Cơ khí Việt Nam thua trên sân nhà vì vòng luẩn quẩn…

GD&TĐ - Rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ chậm đổi mới, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn thiếu đầu ra cho sản phẩm, cho nên không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Chưa kể những hạn chế về nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực… Vòng luẩn quẩn khiến ngành cơ khí Việt Nam thua ngay trên sân nhà.  

Khó khăn về nhân lực là một trong những yếu tố khiến ngành cơ khí đang chịu “thua” ngay trên sân nhà
Khó khăn về nhân lực là một trong những yếu tố khiến ngành cơ khí đang chịu “thua” ngay trên sân nhà

Nguồn nhân lực + trình độ + công nghệ lạc hậu…

Ông Đào Phan Long (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam) mới đây chia sẻ một thực tế: “Hiện tại trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn quá lạc hậu với thế giới. Phần lớn việc tổ chức doanh nghiệp, quản lý sản xuất mới ở trình độ công nghệ thời CN 2.0 dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực… thua kém các nước trong khu vực. Từ đó cơ khí Việt Nam bị thua ngay trên sân nhà trước các đối thủ có nền công nghiệp cơ khí hiện đại”.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong những năm qua cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng doanh nghiệp (DN) cơ khí tăng nhanh, từ khoảng 10.000 DN năm 2010 lên hơn 21.000 DN năm 2016, chiếm 28% tổng số DN công nghiệp chế biến, chế tạo. 

“Bài học các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến đầu tư sản xuất ở Việt Nam đã chứng minh thị trường Việt Nam không hề nhỏ bé và nguồn nhân lực Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực”.

Ông Đào Phan Long

Từ góc độ các doanh nghiệp trong lĩnh cực cơ khí, ông Đào Phan Long cho rằng: “Nguyên nhân để cơ khí Việt Nam tụt hậu có cả trách nhiệm của quản lý Nhà nước và của các doanh nghiệp cơ khí nội địa”. Trong đó, hệ thống chính sách và bộ máy quản lý Nhà nước đối với sản xuất cơ khí nội địa không hữu hiệu, không đi vào cuộc sống, không bảo vệ được thị trường nội địa, mất nhiều đơn hàng cho nước ngoài và để doanh nghiệp FDI lấn sân ngay tại thị trường Việt Nam và khu vực.

Nhiều năm qua, do những yếu kém trên đã dẫn đến thị trường cơ khí nội địa Việt Nam (mặc dù có dung lượng lớn nhưng các doanh nghiệp cơ khí trong nước) không thể cạnh tranh và khai thác được. Ví như sản xuất, lắp ráp ô tô, đóng tàu thủy, tàu pha sông biển, tàu đánh bắt hải sản xa bờ, máy cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp khai thác dầu khí, phát triển hệ thống năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng... của Việt Nam rất lớn nhưng hầu như doanh nghiệp nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường này.

Tạo đơn hàng nội địa và “hội nhập 4.0”

Theo ông Đào Phan Long, thời gian tới Việt Nam cần có một chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí dựa trên cơ sở nghiên cứu, tính toán, để lựa chọn một số ngành hàng sản xuất sản phẩm cho thị trường nội địa, có thể cạnh tranh được với nước ngoài, để bổ sung vào danh mục sản phẩm trọng điểm trong những năm tới.

“Hơn nữa để bảo vệ thị trường nội địa, chúng ta cần học theo bài học của các nước công nghiệp. Chính phủ cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ để hạn chế tối đa việc nhập khẩu các công nghệ, máy móc, trang thiết bị đã qua sử dụng lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường từ các nước về Việt Nam. Nếu không làm tốt việc này thì sản xuất cơ khí nội địa sẽ không bao giờ ngóc đầu dậy được để phát triển trong những năm tới” - ông Đào Phan Long nhận định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đã có đánh giá: Trong bối cảnh hội nhập và Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) những nhân tố mới xuất hiện, đặt ra những yêu cầu mới đối với việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí, cũng như phải cần những giải pháp, chính sách mới để đảm bảo cho sự cạnh tranh của ngành và sự tồn tại của các doanh nghiệp cơ khí trong nước.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ đề xuất việc hình thành và phát huy vai trò của trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí áp dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào sản xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ