(GD&TĐ) - Thời điểm gần Tết cũng là lúc tình trạng buôn bán, vận chuyển pháo lậu qua biên giới lại “nóng”. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo lậu không chỉ giấu pháo vào lẫn những xe ô tô chở mặt hàng khác hòng vượt qua trạm kiểm soát ở cửa khẩu, mà còn len lỏi qua những đường mòn biên giới...
Một loại hàng lậu “nóng” vào cuối năm
Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng (BP) Cốc Nam đại uý Lều Minh Tiến (Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết: So với năm trước, năm 2010 số lượng hàng buôn lậu có giảm. Tuy nhiên, tình hình buôn lậu trên địa bàn Cốc Nam vẫn có những diễn biến phức tạp. Đóng quân trên một địa bàn nhức nhối về tình trạng buôn lậu, lực lượng BP Cốc Nam đã độc lập tổ chức bắt giữ và phối hợp với các lực lượng chức năng (như Chi cục hải quan Cốc Nam, Đội chống buôn lậu của công an huyện Văn Lãng) tổ chức đấu tranh, bắt giữ tội phạm buôn lậu, trong đó có buôn lậu pháo.
Các đối tượng vận chuyển thuê bị bắt với tang vật gồm nhiều loại pháo lậu |
Địa bàn Cốc Nam khá phức tạp về hoạt động vận chuyển pháo nổ, vì đây là khu vực có nhiều đường mòn, đường tắt qua lại biên giới. Chỉ tính riêng từ mốc biên giới 1106 đến mốc 1092 đã có tới gần 30 đường mòn các loại, đó là tính số đường mòn có thể đi lại được khá thuận tiện, chưa kể đến số đường tắt người dân tự mở. Trong khoảng hơn 1 tháng triển khai đấu tranh mạnh với hoạt động buôn lậu pháo, riêng Trạm BP Cốc Nam đã bắt được 9 vụ với 12 đối tượng vận chuyển pháo lậu, thu giữ gần 200 kg pháo các loại (đã bàn giao đơn vị chức năng để khởi tố hình sự 3 vụ với 5 đối tượng). So sánh về lượng pháo lậu thu giữ được tại địa bàn Cốc Nam thời điểm này năm ngoái và năm nay cũng tương đương nhau.
Phó Trạm trưởng Trạm kiểm soát BP cửa khẩu Tân Thanh thượng uý Đặng Hùng Cường qua thông tin với phóng viên đã nhấn mạnh: Một trong những loại hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua khu vực này đáng chú ý có pháo nổ. BĐBP của Trạm đã bắt giữ được hơn 1 tạ pháo vận chuyển trái phép qua trạm.
Nhiều hình thức vận chuyển pháo lậu
Hình thức vận chuyển pháo lậu năm nay (đặc biệt là tại thời điểm gần Tết này) diễn ra rất tinh vi- thượng uý Đặng Hùng Cường nhấn mạnh. Các đối tượng có thể “găm” pháo trên xe hàng vận chuyển hoa quả (Mặt hàng phổ biến được vận chuyển qua cửa khẩu này là nông sản). Để bắt được những vụ buôn pháo lậu, đơn vị chức năng đã phải sử dụng cả biện pháp nghiệp vụ như “cài cắm” trinh sát và người đưa tin ở cơ sở. Bằng biện pháp này, trong 2 tháng gần đây tại Trạm kiểm soát này đã bắt được 4 vụ buôn pháo lậu, số lượng khoảng hơn 100 kg.
Còn theo đại uý Lều Minh Tiến: Hình thức vận chuyển pháo lậu hiện nay chủ yếu các đối tượng vận chuyển vào lúc đêm tối, thời tiết mưa gió. Các đối tượng có thể giả dạng, cải trang thành những người dân trên địa bàn.
Tuyến đường đưa hàng lậu, hàng cấm tập kết vào Hang Dơi đã được ngăn chặn, bởi liên ngành công an- biên phòng- hải quan lập lán kiểm soát án ngữ, trực chiến 24/24 giờ liên tục. “Ba màu áo” của các cán bộ, chiến sĩ các đơn vị liên ngành đã khiến vị trí tập kết hàng lậu nổi tiếng này yên ắng hẳn. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu đã chuyển sang hoạt động ở các con đường khác.
Lực lượng an ninh kiểm tra đối tượng vận chuyển pháo lậu |
Ngay sau khi triển khai kế hoạch tổ chức đấu tranh, phòng chống buôn bán, vận chuyển pháo nổ, đèn trời qua biên giới (tháng 11/2010), ngày 29/11/2010, BĐBP Cốc Nam đã bắt quả tang 2 đối tượng (Nguyễn Văn Huy, SN 1992, thường trú tại Yên Dũng, Bắc Giang và Nguyễn Văn Thịnh, SN 1989, thường trú tại Cao Lộc, Lạng Sơn) đang trên đường vận chuyển 26 kg pháo nổ các loại qua đường mòn biên giới (đường đồi 386) thuộc thôn Cốc Nam, huyện Văn Lãng. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng đã khai nhận hành vi buôn lậu pháo. Khi biết ở Lũng Vài (Trung Quốc) có địa chỉ bán pháo nổ, Huy đã nảy ý định mua pháo về quê để sử dụng và bán kiếm lời., Huy thuê Thịnh sang Lũng Vài mua pháo, nếu chót lọt sẽ trả 200.000đ tiền công. Sau khi mua được một số loại pháo (pháo hoa, pháo nổ dạng bánh, pháo diêm...) với trọng lượng khoảng 25 kg, giá 4 triệu đồng, Huy thuê một người phụ nữ người Việt vác lên đỉnh đồi đường mòn biên giới để vận chuyển về Việt Nam. Từ đó Thịnh dẫn đường cho Huy vác pháo theo đường mòn vào Việt Nam.
Mới đây nhất, hồi 21h15 ngày 9/12 vừa qua, nhận được tin báo do cơ sở cung cấp, tại đường mòn qua biên giới Trạm KSBP Cốc Nam đã triển khai lực lượng bắt quả tang vụ vận chuyển pháo lậu của 2 đối tượng (Nguyễn Văn Sửu, SN 1985, người Kiến An, Hải Phòng và Vi Văn Đồng, SN1989 người Bắc Sơn, Lạng Sơn) thu giữ 29,6 kg pháo hoa (dạng phụt nổ) từ Trung Quốc chuyển vào Việt Nam. Lực lượng BP cho biết, khi bị bắt giữ, mỗi đối tượng đều xách 02 túi nilon đựng pháo giống nhau (mỗi túi đựng 14,8 kg), pháo do Sửu mua tại Lũng Vài (Trung Quốc) rồi thuê Đồng cùng vận chuyển trái phép qua biên giới vào Việt Nam để bán kiếm lời. Qua đấu tranh khai thác, tên Sửu đã khai từng 2 lần qua Lũng Vài vận chuyển pháo về Việt Nam và đã tiêu thụ chót lọt. Lần này, Sưu thuê thêm 2 người cùng vận chuyển (ngoài Đồng còn có một người tên Vũ- quen biết cho ở trọ cùng) và nếu chót lọt Sửu sẽ trả công 200.000đ mỗi người. Sau khi xuất cảnh trái phép qua đường 386 sang Lũng Vài, Sửu mua 36 hộp pháo hoa, loại giàn 25 quả, tổng số lượng khoảng 45 kg với giá 950.000đ (chia thành 6 túi) và vận chuyển số pháp trên đến khu vực mốc biên giới và gọi điện thoại cho Đồng, Vũ đến để cùng vận chuyển về Việt Nam. Vũ đã vận chuyển 2 túi pháo về Việt Nam trước, còn Sửu và Đồng mỗi người 2 túi về sau. Sửu và Đồng đã bị BĐBP bắt giữ cùng toàn bộ tang vật.
Còn tiêu thụ được, pháo lậu vẫn còn
Điều đáng nói là các đối tượng vận chuyển pháo lậu qua biên giới hoạt động dưới các hình thức khá đa dạng, có thể “găm” vào các hàng hoá nhập khẩu công khai qua cửa khẩu thương mại, có thể vận chuyển nhỏ lẻ (từ vài kg đến vài chục kg) qua các đường mòn, đường tắt từ Trung Quốc vào Việt Nam. Mục đích buôn lậu pháo chủ yếu là đưa sâu về các địa phương trong nội địa để bán kiếm lời. Đối tượng vận chuyển pháo lậu trực tiếp qua các đường mòn, đường tắt vùng giáp biên hầu hết là lao động tự do, lao động phổ thông, người thất nghiệp. Các đối tượng hoạt động theo nhóm tự phát, bàn nhau chia nhỏ việc vận chuyển, thuận tiện cho việc “qua mắt” các lực lượng chức năng chống tội phạm.
Mặc dù bị ngăn chặn ráo riết, song do dường mòn, đường tắt qua biên giới nhiều, trong nội địa nhu cầu tiêu thụ pháo lậu vẫn còn, nên các đối tượng vẫn liều lĩnh buôn bán, vận chuyển mặt hàng cấm này. Cùng với những nỗ lực đấu tranh phòng chống, bắt giữ pháo lậu của các lực lượng chức năng; để phòng chống triệt để hơn tình trạng buôn lậu pháo, hơn hết vẫn cần ý thức của mỗi người dân, nếu chấm dứt một chút “ham vui” mua và sử dụng pháo (tiếp tay cho những đối tượng buôn bán trái phép) thì việc ngăn chặn hiện tượng vận chuyển, buôn lậu, bán và đốt pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không còn đến hẹn lại... lo.
Các loại pháo đang được vận chuyển lậu vào Việt Nam được đơn vị đấu tranh, bắt giữ “nhận diện” là khá đa dạng về chủng loại, hình dạng. Có cả pháo giống hình lựu đạn, pháo hộp dẹt, pháo dạng cây, pháo diêm... |
Nhằm đấu tranh phòng chống buôn bán pháo lậu những tháng cuối năm, tháng 11/2010, Ban chỉ huy BĐBP Tân Thanh đã xây dựng kế hoạch tổ chức đấu tranh, phòng chống buôn bán, vận chuyển pháo nổ, đèn trời qua biên giới (từ Trung Quốc vào Việt Nam). |
Chung Nam Hương