Cô giáo trẻ tâm huyết với nghề

Cô giáo trẻ tâm huyết với nghề

(GD&TĐ) - Năm 2003 tốt nghiệp ra trường, đúng vào dịp UBND tỉnh Nghệ An đang triển khai chính sách tăng cường giáo viên cho các huyện vùng cao. Tuy là người thành phố Vinh, còn người yêu quê tận huyện miền núi Tân Kỳ, nhưng cô giáo Nguyễn Thị Châu Duyên đã cùng người yêu bàn nhau đăng ký lên vùng cao giảng dạy. Cầm quyết định lên Phòng GD&ĐT Con Cuông, nghe cán bộ tổ chức nói Trường THCS Môn Sơn chưa có giáo viên tiếng Anh, Duyên liền ngỏ ý xin vào đây dù biết sẽ gian khổ. 

Bỏ phố lên rừng

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Châu Duyên
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Châu Duyên
 

“Môn Sơn cách nay mười năm chưa phải như bây giờ, đường sá đi lại khó khăn, mọi thứ còn rất thiếu thốn; kể cả chế độ, chính sách của Nhà nước đối với vùng cao cũng còn đang ít ỏi.

Có lẽ vì thế nên đã từng có hai giáo viên tiếng Anh vào đây song chỉ “trụ” được vài ba tháng là xin rút.

Nhưng điều may mắn là nhà trường vừa xây xong nhà công vụ, lãnh đạo nhà trường lại rất quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của anh chị em ở nội trú, nên 20 giáo viên sống tập thể không đến nỗi khó khăn lắm.

Lên trường năm 2003, đến năm 2006 thì bọn em  làm lễ cưới, bây giờ đã có hai con. Từ đó cho đến nay, cả gia đình bốn người bọn em vẫn sống trong nhà công vụ của trường” Duyên tâm sự.

Lên vùng cao Con Cuông, vào Môn Sơn là hoàn toàn tự nguyện, chính vì thế mà cô giáo trẻ Nguyễn Thị Châu Duyên không bị khó khăn, vất vả của vùng cao làm nhụt chí.

Điều mà cô băn khoăn, để tâm suy nghĩ nhiều nhất không phải là cuộc sống thiếu thốn đủ thứ ở vùng đặc biệt khó khăn này, mà là làm sao để học sinh vùng cao, học sinh dân tộc ít người học được và có thể học giỏi tiếng Anh trong khi dạy tiếng Việt cho các em còn khó.

Ở một vùng mà đại bộ phận học sinh là người dân tộc Thái và Đan Lai, nhưng nhiều năm nay, không năm nào Trường THCS Môn Sơn không có học sinh giỏi bộ môn Tiếng Anh, có em đạt giải Ba (năm học 2010 - 2011), có em giành được giải Nhì (năm học 2011 - 2012). Bí quyết nào để cô có được kết quả đáng trân trọng ấy”? Tôi hỏi cô giáo Nguyễn Thị Châu Duyên.  

Thành công  

“Nói bí quyết nghe to tát quá. Em chỉ nghĩ, muốn học sinh học được và học giỏi tiếng Anh, điều đầu tiên là phải làm cho các em thích học bộ môn này, bởi nếu các em không thích học thì đừng hy vọng các em học được, nói gì đến chuyện học giỏi. Và, em đã bằng chính nhiệt tình của mình trong các tiết dạy để thu hút các em.

Rồi em tự học, ứng dụng công nghệ thông tin để làm cho các tiết dạy thêm sinh động, các em thêm hứng thú. Đối với các bài tập trong sách giáo khoa, em nghiên cứu, đơn giản hóa chúng để học sinh dễ tiếp cận. Với học sinh đầu cấp (lớp 6), em giúp học sinh phân biệt rõ nguyên âm, phụ âm để các em biết thế nào là một âm tiết trong tiếng Anh, từ đó các em dễ phát âm hơn.

Em cũng đã thường xuyên tạo điều kiện để các em giao tiếp, trên cơ sở đó rèn luyện kỹ năng nghe, nói cho các em. Một việc nữa là em đã cố gắng tìm tòi, học hỏi qua tài liệu, qua đồng nghiệp để góp nhặt kinh nghiệm, biến những kinh nghiệm ấy thành của mình trong việc nâng cao cả bốn kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) cho các em”. Cô giáo Nguyễn Thị Châu Duyên trả lời.     

Ông Phan Văn Trương, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Con Cuông cho biết: Cô Nguyễn Thị Châu Duyên là một giáo viên hết sức tâm huyết với nghề. Tuy dạy ở một vùng đặc biệt khó khăn, nhưng cô đã phát huy được năng lực chuyên môn của mình. Ngay năm thứ ba vào ngành, cô Duyên đã có sáng kiến kinh nghiệm về dạy bộ môn Tiếng Anh được công nhận ở cấp huyện.

Mười năm vào nghề, cô có tới ba sáng kiến kinh nghiệm được công nhận ở cấp huyện, hai sáng kiến kinh nghiệm (“Rèn luyện kỹ năng nghe (tiếng Anh) cho học sinh lớp 6 vùng cao”; “Phát triển kỹ năng đọc hiểu (tiếng Anh) cho học sinh lớp 7 vùng cao”) và một đồ dùng dạy học (“Bản đồ đa năng”) được công nhận ở cấp tỉnh.

Cô cũng đã tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh hai lần và cả hai lần (năm 2009 và năm 2012) đều đạt kết quả cao; cô còn học thêm và có trong tay bằng tốt nghiệp đại học sư phạm tiếng Anh, là một trong hai giáo viên bộ môn Tiếng Anh của huyện Con Cuông được cấp chứng chỉ B2 quốc tế.

Năm nay, nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Châu Duyên lại vinh dự được nhận phần thưởng từ “Quỹ phát triển tài năng giáo dục” của Sở và Công đoàn Giáo dục Nghệ An.

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ