Cô gái làm thuê tố bị tra tấn dã man: Người chủ có biểu hiện ngáo đá, bước đầu nhận hành vi

GD&TĐ - Liên quan đến vụ việc một người phụ nữ tố bị chủ hành hạ dã man, chằng chịt các vết thương trên người, đại diện CA TP.Pleiku cho biết, người chủ tên là Nguyễn Thị Hà (SN 1979, tên thường gọi là Nga; hộ khẩu ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai), tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất (TP.Pleiku, Gia Lai).

 Cô gái làm thuê tố bị tra tấn dã man: Người chủ có biểu hiện ngáo đá, bước đầu nhận hành vi

Theo đó, ngay sau khi nhận được tin tố giác, Công an P.Thống Nhất đã mời bà Hà lên xác minh. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, nhận thấy bà Hà có biểu hiện "ngáo đá", cơ quan công an đã tiến hành xét nghiệm và xác định Hà nghiện ma túy đá.

Công an đã đưa Hà đến Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai. Đồng thời, cơ quan CSĐT Công an TP Pleiku đã đưa chị Nhiêu đến bệnh viện để giám định thương tích.

Theo cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Hà đã bước đầu thừa nhận có hành vi đánh đập chị Y Nhiêu trong thời gian nạn nhân giúp việc cho nhà bà này. Sự việc được phát giác vào khoảng 0h15p ngày 12/7, khi chị Y Nhiêu trình báo cho công an phường Thống Nhất.

Bà Hà thừa nhận dùng dao chặt vào ngón tay, đánh đập chị Y Nhiêu.

"Công an TP.Pleiku vẫn đang trong quá trình điều tra, đã lấy giấy chứng nhận thương tích để có hướng xử lý tiếp theo", đại diện CA TP.Pleiku nói.

Liên quan đến vụ việc, đại tá Lê Mạnh Hùng-Trưởng Công an huyện Đắk Glei (Kon Tum) xác nhận thông tin về vụ việc chị Y Nhiêu vừa trốn thoát khỏi chủ nhà khi đang làm việc ở Gia Lai.

Chị Y Nhiêu trở về nhà với nhiều vết thương trên cơ thể đến mức mẹ đẻ không nhận ra hình hài của con mình.

Đại tá Hùng nói: "Chúng tôi đã mời người nhà của chị Y Nhiêu lên để hướng dẫn viết đơn trình báo gửi công an tỉnh Gia Lai".

Theo tường thuật của chị Y Nhiêu, năm 2014, chị xuống TP. Pleiku xin làm thuê cho quán cà phê của bà N (Gia Lai). Quá trình làm việc, bà Hà cho rằng, chị Y Nhiêu "ăn trộm tiền của bà" nên đã đánh đập, tra tấn như thời trung cổ.

Được biết, Y Nhiêu người đồng bào dân tộc thiểu số sinh ra trong gia đình đông người. Do kinh tế quá khó khăn, nên Y Nhiêu xin gia đình cùng một số người bạn đến TP. Pleiku (Gia Lai) để làm thuê.

Bà Y Chúc mẹ của Y Nhiêu cho biết do gia đình đông con, kinh tế khó khăn nên bà đồng ý cho Y Nhiêu đi làm thuê cùng các bạn trong làng nhằm cải thiện cuộc sống. “Lúc thấy nó trở về nhà, mặt mày bị biến dạng, mình nhìn mà không biết nó là ai. Mãi tới lúc nó gọi mình mới nhận ra con gái của mình”, bà Y Chúc nghẹn ngào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.