29 dự án chỉnh trang đô thị sẽ được thực hiện
Theo kế hoạch, 29 dự án hạ ngầm các đường dây đi nổi kết hợp với chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đang được thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối với công tác hạ ngầm các đường dây đi nổi và chỉnh trang đô thị, trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến. Các dự án được triển khai đồng bộ, một số tuyến phố đã hoàn thành (Hai bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng – Lê Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Nghi Tàm, Âu Cơ) đã góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị Hà Nội. Đường phố đã phong quang, sạch đẹp, đảm bảo được kiến trúc, cảnh quan đô thị.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn một số hạn chế cần khắc phục là: Việc phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công trong việc triển khai thi công hạ ngầm, đường hè còn chưa đồng bộ. Việc cấp phép đào đường, hè còn chưa đáp ứng được tiến độ. Đối với các dự án hạ ngầm, việc thi công theo tuyến kéo dài vì với mặt bằng chật hẹp phải thi công vào ban đêm (22h đến 5h sáng)…” – ông Tuần bày tỏ.
Nhà Vòm, trụ sở của Công đoàn Bộ Công Thương (phố Ngô Quyền) đang được chỉnh trang lại (ảnh: gdtd.vn). |
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, việc chỉnh trang, sơn vôi công trình nhà cửa nhân dịp lễ tết là một truyền thống mỹ tục của dân tộc Việt Nam, không là việc làm đẹp nhà cửa mà còn thực hiện duy tu, bảo dưỡng nâng cao tuổi thọ công trình.
Hè phố Tràng Tiền (trước đây lát gạch đất nung) đang được lát lại bằng đá xanh ảnh:gdtd.vn |
Mục đích của Đề án “Chỉnh trang, sơn vôi, sơn sửa nhà mặt phố trên các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, công dân trong việc tham gia góp phần gìn giữ cảnh quan đô thị, môi trường của Thành phố. Việc chỉnh trang sẽ tạo sự đoàn kết trong dân, xây dựng đời sống văn hóa, phát huy truyền thống người Hà Nội thanh lịch, văn minh, ý thức giữ gìn thủ đô Xanh – Sạch – Đẹp.
Có “làm mới” các công trình cổ?
Tuy nhiên, hiện nay cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc chỉnh trang đô thị của thành phố Hà Nội sẽ làm cho khu phố cổ của Hà Nội hết “duyên”. Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi tiến hành chỉnh trang, thành phố Hà Nội nên làm các hội thảo khoa học, lấy ý kiến của các nhà kiến trúc, văn hóa về cách chỉnh sửa sao cho ít ảnh hưởng nhất tới khu “36 phố phường” của Hà Nội. Bởi, khi chỉnh sửa sẽ làm các kiến trúc này biến dạng, hay màu vôi ve mới có thể “làm mới” những công trình cổ này.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, PGĐ Sở Xây dựng Hà Nội |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Tuấn lý giải: “Từ trước tới nay, chưa có quy định về màu vôi ve cho các công trình cổ. Chính vì thế, khi chỉnh sửa, chúng tôi không tác động vào lõi. Chúng tôi chỉ cạo rêu, mốc, phá các bục, bệ xây dựng sai phép, và công trình đó có màu vôi, ve nào chúng tôi sẽ quét lại màu đó. Chúng tôi đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc hướng dẫn như thế. Và, UBND Thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc làm việc với các UBND huyện chỉnh trang đô thị tại địa phương đó, và nhất quyết không được làm ảnh hưởng tới kết cấu, kiến trúc của công trình”.
Được biết, Thủ tướng Chỉnh phủ đã có công văn chỉ đạo các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội phải chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tự bỏ kinh phí ra để chỉnh trang bộ mặt cơ quan mình.
Đường dạo mát quang hồ Hoàn Kiếm có thể được bóc lên để lát đá xanh (ảnh: gdtd.vn). |
Đối với các cơ quan thuộc Hà Nội, các quận, huyện sẽ phải tự bỏ kinh phí ra chỉnh trang. Đối với những căn nhà thuộc sự quản lý của Nhà nước sẽ do Nhà nước bỏ kinh phí, nguồn kinh phí này sẽ hết khoảng 17 tỷ đồng. Thành phố cũng vận động các hộ gia đình tự bỏ kinh phí ra để làm mới từng căn nhà, góc phố. Công việc chỉnh trang này sẽ kéo dài đến hết ngày 30/6/2010. Sau ngày này, kể cả các công trình xây dựng có phép cũng sẽ bị dừng lại không được tiếp tục thi công.
Xét về mặt kinh tế có thể là lãng phí, nhưng… Về thông tin, con đường dạo mát quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm được lát gạch đất nung còn tốt nhưng cũng sẽ được bóc lêt để lát lại hoàn toàn bằng những viên gạch lát được đẽo từ những viên đá xanh nguyên khối sẽ là một sự lãng phí lớn. Ông Nguyễn Quốc Tuấn giải thích, Những viên gạch được bóc lên sẽ không lãng phí, không bỏ đi. Chúng tôi đã có dự định dung để lát các ngõ, xóm. Như chúng ta đã thấy, cả Hà Nội chỉ có duy nhất một hồ Hoàn Kiếm, nơi rất đẹp và linh thiêng. Chúng tôi cố gắng làm cho hồ Hoàn Kiếm thật đẹp, thật đặc biệt trong ngày Đại lễ. Nếu xét về khía cạnh kinh tế mà nói thì việc làm này có thể được coi là lãng phí, nhưng nếu xét về mặt ngoại giao, quảng bá hình ảnh Hà Nội, Việt Nam với nhân dân cả nước, với bạn bè quốc tế thì không hề lãng phí… |
Quang Anh