(GD&TĐ) - Ngày14-12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về việc công bố ba luật mới: Viên chức, Khoáng sản và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ba luật này đã được QH khóa XII, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 15 và ngày 17-11-2010 |
Ðồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì họp báo cho biết, ngày 29 và 30-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký các lệnh số 15, 16 và 17, công bố ba luật, đó là: Luật Viên chức, Luật Khoáng sản và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các luật này đã được QH khóa XII, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 15 và ngày 17-11-2010.
Luật Viên chức có sáu chương, 62 điều quy định về viên chức; quyền, nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, viên chức trong luật này là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Ðáng chú ý là quy định về chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức.
Do đặc thù của Việt Nam, giữa viên chức và cán bộ, công chức luôn có sự liên thông, chuyển đổi giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Ðảng, Nhà nước và tổ chức chính trị-xã hội. Vì vậy, Luật Viên chức có quy định các trường hợp cụ thể về việc chuyển đổi này. Ðó là: Viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ năm năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển. Viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng.
Cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Viên chức. Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển sang làm viên chức và được bố trí công việc phù hợp. Viên chức chuyển sang làm cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được bảo đảm các quyền lợi về chế độ, chính sách.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012.
Luật Khoáng sản có 11 chương, 86 điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý Nhà nước về khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật này có nhiều điểm mới so với Luật Khoáng sản hiện hành, nhất là về phân cấp thẩm quyền cấp phép, về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có sáu chương, 51 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.
Kiên Hưng