Song hành với cơ hội lớn đó, một trong những đòi hỏi của thực tế là các sinh viên phải xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc cùng kỹ năng làm việc nhóm, xử lý tình huống tốt.
Chuẩn bị hành trang đi đường xa
Anh Trần Bá Trung, cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là kỹ sư dữ liệu, Công ty Cổ phần Early Start, chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp ngành IT (công nghệ thông tin), sinh viên có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tại các công ty phần mềm, doanh nghiệp sản xuất, ngân hàng, tổ chức tài chính…
Các vị trí công việc phổ biến như kỹ sư phần mềm là những người thiết kế, phát triển và bảo trì các phần mềm; quản trị hệ thống, người chịu trách nhiệm quản lý và vận hành các hệ thống máy tính của một doanh nghiệp; an ninh mạng chịu trách nhiệm bảo vệ các hệ thống máy tính khỏi các cuộc tấn công mạng; kỹ sư dữ liệu và phân tích dữ liệu xử lý dữ liệu với khối lượng dữ liệu lớn (big data), tìm kiếm các xu hướng và đưa ra các quyết định kinh doanh. Ngoài ra, sinh viên ngành IT cũng có thể làm việc trong các lĩnh vực khác như giáo dục, nghiên cứu, các tổ chức của chính phủ…
Theo anh Trần Bá Trung, với nhiều cơ hội việc làm lớn đồng nghĩa với nhà tuyển dụng cũng có những đòi hỏi cao đối với sinh viên ngành công nghệ thông tin. Theo đó sau khi tốt nghiệp, các bạn phải có kiến thức nền tảng về lập trình, hệ thống máy tính, mạng máy tính, bảo mật mạng vững chắc.
Song song với đó, các bạn cần có kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo… “Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng thường đánh giá cao các sinh viên có thể tự học hỏi, chủ động tìm kiếm cơ hội và có tinh thần cầu tiến. Với những nỗ lực và cố gắng, sinh viên ngành công nghệ thông tin hoàn toàn có thể tìm được một công việc tốt và phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này”, anh Trung nhấn mạnh.
Kỹ sư Dương Văn Phụng, hiện làm việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ iRender Việt Nam, chia sẻ: “Để có thể thích ứng nhanh với những đòi hỏi của công việc, ngay từ khi còn đang học các bạn cần nắm vững kiến thức cơ bản, môn chuyên. Đặc biệt, sinh viên phải luôn tìm tòi, học hỏi công nghệ mới mỗi ngày. Bởi hiện nay, công nghệ phát triển nhanh như vũ bão. Do vậy, bạn cần cập nhật để bản thân theo kịp sự phát triển đó.
Bên cạnh đó, các bạn hãy cố gắng tham gia thực tập sớm nhất có thể, đây là bước chuyển giao giữa môi trường học tập và môi trường làm việc thực tế. Bạn tham gia thực tập sớm sẽ giúp “bỏ túi” cho bản thân kinh nghiệm làm việc, biết cách hòa nhập với môi trường doanh nghiệp và cũng là cơ hội phát triển, chứng minh năng lực của mình”.
Với kinh nghiệm làm việc khá dày dặn, anh Trung chỉ ra những hạn chế mà sinh viên ngành công nghệ thông tin hay gặp phải như thiếu kinh nghiệm thực tế trong việc sử dụng các công nghệ mới, thiếu nhạy bén khi giải quyết vấn đề thực tế; kiến thức chuyên môn chưa vững, kỹ năng mềm, giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình còn hạn chế… Những điều này sẽ khiến các tân kỹ sư gặp khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường công sở và phát triển sự nghiệp.
Anh Dương Văn Phụng, hiện làm việc tại Công ty Cổ phần Công nghệ iRender Việt Nam chia sẻ cùng sinh viên Trường ĐH Thuỷ lợi. Ảnh NVCC. |
Tạo sân chơi để sinh viên thử sức
Hiện nay, các trường đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin không chỉ chú trọng khâu đào tạo, mà còn luôn cập nhật kiến thức mới, tổ chức các cuộc thi để sinh viên được cọ xát thực tế và để doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về năng lực người học.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Nhơn, Trưởng khoa Công nghệ - Kỹ thuật, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM): “Ngành công nghệ thông tin luôn được chúng tôi cập nhật và nâng cao kiến thức cho sinh viên bao gồm các môn học mới, kiến thức công nghệ, kỹ thuật mới chưa có trong chương trình. Đặc biệt là các môn học theo hướng chuyên ngành như công nghệ phần mềm, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, hệ thống thông tin”.
PGS Đỗ Văn Nhơn cho biết thêm, “bên cạnh việc thực hành, thực tập, trường chúng tôi còn cho sinh viên được tham gia các đề tài, đồ án, đề án về khoa học cũng như ứng dụng dưới sự hướng dẫn của các thầy cô là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm. Qua đó, họ cố vấn, giúp đỡ để các em không chỉ vững kiến thức, rèn luyện chuyên môn, kỹ năng mềm khác”.
Không những vậy, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng còn cho sinh viên tham gia thực tập, thực tế ở các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau về chuyên ngành công nghệ thông tin như Công ty Cổ phần TN SOLUTION; Công ty Kyanon Digital; Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; Fsoft thuộc Tập đoàn FPT…
Nhà trường cũng liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để phát triển, mở rộng cơ hội cho sinh viên tiếp cận với thực tế, sẽ có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
“Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên ngành cấp quốc gia, quốc tế nhằm thu hút đơn vị công nghệ từ nhiều công ty khác ở nước ngoài mở ra triển vọng hợp tác, đào tạo, đầu tư, kết nối và tuyển dụng cho thị trường Việt Nam… đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên nhóm ngành này tiếp cận với chuyên gia và các thông tin hữu ích.
Nhiều cuộc thi cho sinh viên nhóm ngành công nghệ thông tin đã được tổ chức như Cuộc thi Hackathon BUIDL Việt Nam với sự tranh tài của hơn 300 lập trình viên trong và ngoài nước tới từ 15 quốc gia khác nhau trong tháng 6/2023”, PGS Đỗ Văn Nhơn cho biết thêm.
“Để khắc phục những hạn chế mà sinh viên đang gặp phải trước khi tốt nghiệp, các bạn hãy sống cởi mở, tích cực giao tiếp với bạn bè, tăng cường tương tác trong quá trình làm bài tập nhóm, mạnh dạn phản biện với thầy cô trên giảng đường. Khi đi thực tập sinh viên cần tích cực trao đổi với đồng nghiệp đi trước để học hỏi kinh nghiệm, cải thiện khả năng giao tiếp, làm việc nhóm. Như vậy, hiệu quả công việc sẽ tăng lên mà các bạn cũng có thêm nhiều kinh nghiệm hơn với các tình huống thực tế sau này”, anh Dương Văn Phụng - Công ty Cổ phần Công nghệ iRender Việt Nam chia sẻ.