Ngày 10/6, Hội đồng thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM họp và quyết định công bố kết quả thi đánh giá năng lực đợt 2. Từ phổ điểm chung của 2 đợt thi, thí sinh cần cân nhắc, tính toán trước khi lựa chọn nguyện vọng xét tuyển.
Phổ điểm tương đồng các năm
Kết quả phân tích bài thi đánh giá đợt 2 cho thấy phân bố điểm của 39.031 bài thi có dạng gần phân bố chuẩn, với điểm trung bình 725,8 (thang điểm 1.200); điểm cao nhất là 1.116 và điểm thấp nhất là 289. Phân bố điểm đợt 2 có phần “lệch phải” so với đợt 1. Điều này do trong kỳ thi đợt 2 có 28.013 thí sinh dự thi đã tham gia kỳ thi đợt 1 (chiếm 71% tổng số thí sinh đợt 2). Nhóm thí sinh này có kết quả thi đợt 1 cao hơn so mặt bằng chung, có kinh nghiệm thi đợt 1, đồng thời có thêm 2 tháng để ôn tập, tổng hợp kiến thức, nên kết quả làm bài tốt hơn.
Tính chung cả hai đợt thi, 104.843 thí sinh đã đăng ký dự thi với điểm trung bình 664,6. Thí sinh đạt điểm cao nhất là 1.116, điểm thấp nhất 203. So sánh kết quả thi đánh giá năng lực cả hai đợt năm nay với năm 2023, có thể thấy một số biến động trong từng khoảng điểm. Năm nay, số lượng thí sinh dự thi cao hơn năm ngoái khoảng 3.100; trong khi số lượng thí sinh đạt điểm cao trên 800 cao hơn khoảng 5.000 người. Cụ thể, ở khoảng điểm 801 - 1.200, năm ngoái có 11.342 thí sinh đạt được, năm nay có 16.864 thí sinh. Trong đó, số lượng thí sinh đạt điểm cao trên 1.000 điểm năm nay cũng cao hơn năm ngoái (372 thí sinh so với 248 thí sinh).
Theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, điểm chung của thí sinh có dạng phân bố tự nhiên và trải rộng, thể hiện khả năng phân loại thí sinh cao, thuận lợi cho việc xét tuyển. Phân bố điểm năm 2024 đồng dạng, tương đương với các năm trước, thể hiện sự ổn định của đề thi. Điều này giúp phân loại thí sinh và kết quả thi phù hợp mục đích tuyển sinh.
Trước đó, tại kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 với hơn 93.800 bài thi, ông Chính đánh giá, nhìn tổng thể, điểm thi đánh giá năng lực năm nay không nhiều biến động so với năm ngoái về mặt thống kê. Số lượng thí sinh ở một số khoảng điểm có thể cao hoặc thấp hơn so với năm ngoái, nhưng tổng thể dạng phổ điểm vẫn trùng với năm ngoái.
Phân bố điểm kỳ thi đánh giá năng lực qua các năm 2022, 2023, 2024. Nguồn: ĐHQG-HCM |
Điểm chuẩn có biến động?
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM được sử dụng để xét tuyển vào 109 cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng trong cả nước, gồm 9 đơn vị thành viên của hệ thống Đại học Quốc gia, 91 trường đại học và 9 trường cao đẳng ngoài hệ thống này. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực cần so sánh, xem xét tương quan giữa điểm số đạt được so với điểm chuẩn phương thức này qua các năm của trường để có được quyết định đúng đắn.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM nhận định, với phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024, điểm chuẩn vào các trường đại học theo phương thức xét điểm này sẽ không nhiều biến động so với năm ngoái. Ông Sơn lý giải, năm nay, hình dạng phổ điểm tương tự năm ngoái, trong khi số lượng thí sinh dự thi “nhỉnh” hơn. Ngoài ra, số chỉ tiêu của các trường cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực đều tăng nhẹ.
Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, ngưỡng điểm nhận hồ sơ (điểm sàn) phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm nay từ 700 điểm trở lên đối với các ngành Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin và Marketing; 650 điểm đối với các ngành: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Kinh doanh quốc tế, Kế toán; 600 điểm cho các ngành còn lại.
Tuy nhiên, mức điểm an toàn cho thí sinh để có thể trúng tuyển sẽ cao hơn. Chẳng hạn, với ngành Công nghệ thực phẩm, số điểm an toàn là 700; các ngành lĩnh vực kinh tế, du lịch, luật dao động ở mức 670 - 750; các ngành lĩnh vực kỹ thuật từ 650 - 670.
ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) lại đưa ra dự báo với 2 nhóm trường, ngành. Theo đó, với các trường, ngành tốp trên, điểm chuẩn xét điểm thi đánh giá năng lực có thể tăng nhẹ so với năm trước do số lượng thí sinh, số thí sinh đạt điểm cao, điểm số trung bình của năm 2024 đều tăng. Với các trường ở nhóm trung bình, điểm chuẩn có thể không thay đổi.
Đánh giá của ThS Cù Xuân Tiến khá tương đồng với khảo sát về điểm sàn phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm nay tại gần 100 trường đại học. Trong đó, phần lớn các trường lấy điểm sàn 600; một số trường đại học địa phương lấy mức điểm sàn 500 - 550. Điểm sàn cao nhất ở Trường Đại học Ngoại thương với 850 điểm.
Thí sinh có thể tra cứu kết quả thi đánh giá năng lực đợt 2 bằng cách truy cập vào tài khoản đã đăng ký trên hệ thống thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM. Sau 7 ngày từ ngày công bố điểm, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ gửi giấy chứng nhận kết quả thi qua đường bưu điện ở dạng thư bảo đảm tới địa chỉ liên lạc mà thí sinh đã đăng ký nhận.
Sau khi công bố điểm thi đợt 2, thí sinh vẫn có thể đăng ký bổ sung, điều chỉnh nguyện vọng đến hết ngày 15/6. Dự kiến trước ngày 24/6, Đại học Quốc gia TPHCM thực hiện xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển.