dựng cơ bản, tài chính, ba công khai. Mỗi tiểu mục được đăng tải thông tin liên quan.

Chẳng hạn, tiểu mục “Mua sắm” được nhà trường đăng tải một số nội dung liên quan đến kế hoạch sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất, thông báo mời chào giá... Hay tiểu mục “Tài chính” là nội dung liên quan đến thủ tục thanh toán, báo cáo tài chính, dự toán ngân sách... Còn tiểu mục “Ba công khai” là những thông tin về cơ sở vật chất, cam kết chất lượng đào tạo, chất lượng đào tạo thực tế của nhà trường và một số nội dung liên quan đến tài chính...

Theo TS Lê Anh Đức, ban hành Thông tư quy định về công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục là cần thiết. Mục đích nhằm minh bạch cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu, chi tài chính tại cơ sở giáo dục và các thông tin liên quan. Qua đó, giúp cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát hoạt động của nhà trường.

Đồng quan điểm, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, thực hiện công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục. Ngoài ra, các thông tin tại Báo cáo thường niên cũng là căn cứ để xã hội và các bên liên quan biết, đánh giá tổng quan kết quả hoạt động chính của đơn vị trong năm.

GS.TS Phạm Tất Dong nhắc lại, một số vụ lùm xùm về lạm thu trong trường học, ít nhiều do các cơ sở giáo dục chưa đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch tài chính.

“Nếu các trường thực hiện nghiêm túc quy định này, tôn trọng quy chế dân chủ sẽ không xảy ra cơ sự. Vì thế, tôi nhất trí cao việc ban hành quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục bằng một thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT”, GS.TS Phạm Tất Dong nêu quan điểm và nhấn mạnh, thông tin công khai phải bảo đảm đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, cập nhật, dễ hiểu, dễ tiếp cận, kịp thời và nhất quán, tránh làm chiếu lệ hoặc đối phó.

Theo Dự thảo Thông tư, cơ sở giáo dục công bố công khai nội dung theo quy định trước ngày 30/6 hằng năm. Tán thành với quy định này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý thêm, các nội dung công khai phải được phổ biến tại cuộc họp phụ huynh đầu năm học đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; tại cuộc họp đầu khóa học và đầu năm học đối với cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác.

Theo dự thảo, về công khai chung đối với các cơ sở giáo dục gồm có: Thông tin chung và tổ chức bộ máy của cơ sở giáo dục; thu, chi tài chính. Thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu 5 năm kể từ ngày niêm yết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ