Con đường hướng tới tương lai cùng thịnh vượng

Tăng cường hợp tác quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các nước, trong đó có các nước trung chuyển, các nước không có biển, vượt qua thách thức, hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Cấp cao LHQ khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại. Ảnh: VGP/Hải Minh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Cấp cao LHQ khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại. Ảnh: VGP/Hải Minh
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Cấp cao Liên Hợp Quốc (LHQ) khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, khai mạc sáng 7/9 tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng cho rằng, quan hệ đối tác hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và lợi ích của các nước trung chuyển, các nước không có biển vẫn là con đường hướng tới tương lai cùng thịnh vượng.

Phó Thủ tướng đưa ra thông điệp trên trong bối cảnh thế giới bước vào năm 2017 với nhiều bất trắc, kinh tế thế giới phục hồi chậm, thương mại toàn cầu giảm trong khi sự hoài nghi về toàn cầu hóa gia tăng.Năm 2017 cũng là năm thứ hai triển khai Chương trình Nghị sự phát triển bền vững - một chương trình đầy tham vọng của LHQ.

Tuy nhiên, kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế cho thấy, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.

Việc gia nhập WTO, ASEAN, APEC và tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do đã giúp hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thuận lợi hơn vào thị trường thế giới, góp phần to lớn vào việc đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cũng như các Mục tiêu thiên niên kỷ.

Là quốc gia ven biển, Việt Nam luôn coi việc thúc đẩy quan hệ, trong đó có liên kết kinh tế với các nước láng giềng là một trong những ưu tiên cao với niềm tin thành công và sự thịnh vượng của các nước láng giềng có tác động tích cực đến sự phát triển của Việt Nam, cũng như giúp thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực.

Việt Nam đã có những bước đi cụ thể nhằm tăng cường liên kết kinh tế và kết nối hạ tầng với các nước láng giềng, đặc biệt là Lào, cả trên bình diện song phương và đa phương.

Hiện Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các nước hạ nguồn sông Mekong để phát triển các hành lang kinh tế nhằm kết nối những vùng xa xôi với các cảng biển quốc tế, trong đó có hành lang kinh tế Đông-Tây, trải dài 1.450 km, nối liền bốn nước tiểu vùng Mekong.

Về song phương, Việt Nam và Lào đã đưa vào vận hành mô hình kiểm tra một cửa, một lần dừng tại cặp cửa khẩu Lao Bảo-Dansavanh nằm trên hành lang kinh tế Đông-Tây và sẽ nhân rộng mô hình này trên tuyến biên giới của hai nước.

Mô hình này thể hiện nỗ lực của hai nước trong việc đơn giản và hài hòa hóa quy trình thủ tục, tạo thuận lợi đầu tư và giao thương qua biên giới, góp phần đưa Lào - một quốc gia không có biển thành một nước trung chuyển, cầu nối đất liền trong khu vực Mekong.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác quý báu của LHQ trong suốt 40 năm qua, đồng thời mong muốn LHQ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trên con đường phát triển bền vững.

* Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một hội nghị cấp cao của LHQ, qua đó nhằm nâng cao vai trò của Việt Nam tại LHQ và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các quốc gia.

Hội nghị còn là dịp để các nước liên quan trong khu vực cùng với LHQ thảo luận các biện pháp để các nước không có biển, các nước trung chuyển mở rộng kết nối khu vực, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, để không có nước nào bị bỏ lại.

Theo baochinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ