Cơ thể “trục trặc” thời giao điểm xuân - hè

GD&TĐ - Thời điểm giao mùa giữa xuân - hè là giai đoạn thời tiết có nhiều biến động. Đặc biệt, nhiệt độ trong ngày có thể dao động mạnh trên 10 độ C.

Tiêm chủng là điều cần thiết để phòng bệnh khi độ ẩm cao. Ảnh minh họa
Tiêm chủng là điều cần thiết để phòng bệnh khi độ ẩm cao. Ảnh minh họa

Trong khi đó, đây cũng là lúc độ ẩm cao, có thể lên 90 - 100%. Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, những biến động thời tiết này gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống và sức khỏe con người.

Lý giải về điều này, chuyên gia cho biết, cơ thể chúng ta đã quá quen với một mức nhiệt độ, độ ẩm nhất định. Do đó, khi có biến động mạnh, cơ thể không kịp điều tiết để thích nghi với sự dao động của nhiệt độ, độ ẩm. 

“Sự trục trặc cơ chế tự điều chỉnh đó ảnh hưởng rất lớn đến hệ miễn dịch và cơ xương của chúng ta. Khi hệ thống tự điều chỉnh của cơ thể gặp khó khăn, bệnh có thể xuất hiện”, PGS Nga cảnh báo.

Cụ thể, khi độ ẩm cao, cơ thể có khả năng gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ bên trong. Cơ chế bay hơi mồ hôi bị cản trở. Khi đó, mồ hôi không thể bay hơi và khiến cơ thể cảm thấy nóng, bức bối.

Đồng thời, xảy ra hiện tượng đổ mồ hôi nhiều, các hệ thống tuần hoàn hô hấp khiến cơ thể nhanh mệt mỏi. Chuyên gia này nhấn mạnh, tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều có thể gây mất nước và các chất hóa học cần thiết để cơ thể hoạt động bình thường. Khi đó, cơ thể dễ rơi vào trạng thái nguy hiểm.

Trong khi đó, nhiệt độ và độ ẩm mùa xuân - hè thuận lợi cho côn trùng phát triển. Ruồi, muỗi bị ức chế sinh sản trong mùa đông. Thời điểm này, chúng sẽ sinh sản mạnh và tham gia “tích cực” vào quá trình truyền bệnh.

“Sự dao động của nhiệt độ và độ ẩm cao cũng làm cho các loại thực phẩm dễ hư hỏng. Bởi, các loài vi sinh vật và nấm mốc sinh sôi nảy nở, gây ngộ độc thực phẩm. Hơi nước trong không khí hút các chất độc như formaldehyde rồi đưa vào phổi. Từ đó, gây kích thích hệ thống hô hấp. Khi ngấm vào máu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể”, PGS Nga giải thích.

Bên cạnh đó, thời điểm này cũng là mùa các loài hoa nở và phấn hoa phát tán mạnh trong không khí. Những người cảm sẽ dị ứng với phấn hoa, lên cơn đau thắt, co thắt cơ quan hô hấp.

PGS Nga cảnh báo, thời điểm giao mùa xuân - hè là lúc dễ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như: Covid-19, thủy đậu, sởi, cúm mùa, cúm gia cầm, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ.

Ngoài ra, một số bệnh lây qua côn trùng cũng dễ xuất hiện trong thời gian này, bao gồm: Sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản. Tình trạng dị ứng phấn hoa cũng có thể gây các bệnh như viêm da, viêm kết mạc dị ứng.

Để phòng bệnh, chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như: Rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh cũng như khi ra đường, súc miệng bằng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn, thường xuyên tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh da.

Vệ sinh nhà cửa, thông thoáng nơi ở, sàn nhà, tay vịn cầu thang, nắm đấm cửa, vệ sinh đồ dùng cá nhân, đồ chơi trẻ em.

“Tiêm chủng đầy đủ vắc-xin theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Tăng cường sức khỏe bằng cách nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ chất, bổ sung các loại rau quả giàu vitamin, rèn luyện thân thể thường xuyên, bảo đảm an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi.

Đảm bảo vệ sinh môi trường. Khi có các triệu chứng bất thường như sốt, ho, tiêu chảy, cần đến cơ quan y tế để được khám và điều trị kịp thời”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.