Cởi áo khoác trước cổng trường!?

Cởi áo khoác trước cổng trường!?

(GD&TĐ) - Trước Tết, tôi có dịp đi công tác về một thành phố nọ. Buổi sáng ngồi uống cà phê trước cổng một trường trung học phổ thông, nhìn các em học sinh tấp nập đến trường, tôi bỗng hết sức ngạc nhiên khi thấy tất cả các em đến trước cổng trường đều nhất loạt dừng xe, cởi các loại áo khoác, áo len, áo gió… cầm tay trước khi dắt xe vào cổng. Trời mùa đông lạnh căm căm, tôi thấy rất lạ lùng trước hiện tượng trên.

Giải đáp thắc mắc của tôi, bà chủ quán bảo đó là quy định của nhà trường, trước khi vào cổng học sinh phải cởi áo để nhà trường kiểm tra các em việc chấp hành nội quy của trường, xem có mặc áo đồng phục không, có mang bảng tên trường không, có đeo huy hiệu Đoàn không, … Bà còn cho biết thêm việc này đã được nhà trường thực hiện nhiều năm nay rồi, và không chỉ riêng trường này mà nhiều trường khác trên địa bàn cũng thực hiện tương tự.

Về lại tỉnh nhà, trò chuyện với một cô giáo dạy trung học phổ thông, tôi bất ngờ khi được biết ở trường cô đang dạy cũng có quy định “cởi áo” như trên, nếu em nào không chấp hành thì nhân viên bảo vệ không cho vào trường. Cô còn ca cẩm thêm là nếu không làm như vậy thì khó kiểm soát được việc chấp hành nội quy ăn mặc của các em, thậm chí trước đây còn có trường hợp học sinh mặc áo thun ba lỗ đến trường, bên ngoài khoác hờ chiếc áo gió! Biết rằng buộc học sinh cởi áo trước cổng trường như vậy là không “đẹp” lắm, nhưng cũng chẳng biết phải làm sao để kiểm tra học sinh.

Đành rằng, yêu cầu học sinh chấp hành mọi nội quy, quy định của nhà trường là việc làm hết sức cần thiết, nhằm tập cho các em ý thức tự giác thượng tôn mọi luật lệ trong xã hội, trong đó nhà trường như là một xã hội thu nhỏ mà bước đầu các em cần phải tuân theo các quy định. Từ đó, việc kiểm tra nhằm nhắc nhở, uốn nắn các em nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nhà trường là việc làm không thể thiếu được.

Tuy nhiên, việc buộc học sinh phải “cởi áo” trước cổng trường như trên có phần thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng học sinh, nhất là đối với các em học sinh cấp trung học phổ thông ở lứa tuổi không còn nhỏ nữa. Ngoài ra, việc này cũng gây ít nhiều phản cảm trong môi trường giáo dục. 

Nên chăng việc kiểm tra trên nên diễn ra trong lớp học, do đội ngũ cán bộ lớp chủ động tiến hành dưới sự chủ đạo, hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Những trường hợp học sinh được nhắc nhở nhiều lần mà vẫn tiếp tục vi phạm thì nhà trường sẽ phối hợp với gia đình giáo dục, uốn nắn các em. 

Vẫn đạt được hiệu quả giáo dục học sinh chấp hành nội quy nhà trường, nhưng bằng cách tế nhị, tránh phản cảm trong môi trường giáo dục, tránh ảnh hưởng đến tâm lí các em đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng của thời học sinh, thiết nghĩ đó cũng là việc nên làm. 

Dương Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ