(GD&TĐ) - Công bộc, đó là từ chỉ các quan niệm khác nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ của viên chức nhà nước. Bác Hồ của chúng ta có lẽ là người đầu tiên đưa ra quan niệm riêng này. Trong thư gửi “Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” được đăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 17/10/1945, Bác đã viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Lời dạy của Bác đến nay và mãi về sau vẫn còn nóng hổi, nhắc nhở những những người làm trong các cơ quan công quyền luôn phải tự nhìn nhận lại bản thân để xem đã xứng đáng với vai trò vị trí công bộc của một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” hay chưa.
Không thể không suy nghĩ, trăn trở và day dứt khi hiện nay, trên các trang báo hoặc ngoài xã hội người dân lúc nói chuyện với nhau, mỗi khi nhắc đến cán bộ nhà nước, nhất là lãnh đạo ở các cấp nhất là cấp quận huyện, xã phường v.v…đã dùng những từ khá xa lạ, chỉ có trong thời phong kiến hay chế độ cũ, như “các quan”, cụ thể hơn là “quan huyện” rồi “quan xã”, hay nhẹ nhàng nhưng khá phổ biến hơn một chút là “quan chức nhà nước”.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng (2-1951). Ảnh tư liệu TTXVN |
Những năm tháng gian khổ của hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, biết bao tấm gương cán bộ, đảng viên đã quên mình vì nước vì dân, để lại tiếng thơm mãi cho đời sau. Đó thật sự là những con người từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Và cũng chính vì vậy họ được nhân dân đùm bọc, tin yêu che chở và giúp đỡ vượt qua gian lao thử thách để đến ngày đất nước thống nhất độc lập tự do. So với những năm tháng khó khăn gian khổ của chiến tranh và những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, nhất là thời mở cửa và hội nhập, đội ngũ cán bộ công quyền giờ đây được sống trong hoà bình, có nhiều điều kiện, lợi thế để học tập mở mang kiến thức hơn cha anh họ. Nhưng bên cạnh đó, cũng tiếp xúc thường xuyên với những cám dỗ vật chất mà bất cứ lúc nào, nơi nào, cũng rất dễ bắt gặp.
Thật đau lòng khi có những cán bộ đã không giữ được lập trường, không thắng được sự cám dỗ của vật chất tầm thường, để rồi làm những việc trái với luật pháp, vi phạm những điều cấm không được làm đối với đảng viên, hay Pháp lệnh Công chức, làm mất lòng tin của nhân dân. Cũng không thể vui khi có những “công bộc” lại đi hách dịch, vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hành dân hơn là phục vụ dân. Bên cạnh đó, cũng có những người tiếp tay cho dân làm chuyện sai trái để mình hưởng lợi, bòn rút tiền của nhà nước. Một chính quyền “của dân, vì dân” không thể chấp nhận trong bộ máy đó những người có lòng “thương dân” được thể hiện bằng cách dung túng cho dân làm điều sai trái, vi phạm kỷ cương phép nước, luật pháp.
Xã hội ta ngày một tiến lên văn minh hiện đại, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng cao, tính chuyên nghiệp, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, lại càng phải được những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương lấy đó làm tiêu chí làm đầu. Khách quan nhìn nhận, nhìn chung, đội ngũ cán bộ công chức hiện nay, bên cạnh những mặt mạnh cơ bản như trình độ chuyên môn, tinh thần yêu nước, trung thành với Tổ quốc..., vẫn còn không ít hạn chế về trình độ và kỹ năng quản lý nhà nước, chậm đổi mới tư duy và phong cách làm việc để thích ứng với tình hình mới.
Điều đáng quan tâm là vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức bị sa sút về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm kém, còn quan liêu, hách dịch và tham nhũng. Một xã hội văn mình không thể chấp nhận những “Công bộc” của dân mà toàn “đi trước” dân về sự giàu có, sự hưởng lợi, toàn lo cho bản thân, cho người thân trước, hơn là lo cho dân. Cũng không thể có những công bộc chỉ nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, lời hứa không đi đôi với việc làm, thiếu lòng tự trọng và sự dũng cảm... Đây là những nguyên nhân làm chậm tiến trình đổi mới của đất nước, làm xói mòn lòng tin của dân vào Đảng, vào chế độ. Vì vậy, nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ những người công bộc của nhân dân là một yêu cầu bức thiết hiện nay.
Để "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh" thì trước hết phải có những công bộc thật sự "thấy lợi cho dân thì hết sức làm, thấy hại cho dân thì hết sức tránh” như lời Bác Hồ đã dặn. Có như vậy nước ta mới sớm vươn mình để có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ lúc sinh thời hằng mong muốn.
Dân Hùng