Công bố Báo cáo quốc gia về thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2010 của VN

Công bố Báo cáo quốc gia về thực hiện các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2010 của VN
Tại lễ công bố ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã báo cáo mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ 2010
Tại lễ công bố ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã báo cáo mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ 2010

Dự lễ công bố báo cáo có ông Cao Viết Sinh - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông John Hendra - Điều phố viên thường trú của Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cùng đại diện Bộ Ngoại giao, một số bộ ngành...

Tình trạng đói nghèo và thiếu ăn đang dần được xoá bỏ

Tính đến thời điểm này, nước ta đã đạt và vượt các tiêu chí như xoá bỏ nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập GD tiểu học; tăng cường bình đẳng giới; đẩy lùi sốt rét và các loại bệnh dịch khác. Theo báo cáo, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm trong thời kỳ 2000 - 2010 đạt khoảng 7,2%. GDP bình quân đầu người năm 2010 khoảng 1.200 USD, gấp 3 lần so với năm 2000.

Với tất cả những nỗ lực, LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá VN là quốc gia thành công, đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ ở châu Á- Thái Bình Dương. Sự thành công trong việc xoá đói và giảm nghèo với việc đã đạt “giảm 1/2 tỷ lệ nghèo”, tức là giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 28,9% năm 2002. Tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 14,5% vào năm 2008. Giảm nghèo diễn ra ở tất cả các nhóm dân cư, thành thị, nông thôn, dân tộc Kinh, các dân tộc thiểu số, và ở các vùng địa lý.

Ngoài ra, VN đã có những nỗ lực quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo với một số nhóm xã hội đặc biệt như đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo ở các vùng có điều kiện khó khăn với việc triển khai các Chương trình 135 (phát triển KT - XH các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi ) và Chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn).

Tuổi thọ trung bình của người VN tăng từ 71 tuổi năm 2002 lên 74,3 tuổi năm 2007. Thu nhập thực tế của mỗi người dân sau 10 năm tăng gấp 3,5 lần. Tuy nhiên, theo báo cáo, tỷ lệ nghèo còn khá cao ở một số địa bàn, đặc biệt ở vùng Tây Bắc và nhóm dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2008, hơn 50% người dân tộc còn nghèo, chiếm tới hơn một nửa tổng dân số nghèo VN.

VN đã hoàn thành mục tiêu PCGD tiểu học và đang từng bước nâng cao chất lượng PCGD tiểu học
VN đã hoàn thành mục tiêu PCGD tiểu học và đang từng bước nâng cao chất lượng PCGD tiểu học

Sớm hoàn thành PCGD tiểu học và bình đẳng giới

Năm 2000, VN đã hoàn thành mục tiêu PCGD tiểu học theo chuẩn PC của quốc gia; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh PCGD THCS trong độ tuổi; có mục tiêu cụ thể cho việc thực hiện mục tiêu PCGD THPT. So với các quốc gia có cùng mức độ phát triển và thu nhập, VN có các chỉ số về bình đẳng giới khá cao. VN đã xoá bỏ được những khác biệt về giới trong GD. Trong số lao động mới được giải quyết việc làm hàng năm, nữ giới chiếm khoảng 49%. Phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; vị trí lãnh đạo của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp...

Hơn thế, VN cũng đã đạt được những thành tựu to lớn về tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ. So với các quốc gia có cùng mức độ phát triển và thu nhập, VN có các chỉ số về bình đẳng giới khá cao: chỉ số Phát triển liên quan đến giới (GDI) của VN đứng thứ 92 trong số 177 quốc gia (Báo cáo phát triển con người năm 2007/2008 của Liên Hợp Quốc). Ngoài ra chúng ta cũng đã xoá bỏ được những khác biệt về giới trong GD ở tất cả các cấp học: Tỷ lệ HS nữ trong năm học 2008 - 2009 đạt 47,9% ở cấp Tiểu học; 48,5% ở cấp THCS; 52,6% ở cấp THPT; và 48,5% ở cấp ĐH.

Bình đẳng về việc làm và thu nhập cũng đã đạt được những bước tiến quan trọng; trong số lao động mới tăng thêm hàng năm, nữ giới chiếm khoảng 49%. Phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn trong công tác quản lý lãnh đạo, trong các vị trí đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp... 

Hội nhập nền kinh tế toàn cầu

Hiện nay, VN đã hội nhập sâu rộng vào nền KT toàn cầu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, khai thác các cơ hội thị trường quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng XK. Hiện chúng ta có quan hệ thương mại với hơn 170 quốc gia, vùng và lãnh thổ, ký hơn 60 hiệp định KT về thương mại song phương và thiết lập quan hệ đầu tư với khoảng trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

VN đã đạt được những bước tiến lớn trong việc thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển; thực hiện hiệu quả vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2008-2009) và vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010; triển khai thực hiện các cam kết gia nhập WTO và nhiều các cam kết tự do hoá thương mại khác. Việc nỗ lực thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu đã giúp VN huy động được các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tận dụng các cơ hội của tự do hoá thương mại, thị trường quốc tế cho thúc đẩy tăng trưởng KT và giảm nghèo. Theo báo cáo, tổng vốn ODA cam kết của cộng đồng tài trợ quốc tế tại Hội nghị thường niên Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho VN (Hội nghị CG) trong 3 năm (2006-2008) đạt 18,7 tỷ USD. Tại Hội nghị CG tháng 12/2009, các nhà tài trợ đã cam kết trên 8 tỷ USD, mức kỷ lục từ trước tới nay. Đây là nguồn vốn quan trọng nhằm bổ sung cho đầu tư phát triển... 

Những nỗ lực hoàn thành các mục tiêu vào năm 2015

Các mục tiêu phát triển của VN và các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đã được triển khai trên cơ sở huy động tối đa các nguồn lực trong nước, khơi dậy sự tham gia và đóng góp tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, huy động và sử dụng hiệu quả hỗ trợ của các tổ chức thuộc LHQ, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ... và đến nay chúng ta đã hoàn thành khoảng 90% số chỉ tiêu, đứng đầu khu vực ĐNÁ (theo báo cáo của Uỷ ban KT-XH châu Á- Thái Bình Dương).

Theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, VN đã và sẽ đạt được các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ trên phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với VN trong thời gian tới là đảm bảo các mục tiêu có thể đạt được một cách đồng đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, có những mục tiêu mà VN phải nỗ lực và cố gắng rất lớn để có thể đạt được vào năm 2015 là đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, giảm tỷ suất tử vong mẹ và đảm bảo bền vững về môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường sinh thái; đẩy lùi tình trạng suy giảm tài nguyên môi trường.

Trong tình hình chung hiện nay, VN là một trong những nước chịu tác động tiêu cực mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng và thường xuyên bị thiên tai. Bởi vậy yêu cầu đảm bảo môi trường bền vững càng đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

8 mục tiêu sẽ phải đạt được vào năm 2015:
1. Xoá đói tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; 2. Đạt PCGD  tiểu học; 3. Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; 4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; 5. Nâng cao sức khoẻ bà mẹ; 6. Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; 7. Đảm bảo bền vững về môi trường; 8. Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.

Trung Toàn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thường xuyên chấm bài và soạn giáo án điện tử, mắt của cô Nguyễn Thị Mai Hương mờ, yếu và tăng độ.

Cách bảo vệ mắt hiệu quả

GD&TĐ - Khi nhắc đến bệnh nghề nghiệp của giáo viên, nhiều người thường nghĩ đến: Khàn giọng, mất tiếng, viêm thanh quản, giãn tĩnh mạch chân do đứng nhiều.