Công bố chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Ngày 21/8/2017, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức triển khai Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg ngày 3/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH.  

Công bố chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Nhận thức mới, cách làm mới

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ; sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã có những bước phát triển to lớn.

Sự ra đời Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ngày hôm nay là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, một dấu mốc trong lịch sử hình thành và phát triển của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Nhìn lại lịch sử phát triển của cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN từ trước đến nay, mặc dù đã qua nhiều lần thay đổi tên gọi, chức năng với tính chất và quy mô phát triển khác nhau nhưng lĩnh vực GDNN đã có những bước đi tương đối, có những kết quả được xã hội khẳng định, vai trò vị trí của GDNN trong xã hội ngày càng được nâng cao.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, triển khai Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg với một tư duy, nhận thức mới, cách làm mới thì GDNN sẽ thay đổi. Từ đó, tất cả các đồng chí lãnh đạo Tổng cục đến các công chức, viên chức cần có nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về việc “thay tên đổi họ”. Cần có một quyết tâm mới, cách làm mới, tư duy mới trong công việc, từ đó hoàn thành tất cả các văn bản pháp quy, để hệ thống giáo dục vận hành trong một khuôn khổ pháp lý đầy đủ, thông thoáng nhất. Sớm hoàn thiện việc quy hoạch mạng lưới GDNN theo hướng tinh gọn, chất lượng và thực chất nhất.

Học sinh ra trường có việc làm

Chia sẻ về những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực GDNN hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thông tin hơn 100.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học như một ví dụ cho thời cơ của GDNN. Với người học, điều quan trọng nhất là có việc làm sau khi ra trường. Ra trường có việc làm thì yên tâm có người học.

Nêu một số dẫn chứng về những nơi đào tạo tốt, gần 100% người học có việc làm, thậm chí có nhiều trường còn mạnh dạn cam kết nếu người học không có việc làm sau khi ra trường thì sẽ hoàn học phí. Điều này cho thấy, trong hệ thống GDNN ngày càng có nhiều trường chủ động, tự tin khẳng định học sinh của họ ra trường là có việc làm.

Các dẫn chứng được người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH đưa ra như: Trường Trung cấp Công nghiệp Hà Nội, với 248 học sinh ra trường hầu như 100% có việc làm ngay hay như việc cam kết của một số trường nếu sinh viên ra trường không có việc làm, nhà trường sẽ trả lại học phí. Hay như ở Quảng Ngãi, Công ty Nhật Bản muốn tuyển dụng 50 người vào làm việc ở hãng Toshiba, có 242 người tham gia thi tuyển thì 49 người học Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất trúng tuyển và chỉ có 1 người tốt nghiệp đại học.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ: “Trong khó khăn, chúng ta tìm ra hướng mới, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, của người học, đặc biệt là các bậc cha mẹ, để từ đó hoàn thành sứ mệnh mà Chính phủ và Đảng đã giao cho là tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước, giải quyết hài hòa bài toán giữa thầy và thợ”.

Sau khi Luật GDNN có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất và đồng thuận giao Bộ LĐ-TB&XH thống nhất quản lý nhà nước về GDNN trên phạm vi cả nước (tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 3/9/2016). Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2017/NĐ-CP, trong đó đổi tên Tổng cục Dạy nghề thành Tổng cục GDNN; chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của Tổng cục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg và có hiệu lực thi hành từ ngày 21/8/2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ