Công an Hà Nội: Xử lý học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi

GD&TĐ - Không ít bậc phụ huynh “tạo điều kiện” cho con em điều khiển xe máy tới trường khi chưa đủ điều kiện có giấy phép lái xe (GPLX). Để đảm bảo an toàn giao thông, Công an TP Hà Nội đã ra quân xử lý tình trạng học sinh đi xe máy đến trường năm học 2020 – 2021.

Lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở học sinh đi xe máy tới trường.
Lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở học sinh đi xe máy tới trường.

Cha mẹ lách luật “trao” rủi ro cho con

Bước vào năm học mới 2020 - 2021, chị Đặng Thị Thủy ở khu đô thị Ecohom, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) lại thêm phần lo về việc đi lại của hai con. “Chồng đi làm xa không thể đưa đón con thường xuyên.

Mấy năm trước, 2 anh em học cùng trường mẹ còn đưa đón được. Năm nay, 2 con học khác trường. Gia đình đã mua thêm xe máy để con lớn tự đến trường dù biết cháu chưa đủ tuổi có GPLX…”, chị Thủy chia sẻ.

Những gia đình có hoàn cảnh như nhà chị Thủy không phải ít. Họ đã chọn giải pháp “lách luật” để được việc. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cũng có 2 con học cấp 3. Vì vậy, gia đình đã mua xe Cup 82 để các cháu đi lại.

Có nhiều lý do dẫn đến bố mẹ “lách luật”, giao xe máy cho con tới trường như bận việc, nhà trường khó bố trí xe đón đưa… Bởi vậy, tình trạng học sinh đi xe máy đến trường vẫn còn phổ biến. 

Ghi nhận của Báo GD&TĐ chiều 14/9 tại cổng Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tỷ lệ các em đi xe máy có thể nhiều hơn xe đạp, xe điện. Có không ít học sinh đi xe máy dung tích xi lanh trên 50 cm3 (phân khối).

Cùng với tình trạng trên, dạo qua các cổng Trường THPT Trần Phú, Phan Đình Phùng, Chu Văn An, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi (TP Hà Nội)… cũng nhận thấy tỷ lệ xe máy nhiều hơn xe đạp. Em Nguyễn Thúy P. (Bồ Đề - Long Biên) vừa đỗ lớp 10 một trường cấp 3 quận Hoàn Kiếm. Em cho biết, nhiều bạn cùng lứa chưa có GPLX nhưng được bố mẹ cho sử dụng xe máy đi học. 

Để xử lý tình trạng học sinh đi xe máy, thầy Đàm Tiến Nam - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, vào đầu năm học mới nhà trường yêu cầu phụ huynh học sinh phải đăng ký phương tiện cho con đến trường. Việc đăng ký phải ghi rõ đi xe của nhà trường, gia đình đưa đón hay học sinh tự đến trường. Nếu học sinh tự đi thì phụ huynh làm rõ là đi phương tiện gì và phải đúng quy định ATGT.

Theo thầy Nam, học sinh đi xe máy quá phân khối cho phép đến trường là vi phạm. “Gia đình không giao xe thì con không thể vi phạm. Nhà trường đưa nội dung này vào sinh hoạt đầu năm. Sau đó, cho học sinh ký cam kết về việc thực hiện ATGT. Trong đó, có việc là đi xe máy đúng theo quy định (đội mũ bảo hiểm, không đi xe máy có dung tích trên 50 cm3)...”, thầy Nam bày tỏ.

Cũng theo thầy Nam, khi trao đổi thì phụ huynh hoàn toàn ủng hộ việc không giao xe máy có dung tích xi lanh trên 50 cm3 cho học sinh. 

“Đôi khi phụ huynh chiều, đáp ứng yêu cầu của các con. Nhưng khi được nhà trường nhắc nhở, phụ huynh lại rất ủng hộ nhà trường. Học sinh cấp 3 đã phát triển tốt về thể chất có thể điều khiển xe máy. Nhưng tâm lý lứa tuổi này thì các cháu đi xe thường bỏ qua các quy tắc ATGT, chưa thực hiện đầy đủ và không làm chủ về tốc độ, đội mũ bảo hiểm, chở quá số người… tiềm ẩn mất ATGT…”, thầy Nam cảnh báo.

Thầy Bùi Gia Nội – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, các trường hợp học sinh tự điều khiển xe đến trường bắt buộc kiểm soát ngay từ bộ phận bảo vệ.  

“Các em đi không nghiêm túc phải chấn chỉnh, đặc biệt đèo 2 – 3 người, không đội mũ bảo hiểm… Đi xe máy trên 50 cm3, nhà trường sẽ giữ xe yêu cầu phụ huynh đến nhắc nhở, ký cam kết không giao xe để các em tái vi phạm…”, thầy Nội nhấn mạnh.

Học sinh Trường THPT Cầu Giấy đi xe máy tới trường.
Học sinh Trường THPT Cầu Giấy đi xe máy tới trường.

Đến vi phạm pháp luật 

Ngày 11/9 (vừa qua), Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) ra quân xử lý tình trạng học sinh đi xe máy đến trường năm học 2020 - 2021. Ghi nhận của Báo GD&TĐ, chỉ trong vòng 30 phút trước giờ vào lớp trên khu vực phố Xốm, quận Hà Đông tổ công tác Đội CSGT số 10 đã xử lý hơn 10 trường hợp vi phạm. Nhiều học sinh khi bị dừng xe còn ngơ ngác thắc mắc lý do bị giữ.

Em Nguyễn Đặng T. học lớp 12 nhà ở Tô Hiệu (quận Hà Đông) còn không biết mình vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi sử dụng xe máy Spacy 125cc BKS: 29B1-437.97 của bố mẹ để đi học. Em T. lý giải, vì không có ai đưa đi học nên em được giao xe tự đi đến trường.

Trung tá Nguyễn Cường, Đội CSGT số 10 cho biết, đa số trường hợp bị dừng xe, các cháu học sinh đều vi phạm lỗi ban đầu là không đội mũ bảo hiểm. Khi kiểm tra các cháu đều không có GPLX… Tất cả trường hợp vi phạm đều tạm giữ phương tiện và lập hồ sơ cùng sở GD&ĐT để thông báo về nhà trường theo kế hoạch phối hợp.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó phòng CSGT cho biết, bên cạnh việc ra quân còn có các buổi nói chuyện tuyên truyền về ATGT cho học sinh các cấp học. Với học sinh khối tiểu học và THCS có các câu hỏi tình huống gần gũi, sinh động. Còn riêng học sinh khối THPT, Phòng CSGT đã khéo léo lồng ghép tác hại của TNGT qua các bức ảnh tuyên truyền để các em nhận thức hơn. 

Thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, từ tháng 3/2020 đến nay đơn vị đã xử lý được 42.814 trường hợp xe mô tô, xe gắn máy vi phạm, phạt thành tiền hơn 12,949 tỷ đồng. Trong đó, có 230 trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên. Con số này đủ nói lên tình trạng vi phạm trong học sinh, sinh viên còn lớn nếu không gia tăng các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.