Cô giáo tôi

GD&TĐ -  Steven Glenn Martin sinh ngày 14/8/1945 tại bang Texas (Mỹ). Ông là nghệ sỹ, diễn viên hài, nhà văn, nhạc sỹ, nhà soạn nhạc và nhà sản xuất phim nổi tiếng. Steven Glenn cũng từng được giải “Oscar” (2014) vì đóng góp xuất sắc cho điện ảnh.

Steve Martin trong phim “Bố của cô dâu”
Steve Martin trong phim “Bố của cô dâu”

Tôi bắt đầu cuộc sống là một đứa trẻ không có khả năng học tập. Tôi bị chứng “rối loạn cảm nhận” còn được gọi là chứng “khó đọc”. Một đứa trẻ mắc chứng khó đọc thường học khá nhanh từ ngữ nhưng nhìn nhận chung không như những người khác. Tôi cảm nhận thế giới của mình như một nơi thần kỳ lấp đầy hình dạng từ ngữ và tôi có vốn từ vựng trực quan đáng kể. Điều này giúp cha mẹ tôi đánh giá khả năng học tập của tôi một cách lạc quan.

Ở lớp 1, với nỗi khiếp sợ của mình tôi phát hiện ra rằng chữ cái quan trọng hơn từ ngữ. Những đứa trẻ khó đọc viết từ sau ra trước và thậm chí còn đặt chúng không đúng thứ tự. Vì thế mà cô giáo lớp1 coi tôi là đứa không có khả năng học. Cô viết nhận xét của mình và đến mùa hè chuyển chúng cho cô giáo lớp 2 để tạo nên thành kiến với tôi. Vào lớp 2 tôi khá thành thạo với những bài tập đại số nhưng không có ý tưởng sắp xếp chúng lại và phát hiện thấy các công thức quan trọng nhiều hơn lời giải.

Bấy giờ tôi đã hoàn toàn sợ các buổi học, vì thế mà bắt đầu mắc tật nói lắp. Tôi không thể nói một cách rõ ràng, không biết viết đề toán để sau đó giải bài tập, không thể viết ra các chữ cái của một từ - thật đúng là một tai họa. Đến mỗi môn học tôi bắt đầu ngồi ở bàn cuối, cố gắng để không lọt vào mắt các giáo viên, còn khi họ gọi tôi thì tôi lắp bắp, lẩm bẩm: “Em kh-không-biết”. Số phận của tôi đã được quyết định như thế.

Cô giáo lớp 3 của tôi đã biết trước rằng tôi không biết nói, không biết viết, không biết đọc cũng không biết đếm. Vì thế mà cô chẳng có hề muốn quan tâm đến tôi. Tôi phát hiện ra rằng, cách tốt nhất cần làm ở trường là giả bệnh. Điều đó giúp tôi có nhiều thời gian ở lại chỗ cô y tá của trường hơn là với giáo viên, hoặc là tìm ra những lý do vớ vẩn để ở nhà hoặc xin phép đi về nhà. Tôi đã duy trì chiến lược này ở lớp 3 và lớp 4.

 

Và khi cứ cố tình tự hại mình thì tôi lại lên lớp 5 và rồi ở đây Chúa đã đặt trước tôi một nỗi sợ đối với cô Hardy đáng ngưỡng mộ. Ở khắp miền Tây của nước Mỹ ai cũng biết đến cô như một cô giáo đáng gờm nhất của trường tiểu học. Người phụ nữ này thật kỳ lạ, chiều cao của cô không dưới 1m80, cô thoáng nhìn tôi sau đó cô ôm lấy tôi và tuyên bố:

- Cậu ấy không hẳn là không có khả năng học, cậu ấy chỉ lập dị thôi.

Tiềm năng của một đứa trẻ ngô nghê bắt đầu được những người xung quanh nhìn nhận một cách lạc quan hơn chứ không chỉ là một cậu bé không học được. Nhưng cô Hardy không dừng lại ở đó. Cô nói:

- Tôi đã nói chuyện với mẹ em và mẹ nói rằng khi bà đọc cho em nghe, thực tế là em nhớ được tất cả, em có một trí nhớ tuyệt vời. Em chỉ không cố gắng khi người ta yêu cầu em sắp xếp chữ cái của các từ và việc đọc to là khó khăn đối với em. Vì thế, tôi sẽ báo trước để em sẽ học thuộc lòng đoạn cần thiết rồi sau đó trả lời trên lớp học. Mẹ em còn nói nếu có điều gì làm cho em chú ý thì em lý giải nó với một sự hiểu biết rất tốt. Nhưng khi mẹ yêu cầu em viết ra điều đã nói thì em bị mắc kẹt ở các chữ cái và ý tưởng của em trôi đi mất. Vì vậy, trên lớp trong khi các bạn khác đọc, viết và trả lời cô thì ở nhà em có thể dễ dàng làm những bài tập này rồi hôm sau mang đến cho cô.

Và cô còn nói thêm:

- Cô nhận thấy là em không quyết tâm và sợ nói ra những ý nghĩ của mình, nhưng cô cho rằng mọi ý nghĩ cần phải được đưa ra thảo luận. Cô đã nghĩ về những điều này và không chắc chắn rằng ý tưởng của cô sẽ thực hiện được, nhưng nó đã giúp cho một người có tên là Demosthenes…em có thể nói từ “Demosthenes” chứ?

- D - d-d-d…

- Thế đấy, em có thể nói được mà. Cậu ta kém về ngôn từ và cậu ta đã luyện tập điều này khi ngậm những viên đá nhỏ trong miệng. Ở đây, cô có hai viên bi lớn bằng đá cẩm thạch, em sẽ không nuốt phải chúng đâu và cô đã rửa sạch chúng. Từ bây giờ khi nào cô gọi đến em, cô muốn rằng em sẽ bỏ chúng vào miệng, em đứng lên và nói cho đến khi nào cô nghe được và hiểu được em.

Và tất nhiên, khi được hỗ trợ bởi niềm tin mà cô Hardy thể hiện rõ, cũng như cô đã hiểu được những vấn đề của tôi, tôi đã có được cơ hội thuần hóa lưỡi của mình và đã có thể nói được. Lên lớp 6, tôi vui mừng khi cô Hardy lại dạy lớp của chúng tôi. Vì thế mà tôi may mắn được theo học cô cả hai năm.

Nhiều năm sau đó tôi đã không được gần cô Hardy và chỉ vài năm trước tôi được biết rằng cô bị mắc bệnh căn bệnh nan y là ung thư. Tôi chắc chắn là cô sẽ vui mừng khi gặp lại cậu học trò khác biệt nhất đang sống cách đó 100 dặm. Tôi từng là một kẻ ngây ngô nay đã mua vé và bay đến chỗ cô cùng với hàng trăm học trò đặc biệt khác của cô. Trong suốt thời gian đó ai cũng luôn quan tâm đến cô Hardy và đã thực hiện một chuyến đi để thắt chặt mối quan hệ và dành tặng cô tình yêu của mình vào thời khắc cuối đời của cô.

Trong nhóm chúng tôi còn có những người rất đáng nể: 3 thượng nghị sỹ, 12 thành viên hội đồng lập pháp, một số lớn là giám đốc tập đoàn và những doanh nghiệp.

Khi ôn lại những hồi ức của mình, chúng tôi phát hiện ra một điều lý thú: Có đến 3/4 người trong số chúng tôi khi đã học lên lớp 5 vẫn hoàn toàn không tin vào khả năng của mình, từng coi mình là tầm thường và dựa dẫm vào các cơ hội. Sau khi được học với cô Hardy chúng tôi đã bắt đầu thấy mình là những người có khả năng, là người quan trọng và có sức ảnh hưởng, thấy mình cần phải nỗ lực để sẵn sàng đối diện với những khó khăn của cuộc sống. Và quả thực, chúng tôi đã trưởng thành và thành công.

Theo n Truyện ngắn của Steven Glenn Martin (Mỹ)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ