Có nên cấm điện thoại trong trường học?

GD&TĐ -Bang New South Wales, Australia, đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực sau khi cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cảnh báo việc cấm điện thoại không giải quyết triệt để các vấn đề học đường.

Cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học là quy định phổ biến tại nhiều quốc gia.
Cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học là quy định phổ biến tại nhiều quốc gia.

New South Wales, bang đông dân nhất tại Australia, cho biết kết quả học tập và khả năng giao tiếp giữa học sinh và giáo viên tại địa phương đã được cải thiện sau khi bang này áp dụng lệnh cấm sử dụng điện thoại trong trường học.

Theo đó, chính quyền bang yêu cầu học sinh dưới 12 tuổi không được sử dụng điiện thoại trong trường học, còn các trường trung học có thể điều chỉnh quy định về thời gian sử dụng điện thoại.

Tuần trước, một trường trung học ở Sydney, Australia, cũng ban hành lệnh cấm sử dụng điện thoại trong giờ học. Học sinh có thể mang điện thoại đến trường nhưng phải cất trong cặp có khóa kéo để tập trung vào bài giảng và giáo viên.

Trong những năm gần đây, lệnh cấm điện thoại đã trở nên phổ biến tại các trường công lập lẫn tư thục Australia. Năm 2020, bang Victoria đã thông báo cấm sử dụng điện thoại trong trường tiểu học, trung học. Nhiều trường học ở các địa phương khác cũng lần lượt áp dụng quy định này.

Việc cấm sử dụng điện thoại cũng là xu hướng chung trên thế giới. Tại Mỹ, ngành Giáo dục nhiều bang đã ra lệnh cấm sử dụng điện thoại trong lớp học hoặc thay thế điện thoại thông minh bằng điện thoại phổ thông như điện thoại nắp gập, điện thoại không có chức năng cảm ứng... Lệnh cấm được cho là giúp khắc phục vấn nạn bạo lực học đường và tình trạng bỏ học.

Tuy nhiên, chuyên gia Joanne Orlando, làm việc tại Trường Đại học Western Sydney, Australia, cho rằng nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc cấm sử dụng điện thoại không giải quyết được những vấn đề trên. Thay vào đó, cần giáo dục học sinh về cách đối phó và quản lý với những khó khăn tại trường học.

Đơn cử, một nghiên cứu năm 2020 của Thụy Điển đã khảo sát điểm số và thành tích học tập của học sinh trung học trước và sau lệnh cấm sử dụng điện thoại trong một năm. Kết quả là thành tích của học sinh không thay đổi. Điều này đồng nghĩa lệnh cấm không giúp cải thiện tình trạng học tập và cũng không làm gián đoạn việc học tập của học sinh.

Theo bà Joanne, nhiệm vụ của trường học là hỗ trợ học sinh phát triển các kỹ năng, kiến thức cần thiết bắt kịp với nhu cầu của thời đại hiện nay. Do nhân loại đang sống trong kỷ nguyên số, cấm điện thoại là không khả thi.

Thay vào đó, ngành Giáo dục cần giúp học sinh tìm cách học tập và làm việc hiệu quả giữa thế giới công nghệ khiến các em phân tâm. Tập trung sẽ là một trong những kỹ năng quan trọng mà học sinh cần trau dồi.

Tiếp theo, các trường học cần giúp học sinh nhận thức các rủi ro công nghệ như vấn đề quyền riêng tư, tiếp nhận thông tin sai lệch, bắt nạt trực tuyến... Từ đó, đưa ra các giải pháp, hướng dẫn giúp học sinh làm chủ các tình huống bất thường trên Internet.

Cuối cùng, các trường học cần xây dựng niềm tin vào học sinh và tạo cơ hội cho phép các em phát huy thế mạnh, tìm ra phương pháp học tập phù hợp.

“Cất điện thoại trong balo chỉ là giải pháp ngắn hạn. Học sinh vẫn phải đối mặt với những vấn đề phức tạp của công nghệ sau khi rời trường học”, bà Joanne nhận định.

Theo The Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.