Luôn quan tâm đời sống vật chất, tinh thần cho viên chức, người lao động
Tính đến 6/2023, Đại học Huế (ĐHH) có gần 4.000 viên chức và người lao động, trong đó có 2.439 viên chức, với 1.905 giảng viên; 312 giáo sư, phó giáo sư; 35 giáo sư danh dự người nước ngoài, 783 tiến sĩ, 1.530 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, đặc biệt số lượng GS, PGS, TS tăng 129 người so với đầu nhiệm kỳ (218 người).
Bên cạnh quan tâm, phối hợp phát triển đội ngũ về chuyên môn nghiệp vụ, Công đoàn Đại học Huế đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc vận động viên chức (VC), người lao động (NLĐ) tổ chức chăm lo, tự chăm lo đời sống tinh thần và vật chất, yên tâm công tác. Với nhiều hình thức đa dạng và phong phú, Công đoàn các cấp trong toàn ĐHH chủ động phối hợp cùng chính quyền tạo nguồn quỹ phúc lợi năm sau cao hơn năm trước, kịp thời trợ cấp khó khăn, giúp đỡ đoàn viên công đoàn khi đau ốm, tai nạn rủi ro; tặng quà cho VC, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp lễ, tết.
Các cấp công đoàn trong toàn Đại học Huế vận động VC, NLĐ tham gia các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ VC, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị thiên tai, bão lũ, đặc biệt là bị ảnh hưởng do dịch Covid-19… ; quan tâm tổ chức tốt các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, tham quan, nghỉ mát, giao lưu, gặp mặt, tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ VC, NLĐ khi ốm đau, tai nạn rủi ro.
TS. Đỗ Thị Xuân Dung - Phó Giám đốc Đại học Huế (ngoài cùng bên phải) và PGS.TS. Nguyễn Duân - Chủ tịch Công đoàn ĐHH (thứ 2 từ phải sang) tặng quà hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: Công đoàn Đại học Huế). |
Bên cạnh đó, các CĐCS trực thuộc tích cực phối hợp cùng chính quyền tạo điều kiện để giúp đỡ VC, NLĐ nâng cao đời sống, thu nhập; có giải pháp động viên, hỗ trợ giảng viên trẻ, giảng viên giỏi có nhiều sáng tạo trong đổi mới và phát triển cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, Công đoàn Đại học Huế chỉ đạo các CĐCS trực thuộc chú trọng công tác chăm lo đời sống tinh thần cho VC, NLĐ; xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nâng cao đời sống tinh thần và thể chất cho VC, NLĐ. Nhiều đơn vị thành lập và duy trì các câu lạc bộ nghệ thuật, thể thao, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong VC, NLĐ.
PGS.TS. Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế (áo đen) trao cúp cho đội bóng vô địch giải bóng đá viên chức, người lao động ĐHH. Nhiều năm qua, Công đoàn ĐHH đã quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ viên chức, người lao động khi tổ chức nhiều phong trào thể thao như giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông… |
Trao đổi với PV, PGS.TS. Nguyễn Duân – Chủ tịch Công đoàn Đại học Huế cho biết, xuyên suốt trong thời gian qua, đơn vị đã tổ chức nhiều phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ: giải bóng đá, giải bóng bàn, giải bóng chuyền, giải cầu lông và hội diễn văn nghệ, thu hút nhiều VC, NLĐ tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các đơn vị trong ĐH Huế. Bên cạnh đó, một số CĐCS trực thuộc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, gắn với hoạt động chuyên môn và nhu cầu tại đơn vị, gần gũi với VC, NLĐ và được nhiều đoàn viên tham gia như: tổ chức các câu lạc bộ cầu lông, bóng bàn, câu lạc bộ Yoga, tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền…, duy trì đều đặn xuất bản các Tập san chuyên đề “Nhà giáo” (CĐCS Trường ĐH Sư phạm), Tập san “Thầy thuốc” (CĐCS Trường ĐH Y - Dược)… thật sự có ý nghĩa và có giá trị giáo dục cho VC, NLĐ.
“Công đoàn ĐH Huế đã trích số tiền 685 triệu đồng để hỗ trợ cho 332 VC, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tử vong do tai nạn, chấm dứt lao động hợp đồng, bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ... Bên cạnh đó, Công đoàn đã trích từ nguồn đóng góp của các CĐCS trực thuộc và nguồn Quỹ xã hội Công đoàn ĐH Huế số tiền 410 triệu đồng để hỗ trợ cho 3 tập thể và 488 cá nhân là F0, F1, bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19; phối hợp với Công ty TNHH Medlatec Thừa Thiên Huế tổ chức ký kết tài trợ và khám sức khỏe miễn phí cho toàn thể VC, NLĐ; tổ chức chương trình tư vấn, chăm sóc sức khoẻ, cách phát hiện và xử lý các vấn đề sức khỏe thường gặp liên quan hậu Covid-19 cho VC, NLĐ. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với hơn 70 điểm cầu từ Công đoàn ĐHH và các công đoàn cơ sở trực thuộc, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn các ĐH Quốc gia, ĐH Vùng…
Kết quả này góp phần khẳng định Công đoàn ĐH Huế là điểm tựa tinh thần vững chắc, là niềm động viên và chia sẻ của tất cả viên chức và người lao động của ĐH Huế; góp phần thiết thực vào sự phát triển ĐH Huế ngày càng mạnh mẽ, phát triển thành Đại học Quốc gia trong thời gian tới” – PGS.TS. Nguyễn Duân nhấn mạnh.
Thực hiện tốt công tác từ thiện, xã hội
Bên cạnh thực hiện tốt các nhiệm vụ như chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, phát triển trình độ chuyên môn… cho viên chức và người lao động; Công đoàn ĐH Huế còn tích cực thực hiện các cuộc vận động nhằm hỗ trợ giúp đỡ các tổ chức và cá nhân gặp khó khăn.
Đơn vị đã hướng dẫn, chỉ đạo hỗ trợ các cấp công đoàn trong toàn ĐH Huế tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới cách tổ chức các cuộc vận động; nội dung các cuộc vận động bám sát nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn và nhiệm vụ năm học; thể hiện trách nhiệm trong việc thực hiện các cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Mái ấm Công đoàn”, các hoạt động nhân đạo từ thiện; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi, Hội người mù, Trung tâm nuôi dưỡng người có công cách mạng; xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương và nhận bảo trợ Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo Chủ tịch Công đoàn ĐH Huế, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như đi thăm và tặng quà cho các trường tiểu học vùng sâu, vùng xa; cho các đối tượng chính sách, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng nhân kỷ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, Ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, thực hiện chương trình khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tặng quà cho trẻ mồ côi, trẻ khiếm thị, đối tượng chính sách, gói quà xuân cho đối tượng thiệt thòi nhân ngày Tết Nguyên đán…
Trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Công đoàn ĐH Huế đã hỗ trợ 385 triệu đồng ủng hộ các đơn vị gồm: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên Huế; ủng hộ đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, sinh viên của Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế tham gia tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19; Trung tâm Phục vụ sinh viên, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng & An ninh, nơi được trưng dụng làm khung cách ly phòng chống dịch Covid-19, tham gia công tác tổ chức điểm cách ly công dân trở về từ vùng dịch; ủng hộ bà con đồng hương Thừa Thiên - Huế ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đang gặp khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19…
Công đoàn ĐH Huế tặng quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Pa Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. |
Ngoài ra, Công đoàn ĐH Huế còn hỗ trợ hơn 500 triệu đồng cho các trường phổ thông bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình; hỗ trợ người dân thôn Chánh An và thôn Ma Nê, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; hỗ trợ Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hải Hòa, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để khắc phục hậu quả lũ lụt...
Trong nhiệm kỳ 2017-2023, Công đoàn ĐH Huế đã tích cực hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm các chương trình, các cuộc vận động, các hoạt động xã hội, từ thiện do CĐGD Việt Nam triển khai, phát động như: cùng Khối thi đua số 1, đóng góp xây dựng nhà công vụ giáo viên cho trường THPT Phạm Kiệt, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi (150 triệu đồng); xây dựng công trình nước sạch và nhà công vụ giáo viên cho Trường THCS và THPT Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (150 triệu đồng); xây dựng nhà công vụ cho trường Tiểu học – THCS bán trú Đăk Na, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum (150 triệu đồng).
Đơn vị đã phối hợp cùng CĐGD Việt Nam và Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình chăm sóc sức khỏe, phát thuốc miễn phí và trao quà, học bổng cho hơn 300 cán bộ, nhà giáo và học sinh của các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông vùng khó khăn thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng (năm 2017); tổ chức thăm, khám sàng lọc ung thư phụ khoa sớm cho 185 cô giáo và hỗ trợ tặng quà cho giáo viên một số xã vùng khó khăn huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh (năm 2018); chỉ đạo CĐCS Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế và tham gia cùng Đoàn công tác của CĐGD Việt Nam tổ chức khám bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phát thuốc và tầm soát ung thư phụ khoa sớm cho cán bộ, nhà giáo, người lao động và tặng quà cho các nhà trường và học sinh huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng (năm 2019); tham gia với CĐGD Việt Nam để trao quà cho giáo viên và học sinh khó khăn trong chương trình “Tết sum vầy”...
Nhiều hoạt động và kết quả tích cực của Công đoàn ĐH Huế hướng tới Đại học Công đoàn ĐH Huế lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 thành công tốt đẹp. |
Phối hợp động viên giúp hoạt động nghiên cứu khoa học của viên chức và người lao động ngày càng phát triển
Trong giai đoạn 2018-2022, ĐH Huế triển khai thực hiện hơn 2200 nhiệm vụ khoa học công nghệ; có 48 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐH Huế (từ 2018 đến nay). Kinh phí đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ tăng lên; nhiều đề tài chất lượng và hiệu quả tốt. Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và cả nước, đặc biệt trong năm 2022 đề tài của nhóm tác giả CĐCS Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế đã được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý nhất thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ do Đảng và Nhà nước trao tặng. Hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và phát triển, tạo điều kiện, tiềm lực để nâng cao khả năng hội nhập, hợp tác và vị thế của ĐH Huế.
Nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS. Cao Ngọc Thành (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế) và các đồng tác giả Trường ĐH Y – Dược, ĐH Huế của cụm công trình “Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng” (Ảnh: Công đoàn ĐH Huế). |
Công bố khoa học trên các tạp chí thuộc 2 danh mục có uy tín quốc tế Scopus và WoS (hay ISI) của ĐH Huế đã có sự cải thiện rõ rệt qua từng năm. Số công bố năm 2017 là 201 (WoS), 192 (Scopus); năm 2022 là 535 (WoS), 416 (Scopus).
Mặc dù còn nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp lý trong hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa (CGCN/TMH) đối với các cơ sở giáo dục đại học nói chung và ĐH Huế nói riêng, nhưng ĐH Huế đã nỗ lực trong việc thúc đẩy CGCN/TMH kết quả nghiên cứu nhằm đưa các kết quả ứng dụng vào thực tiễn sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như đáp ứng với nhiệm vụ và mục tiêu được đề cập trong Chiến lược phát triển ĐH Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chỉ từ 6 hợp đồng chuyển giao công nghệ với trị giá 510 triệu đồng năm 2013, đến năm 2022 ĐH Huế đã có 10 hợp đồng chuyển giao với trị giá gần 2,5 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2017-203, ĐH Huế có 63 viên chức và người lao động được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo và Công đoàn ĐHH được CĐGD Việt Nam tặng Cờ thi đua vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong Phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” giai đoạn 2017-2021.
Kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần rất lớn trong việc đưa ĐH Huế luôn duy trì thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng đại học. Theo bảng xếp hạng đại học QS châu Á 2023, ĐH Huế đã tiến từ vị trí 401-450 lên vị trí 351-400 châu Á, xếp thứ 61 khu vực Đông Nam Á và thứ 6 Việt Nam. Năm 2023, lần đầu tiên ĐH Huế có tên trong bảng xếp hạng ĐH uy tín thế giới THE.