Coi trọng liên kết vùng tạo động lực để xây dựng Thái Nguyên phát triển bền vững

GD&TĐ - Ngày 10/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, việc tại Thái Nguyên
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, việc tại Thái Nguyên

Cùng đi có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng.

Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã báo cáo về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020- 2025 của Đảng bộ Thái Nguyên.

Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 08-Ctr/TU ngày 26/6/2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 23/11/2020 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, cụ thể hóa 5 định hướng lớn của Nghị quyết thành 12 chương trình, 32 đề án, 21 kế hoạch để tổ chức thực hiện; với mục tiêu phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Trước bối cảnh điều kiện kinh tế thế giới suy giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song tỉnh đã thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" vừa bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,59% (cao hơn bình quân chung của cả nước). Thu nhập bình quân đầu người đạt 107 triệu đồng/người, tăng 12 triệu đồng/người so với năm 2021. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 18.540 tỷ đồng, vượt gần 4.000 tỷ đồng so với dự toán, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.

Trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, quốc phòng, an ninh, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,65% so với năm 2021 (giảm từ 6,14% xuống còn 4,49%).

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 119 xã (bao gồm 9 xã đã lên phường của thành phố Phổ Yên), đạt 86,9%. Dự ước năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,14% xuống còn 4,35% (giảm 1,79% so với năm 2021).

Mặc dù là một tỉnh miền núi, song tỉnh đã và đang là một trong những địa phương đi tiên phong trong công tác "chuyển đổi số" trên cả 3 lĩnh vực (Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số) đã và đang có tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số và là tỉnh dẫn đầu trong việc thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng, nhiệt liệt biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được, nhất là sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Tổng Bí thư cũng đánh giá cao tập thể lãnh đạo tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, như: Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của khu vực FDI; công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản còn một số hạn chế; nhiều công trình, dự án chậm tiến độ; chất lượng giảm nghèo bền vững chưa cao…

Nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế này để tiếp tục phát triển bền vững, Tổng Bí thư lưu ý tập thể lãnh đạo tỉnh cần đi sâu phân tích, nhìn nhận thẳng thắn để khắc phục bằng được trong thời gian tới.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền tỉnh cần nhận thức đúng, sâu hơn nữa về tầm nhìn và bối cảnh chung; xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của địa phương để đề ra các mục tiêu, yêu cầu, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, có sự phân công, phân nhiệm trên tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả”.

Tỉnh cần tập trung ưu tiên các nguồn lực và tổ chức thực hiện thật tốt, có hiệu quả 5 định hướng lớn đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định. Đặc biệt là chú ý làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; coi trọng liên kết vùng để tạo động lực phát triển; xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân…

Phát huy truyền thống cách mạng anh hùng "Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn", cùng với khát vọng phát triển và quyết tâm mới, khí thế mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX đã đề ra, để Thái Nguyên sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội và của cả nước, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhân dịp mừng Xuân, đón Tết Quý Mão 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thái Nguyên anh hùng ngày càng tiến bộ và đạt nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.