Nhìn lại năm 2022, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là một năm diễn ra nhiều sự kiện văn hóa lớn đan xen giữa mục tiêu phục hồi trong bối cảnh hậu Covid-19.
Văn hóa là sức mạnh
“Phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng đề ra luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa. Trong đó nhân tố con người giữ vị trí then chốt, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị và các chuẩn mực. Văn hóa giữ vai trò định hướng phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất”, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng.
Ngày 15/3/2022 là mốc thời gian Việt Nam mở cửa hoàn toàn sau đại dịch Covid-19. Gắn văn hóa với mục tiêu phục hồi, từ lĩnh vực du lịch, thể thao, đến các sự kiện văn hóa quy mô cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Việt Nam tổ chức thành công SEA Games 31 là minh chứng rõ nét nhất cho sự thích ứng phục hồi và bứt phá phát triển.
Theo số liệu của Bộ VH,TT&DL, năm 2022 Việt Nam thu hút đông đảo sự tham gia của người dân trong nước và du khách quốc tế - với hơn 101 triệu lượt khách nội địa, 3,5 triệu lượt khách quốc tế, góp phần tạo ra giá trị kinh tế và nâng cao vị thế thương hiệu quốc gia.
Đặc biệt, năm 2022 cũng triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ngoài phát động chủ đề “Xây dựng môi trường văn hóa”, ngành văn hóa cũng thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Phát triển văn hóa năm 2022 cũng được đánh dấu bởi hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội thảo đã phân tích, làm rõ các hệ giá trị và mối quan hệ biện chứng trong sự phát triển chung.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú - Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Ðảng Trung ương: Văn kiện Ðại hội XIII trong định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người, đã đặt lên hàng đầu việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.
Sau đó, hội thảo Văn hóa năm 2022 cũng diễn ra để bàn về “vấn đề rất lớn và rất khó” - đó là thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, đó là diễn đàn quốc gia nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.
Hai hội thảo nêu trên đã làm cho lĩnh vực văn hóa có những chuyển biến tích cực trong năm 2022, hướng tới những mục tiêu lâu dài. Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL lịch khẳng định rằng: “Bản chất cốt lõi của văn hóa chính là một nguồn sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển của đất nước”.
Cần khơi dậy khát vọng cống hiến để chấn hưng văn hóa dân tộc (hình ảnh di sản “Múa bồng” làng Triều Khúc biểu diễn dịp Tết Việt - Tết Phố 2023). Ảnh: ĐMX. |
Khơi dậy khát vọng chấn hưng văn hóa
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, năm 2023 tiếp tục đẩy mạnh và lan tỏa nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa. Đồng thời phải đưa nhiệm vụ vào thực chất và có chiều sâu, tạo các quan hệ hợp tác lành mạnh, phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
“Phát triển văn hóa ở Việt Nam vẫn luôn được khẳng định là sự nghiệp của toàn dân. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể hiện thực hóa vai trò của mình trong sự nghiệp này là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Lấy con người làm trung tâm của chiến lược phát triển văn hóa. Với hàm nghĩa này, phát triển văn hóa chính là phát triển con người, một quá trình phát triển lâu dài và hướng tới tương lai.
PGS.TS Lương Đình Hải - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng khẳng định, chuẩn mực con người chính là chìa khóa phát triển xã hội. Hệ giá trị con người được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, được sàng lọc, gạt bỏ, bổ sung, tiếp biến và phát triển.
Vì vậy thông điệp của ngành văn hóa trong năm 2023 cùng với sự cầu thị, khắc phục yếu kém thì phải tận dụng cơ hội, tìm kiếm giải pháp tập trung nguồn lực đầu tư chuyên sâu và có trọng điểm cho văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho sự phát triển, đầu tư cho tương lai. Đó cũng là nền tảng tiên quyết, góp phần hình thành một hệ sinh thái có khả năng tạo động lực khơi dậy khát vọng cống hiến, chấn hưng văn hóa dân tộc.