Có nên dội nước để sơ cứu nạn nhân bị bỏng?

Như ANTĐ đã đưa tin, chiều 17-11 đã xảy ra vụ nổ trạm biến áp tại Hà Đông khiến 5 nạn nhân bị bỏng nặng phải vào viện cấp cứu, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong.

Có nên dội nước để sơ cứu nạn nhân bị bỏng?
Co nen doi nuoc de so cuu nan nhan bi bong? - Anh 1

Điều gây chú ý trong đoạn video về vụ nổ này được lan truyền trên mạng xã hội là hình ảnh người dân cầm xô nước dội lên người nạn nhân bị bỏng để sơ cứu, nhiều người đặt câu hỏi liệu cách sơ cứu này có đúng?

Ngay sau khi đoạn video này được đăng tải, việc sơ cứu bỏng bằng cách dội nước lạnh đã gây ra nhiều tranh cãi. Có người cho rằng dội nước lạnh sẽ giúp hạ nhiệt cơ thể nạn nhân bị bỏng, cũng có người cho rằng phương pháp trên không đúng cách và có thể khiến nạn nhân nguy kịch hơn.

Ngày 18-11, PGS.TS Lê Năm, nguyên Giám đốc Viện Bỏng quốc gia cho biết, khi có nạn nhân bị bỏng, việc sử dụng nước lã sạch (nước mát) dội lên người nạn nhân là tốt nhất hoặc ngâm vùng bỏng vào nước lã sạch trong khoảng 20-30 phút.

Vệc dùng nước lã sạch dội lên vùng bỏng sẽ có tác dụng hạ nhiệt giúp vết thương đỡ sâu hơn, có tác dụng tốt cho quá trình điều trị và hồi phục sau này và nên thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu dùng nước đá để ngâm hay dội lên vùng bỏng của nạn nhân thì cần thận trọng hơn.

“Trong trường hợp không có nước lã sạch mà có nước đá thì sử dụng để dội vào vùng bỏng ngay cho nạn nhân cũng được, tuy nhiên, thời gian dội, ngâm vùng bỏng trong nước đá cần ngắn để làm hạ nhiệt vết thương, không được ngâm lâu vì sẽ gây bỏng lạnh khiến vết bỏng nguy hiểm hơn” - PGS.TS Lê Năm nói.

Theo PGS Lê Năm, những năm gần đây, bình quân có khoảng 3.500-4.000 bệnh nhân bỏng nặng hoặc rất nặng vào điều trị tại Viện Bỏng quốc gia mỗi năm, trong đó có nhiều ca bỏng do cháy nổ trạm biến áp. Thực tế, bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca nhiễm trùng do cách sơ cứu sai, phổ biến như dội nước mắm, bôi kem đánh răng hay đắp thuốc lá lên vùng bỏng... và chỉ khi vết bỏng diễn biến xấu mới đưa vào viện.

PGS.TS Lê Năm nhấn mạnh, với các nạn nhân bỏng, sau khi sơ cứu, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện sớm nhất để bác sĩ xử lý vì việc chẩn đoán và điều trị bỏng khá phức tạp, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn cũng cho rằng, đối với bệnh nhân bỏng, việc sơ cứu đúng cách và đưa đến cơ sở y tế kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không nên tự ý chữa bỏng tại nhà bằng các mẹo dân gian, các bài thuốc truyền miệng.

Bác sĩ Nguyễn Thống khuyến cáo, khi có người bị bỏng, việc đầu tiên là phải bình tĩnh loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi người nạn nhân; ngâm ngay vùng bỏng vào nước sạch (liên tục từ 15-30 phút). Trường hợp nạn nhân ngừng thở, phải hô hấp nhân tạo, bóp tim ngoài lồng ngực. Tiếp đó, cần băng tạm thời vùng bỏng và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không bôi bất cứ thuốc gì lên vết bỏng.

Theo ANTĐ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.