Cơn ác mộng ở Nam Á

Cơn ác mộng ở Nam Á

Đây thực sự là cơn ác mộng cho hai nước đông dân này vì dịch bệnh có thêm điều kiện để bùng phát dữ dội hơn.

Bão Amphan từ Vịnh Bengal đổ bộ đất liền hôm 21/5 đã ảnh hưởng đến 33,6 triệu người tại khu vực phía Đông Ấn Độ và 8 triệu người ở quốc gia láng giềng Bangladesh. Để tránh thảm họa do bão mạnh, khoảng 2,4 triệu người Bangladesh và hơn 500.000 người Ấn Độ đã được sơ tán khẩn cấp tới các điểm tập trung từ vài ngày trước khi bão vào.

Hoạt động sơ tán quy mô lớn để phòng tránh thiên tai diễn ra thường xuyên tại hai quốc gia Nam Á vào mỗi mùa mưa bão hàng năm. Nhưng đợt sơ tán năm nay được thực hiện với những thách thức tăng lên gấp bội do cả Ấn Độ và Bangladesh đều đang phải áp dụng giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19. Chính quyền hai nước đối mặt với tình huống rất phức tạp khi vừa phải bảo đảm cho hàng triệu người an toàn trước mưa bão lại vừa tuân thủ các nguyên tắc phòng nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Khi còn hoành hành trên biển những ngày đầu tuần này, Amphan là cơn bão mạnh thứ hai từng được ghi nhận tại Vịnh Bengal sau cơn bão lịch sử năm 1999 làm gần 10.000 người thiệt mạng. May mắn khi đổ bộ đất liền, bão Amphan đã suy yếu nên không gây nhiều thiệt hại về sinh mạng.

Nhưng chính việc hàng triệu người Ấn Độ và Bangladesh phải rời nhà đến sống tạm tại những nơi sơ tán đông đúc đang gây ra mối hiểm họa khôn lường khác, khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cả hai quốc gia Nam Á đang phải oằn mình để kiểm soát dịch. Số ca nhiễm virus tại Ấn Độ hiện đã vượt qua 110.000 người và hôm 20/5 được ghi nhận là ngày có số nhiễm mới nhiều nhất tại nước này từ đầu dịch với 5.611 ca.

Trong khi đó tại Bangladesh, số ca nhiễm Covid-19 cũng đang tăng nhanh và hiện có gần 30.000 người dương tính với virus, mỗi ngày lại có thêm trên dưới 1.000 ca mới. Tình hình Covid-19 chưa có dấu hiệu suy giảm khiến hai nước Nam Á cùng lúc đối mặt với thách thức về thiên tai và dịch bệnh đều nghiêm trọng như nhau. Các nhân viên y tế phải đeo khẩu trang, găng tay và tấm chắn giọt bắn khi tiến hành sơ tán người dân trong bối cảnh nhiều người trong đó có thể đang mang mầm bệnh Covid-19.

Giãn cách xã hội hiện vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để phòng đại dịch. Nhưng duy trì được biện pháp này trong tình huống người dân phải đi sơ tán với quy mô lớn là “điệp vụ bất khả thi” với chính quyền. Những người rời nhà đi tránh bão cũng không khỏi hoang mang khi phải tới các khu sơ tán chật chội vào thời điểm đại dịch đang lây lan mạnh trong cộng đồng.

Trong khi đó, điều kiện sống kém vệ sinh của người dân và hệ thống y tế thiếu thốn kết hợp với mùa mưa bão và lụt lội đang đến sẽ trở thành điều kiện thuận lợi để đại dịch bùng phát mạnh. Đây chính là kịch bản đáng lo ngại nhất mà giới chuyên gia cảnh báo và nó đang hiển hiện ngay trước mắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.