Cô giáo tặng hàng nghìn đầu sách cho học sinh

GD&TĐ - Bước vào năm học mới 2023 - 2024, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng đã dùng tiền tiết kiệm của mình mua 2.200 đầu sách giáo khoa mới tặng học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng tặng sách giáo khoa mới cho học sinh.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng tặng sách giáo khoa mới cho học sinh.

Không để học trò thiếu sách

Bước vào năm học mới, học sinh Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt vui mừng, phấn khởi được cầm trên tay những bộ sách mới còn thơm mùi giấy. Người trao tặng món quà ý nghĩa này cho các em là cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng, Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Đã từng có thâm niên dạy học ở những địa bàn khó khăn của huyện Hướng Hóa, cô Nguyễn Thị Thúy Phụng thấu hiểu được nỗi vất vả, thiếu thốn của phụ huynh, học sinh. Các em theo học tại trường chủ yếu là con em đồng bào Vân Kiều. Trong khi cái ăn, cái mặc của gia đình còn chưa đầy đủ thì việc mua sắm được bộ sách giáo khoa đầu năm học mới cho con cũng là trở ngại rất lớn của phụ huynh.

Cô Phụng cho biết, từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều phụ huynh không đủ tiền mua sách giáo khoa cho con. Việc thiếu sách giáo khoa ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Nhiều năm qua, cứ vào đầu năm học, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt lại vận động, kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ các nhà hảo tâm để tặng sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh.

Năm nay, do ảnh hưởng vì Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, việc hỗ trợ từ các nhà hảo tâm phải tạm dừng. Trong khi đó, qua thống kê học sinh khối Tiểu học và THCS của trường thiếu 131 bộ sách giáo khoa. Nếu không tìm ra nguồn sách thì hàng trăm học sinh sẽ không biết học bằng cách nào. Trước thực trạng này, cô Phụng đã dùng tiền tiết kiệm của mình để mua tặng 2.200 đầu sách giáo khoa mới cho học sinh, với tổng trị giá gần 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, cô Phụng tặng thêm 5 triệu đồng để mua tặng đồ dùng học tập cho học sinh.

“Đây là số tiền tôi dành dụm, tiết kiệm được sau nhiều năm. Thu nhập của nghề dạy học vốn eo hẹp nên đây là số tiền dự phòng rất lớn đối với mỗi giáo viên. Nhưng trước tình thế học sinh của mình còn thiếu sách nên tôi quyết định dùng số tiền đó mua tặng 131 bộ sách giúp các em có đủ hành trang bước vào năm học mới. Tôi chỉ mong các em có điều kiện tốt nhất để theo đuổi con đường học vấn, tôi không muốn nhìn thấy cảnh học trò đến lớp mà phải học chay”, cô Phụng tâm sự.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt cho biết, ngay sau khi nắm bắt được vấn đề nan giải của học sinh và nhà trường, cô Phụng đã dùng số tiền tiết kiệm của mình để mua 131 bộ sách giáo khoa và đồ dùng học tập tặng cho học sinh tiểu học và THCS. Năm học này học sinh khối 4 và khối 8 sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời và quý giá của cô Phụng thì công tác giảng dạy, học tập của chúng tôi sẽ vô cùng khó khăn.

“Ngoài việc tặng sách giáo khoa và đồ dùng học tập, hồi tháng 5/2023, cô Phụng còn tặng nhà trường 1 giếng khoan lấy nước sinh hoạt và bể lọc nước trị giá 25 triệu đồng và đã tích cực vận động kết nối nhà hảo tâm tặng nhà trường thêm một giếng khoan khác nữa”, thầy Nguyễn Văn Tý thông tin.

Cô Phụng và học sinh Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt.

Cô Phụng và học sinh Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt.

Dành cả thanh xuân cho giáo dục vùng khó

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, nhưng cô Nguyễn Thị Thúy Phụng đã dành cả tuổi thanh xuân gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục tại địa bàn vùng khó của huyện miền núi Hướng Hóa.

Theo cô Phụng, năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, cô đăng ký và tình nguyện lên công tác ở xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa). Đây là vùng đất xa xôi, đường đi lại cách trở. Thời gian đầu lên vùng cao dạy chữ, phải đối mặt với bao khó khăn, bỡ ngỡ nhưng nhờ tinh thần lạc quan, nỗ lực vượt khó cao nên cô dần thích nghi, hòa nhập với điều kiện sống, môi trường mới để bám trường lớp dạy học.

“Thời điểm đó, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày thấy các em đến trường trong sự thiếu thốn, không đủ quần áo, sách vở, dép... mà thấy thương các em. Tùy vào khả năng của mình tôi kêu gọi, vận động những người thân quen để tặng học sinh từng quyển vở, cái bút, đôi dép…”, cô Nguyễn Thị Thúy Phụng chia sẻ.

Sau 11 năm công tác ở Hướng Phùng, cô Phụng được phân công về Trường Tiểu học THCS Hướng Việt, với vị trí Phó Hiệu trưởng. “Hơn 15 năm gắn bó với giáo dục vùng khó Hướng Hóa, tôi thấu hiểu được phần nào khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Những khó khăn của người dân xuất phát từ điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt, đường giao thông đi lại cách trở... Nhiều gia đình đông con, điều kiện kinh tế khó khăn nên học sinh không được quan tâm đầy đủ, các em thiếu thốn nhiều thứ, từ quần áo mặc hàng ngày đến sách vở, bút mực…”, cô Phụng cho hay.

Mỗi năm học, ngoài việc vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, thì nhận thấy học sinh thiếu cái gì là cô Phụng lại cố gắng kêu gọi mọi nguồn lực, cốt sao hỗ trợ được các em.

Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt thuộc địa bàn miền núi, với 100% học sinh Vân Kiều. Ngoài điểm trường trung tâm, trường có một điểm trường khác đặt tại thôn Trăng - Tà Puồng. Nhiều năm qua, nhà trường duy trì mô hình “Bán trú dân nuôi” nên học sinh ở lại bán trú buổi trưa để học thêm buổi chiều. Chứng kiến học sinh của mình mang theo cơm trưa nhưng không có thức ăn, cô Phụng thấy nhói lòng.

“Để cải thiện bữa trưa đạm bạc cho các em tôi dẹp bỏ hết ngại ngần, kiên trì đi ‘gõ cửa’ các cá nhân, tổ chức hảo tâm hỗ trợ thêm cho các em quả trứng, hoặc chút ít thịt cá để các em có đủ dinh dưỡng mà có sức học tập. Vào các dịp Tết Thiếu nhi, Trung thu thì kết nối, vận động các đơn vị tặng quà cho các em”, cô Phụng tâm sự.

Đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh của cô Phụng đều rất nhớ về những trận trận sạt lở núi liên tiếp xảy ra hồi tháng 10/2020. Khi ấy không biết bao nhiêu tấn bùn đất bao trùm bản làng, trường học, trụ sở… xã Hướng Việt, tất cả đều ngập trong bùn. Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt cũng không thoát khỏi bị tàn phá nặng nề. Cô Phụng lại trở thành sức mạnh kết nối với rất nhiều cá nhân tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ, hỗ trợ cho các em học sinh, giáo viên, nhà trường từng bước vượt qua thời điểm khó khăn ấy.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết: “Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng đã nỗ lực kêu gọi các cá nhân, tổ chức hảo tâm hỗ trợ học sinh nghèo, giúp các em đủ điều kiện đến trường theo đuổi ước mơ chinh phục con chữ. Nhiệt tâm của một người thầy và những việc làm cao đẹp này được chính quyền địa phương, đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh yêu mến”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.