Cô giáo đưa “thư viện” về với trẻ miền quê

GD&TĐ - Nhận thấy các em nhỏ ở vùng cao thiếu thốn mọi thứ nhưng ánh mắt vẫn luôn sáng lên mỗi khi được chạm tay vào quyển sách bạn tặng, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân, Trường THPT Lê Hữu Trác (Hà Tĩnh) đưa ra ý tưởng quyên góp sách để xây dựng các thư viện sách tại một số trường học giúp các em có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân với học sinh
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân với học sinh

Xây dựng tủ sách lớp học

Sinh năm 1984 trong gia đình bố mẹ đều là nông dân nên ngay từ nhỏ cô Hồng Ngân đã cố gắng học tập. Tốt nghiệp THPT, cô Hồng Ngân thi và trúng tuyển cả trường hàng không và sư phạm. Theo sự định hướng của bố mẹ vào sư phạm không mất tiền phí, phù hợp với gia đình, cô Hồng Ngân nộp hồ sơ vào sư phạm.

Bén duyên với nghề năm 2006, ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Trường Ngoại ngữ Đại học Vinh, cô Hồng Ngân về dạy học tại Trường THPT Lê Hữu Trác - ngôi trường ngày xưa cô từng học. Được các thầy cô giáo cũ dạy dỗ thêm về kinh nghiệm với nghề với đời, cô giáo Hồng Ngân càng trưởng thành hơn.

Cô Hồng Ngân tâm sự: “Từng là học sinh của trường nên tính cả quãng đời học sinh tới nay tôi đã gắn bó với ngôi trường thân yêu này hơn 13 năm. Đối với tôi, học sinh nơi đây phần lớn hiếu học và sống tình cảm, lễ nghĩa.

Tuy nhiên, điều kiện học tập và cách thức tiếp cận tri thức đa chiều còn nhiều thiệt thòi so với trẻ em những nơi khác đặc biệt là so sánh với trẻ em thành phố. Chính vì thế, tôi luôn mong muốn làm điều gì đó để giúp trẻ em nông thôn tiếp cận với tri thức của nhân loại”.

Trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi làm sao để trẻ em đọc sách và tiếp cận tri thức, nảy ra ý tưởng quyên góp sách để xây dựng các thư viện sáchtại một số lớp học, giúp các em có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục. Cô kêu gọi các đồng nghiệp, bạn bè, cả các cựu học sinh ủng hộ, góp sách.

Những cuốn sách đầu tiên của tủ sách chính là sách hạt giống tâm hồn được học sinh chuyền tay nhau cùng đọc. Năm học 2017 - 2018, cô tiến hành phát triển hệ thống (còn được gọi là Tủ sách Lớp em) song song với hoạt động thực hành tiếng Anh của câu lạc bộ tiếng Anh ở trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân 

Tính đến nay, hệ thống tủ sách lớp học của câu lạc bộ tiếng Anh của trường đã xây dựng được 16 tủ sách ở các lớp. Các tủ sách kết quả của sự ủng hộ từ phụ huynh và giáo viên, học sinh tại trường, đặc biệt là sự ủng hộ nhiệt tình về nguồn sách từ phía học sinh cũ và các tổ chức.

Mùa hè vừa qua, CLB nhận thêm tin vui, 12 lớp còn lại sẽ được học sinh cũ ủng hộ xây dựng tủ sách. Năm học 2018 - 2019, Trường THPT Lê Hữu Trác sẽ có một hệ thống thư viện lớp học cho tất cả các lớp với mỗi lớp có khoảng 40 - 50 đầu sách đa dạng về thể loại từ sách tham khảo tới sách khoa học, kỹ năng sống, tác phẩm văn học trong và ngoài nước, sách dạy kinh doanh...

Mang tri thức đến trẻ em vùng cao

Theo cô Hồng Ngân, đứng trước sức hút của công nghệ nhiều em học sinh bị lôi kéo vào các trò chơi, hoạt động vô bổ trên mạng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề học tập, rèn luyện thói quen đọc sách cho các em là một giải pháp hiệu quả.

Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi sự chung tay từ phía Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn để từng bước tác động lên các thế hệ học sinh, hướng các em tới cách tiếp cận tri thức hiệu quả và rèn luyện kỹ năng tự học theo đúng xu hướng mà ngành Giáo dục đang hướng tới “dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh”.

Hiện nay, việc đọc sách của học sinh của trường đã phần nào được cải thiện khi các em được tiếp cận với những đầu sách mà chúng tôi cập nhật từ các nhà sách lớn trên cả nước, song song với việc đọc thì tinh thần chia sẻ giữa các em cũng được tăng lên thông qua đọc sách và chia sẻ tri thức.

Biết được sự thiệt thòi của học sinh nông thôn khi học tiếng Anh là thiếu môi trường thực tế để thực hành, cô giáo cùng với các thành viên trong tổ Ngoại ngữ thành lập câu lạc bộ tiếng Anh miễn phí cho học sinh của trường.

Câu lạc bộ thường xuyên luyện nghe nói cho các em, mời khách Tây du lịch cho các em tiếp cận làm quen thông qua sự hỗ trợ thông tin từ chủ khách sạn vốn là người tự học tiếng Anh để quảng bá khách sạn. Khi có khách du lịch đến, nhóm đưa đón họ tới các điểm du lịch hay đơn giản chỉ là các buổi trò chuyện tại phòng trà để các em rèn luyện tính tự tin và khả năng giao tiếp cơ bản nghe nói bằng tiếng Anh.

“Là một giáo viên Tiếng Anh, đứng trước đòi hỏi cao của thời đại hội nhập và những vấn đề đang gặp phải của việc dạy và học Tiếng Anh, tôi thấy một phần trách nhiệm thuộc về mình, một giáo viên đứng lớp, bởi vậy, tôi luôn nỗ lực tạo mọi cơ hội cho học sinh lĩnh hội tri thức” - cô Hồng Ngân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ