(GD&TĐ) - Trên 30 năm cống hiến trong ngành Giáo dục Thủ đô và đây cũng là năm cô Nguyễn Hiền Anh dẫn dắt lứa học trò cuối cùng tại Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) “vượt cạn” trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2013.
Cô Nguyễn Hiền Anh (thứ 2 từ phải sang) cũng các phụ huynh vui mừng đón thi sinh sau giờ thi |
Có mặt tại hội đồng thi Trường THPT Việt – Đức, khi các thí sinh bước vào cửa trường thi, thì ở ngoài cô Nguyễn Hiền Anh – Giáo viên Văn Trường THCS Nguyễn Du cùng các bậc phụ huynh trò chuyện về kỳ thi năm nay như để đếm thời gian trôi qua. Rồi cô vỡ òa trong niềm vui khi từng gương mặt học trò của cô bước ra khỏi phòng thi với vẻ mặt tươi tắn mãn nguyện sau khi thi xong môn Ngữ văn.
Cầm trên tay đề Ngữ văn, gương mặt của cô Hiền Anh như nở một nụ cười rạng rỡ, rồi cô quay sang hỏi từng học sinh của mình xem các em làm ý văn thế nào. Sau những lời diễn tả có phần ganh đua của học trò, cô Hiền Anh không tiếc những lời khen chia vui cùng đám học trò “các con làm thế là rất sát với đề ra rồi…”
Chia sẻ về đề Ngữ văn thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, cô Hiền Anh nhận định: “Đề Ngữ văn năm nay ra sát với chương trình sách giáo khoa. Đặc biệt, ở phần II của đề (Trích một phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung với quân lính – Ngữ văn 9, tập một – NXB Giáo dục, 2012) mang tính thời sự cao, khơi gợi được tình cảm và lòng yêu nước của thế hệ trẻ. Ở câu 3 trong phần này là bài tự luận, nên học sinh chỉ cần quan tâm, theo dõi sát đến thời sự trên truyền hình, báo chí là có thể mở rộng và trình bày rõ được suy nghĩ của mình về chủ quyền biển đảo quê hương…”
“Trong giai đoạn hiện nay, những đề Ngữ văn được ra sát với vấn đề thời sự để thí sinh thể hiện suy nghĩ của mình là điều hết sức quan trọng. Bởi giờ đây, không ít học sinh chỉ quan tâm đến internet, gameonline… mà nhãng đi vấn đề thời sự ngay trên mảnh đất quê hương mình. Để khơi gợi được tư duy và cách thể hiện quan điểm của mỗi học sinh thì rất cần những dạng câu hỏi Văn như vậy” – Cô Nguyễn Hiền Anh khẳng định.
Là giáo viên tâm huyết với nghề, luôn trăn trở với những vấn đề nhân văn của cuộc sống, cô Hiền Anh tâm sự: “Lứa học sinh này là chuyến đò cuối cùng tôi trong ngành Giáo dục và dưới mái trường Nguyễn Du, bởi năm học tới, tôi cũng về nghỉ chế độ. Chính vì vậy, bằng suy nghĩ và chia sẻ đến với học trò, lấy tinh thần cho từng em với mong mỏi các em sẽ “vượt cạn” thành công để thực hiện ước mơ đầu đời là tôi mừng lắm rồi…”
Có lẽ, vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn nhà giáo Việt Nam cũng như cô Hiền Anh đang từng ngày, từng giờ trăn trở cùng những chuyến đò ươm mầm thế hệ tương lai của đất nước. Nhưng trên hết các thầy, các cô vẫn luôn mong mỏi mọi thế hệ học trò của mình cũng hướng đến một tương lai tươi sáng, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xinh tươi đẹp.
Bắc Việt