Chuyện xe công

GD&TĐ - Mới đây, Cục Quản ký Công sản (Bộ Tài chính) vừa đưa ra con số “khủng” khiến dư luận không khỏi giật mình, bức xúc: Cả nước hiện dư ra khoảng 7.000 chiếc xe ô tô công. 

Chuyện xe công

Trong đó có một cơ quan cấp bộ dư đến 176 chiếc; Có cả địa phương cấp tỉnh dư đến 73 xe. Theo ước tính sơ bộ, trung bình chi phí vận hành một chiếc ô tô công là 320 triệu đồng/năm nên tổng khoản tiền chi phí cho bảo trì và vận hành 7.000 xe công dư thừa là 2.240 tỉ đồng. Đã vậy nhưng trong năm 2015 vẫn có hơn 600 xe công được sắm mới. Vì sao có nghịch lý này?

Theo lý giải của cơ quan chức năng thì việc dôi dư xe công có nhiều nguyên nhân như: Quyết định về quản lý tài sản công chưa phù hợp; một số nơi dù đã mua xe mới để thay xe cũ nhưng lại không báo cáo, đề nghị thanh lý những xe không sử dụng…

Dư luận cho rằng dù viện dẫn lý do nào đi chăng nữa thì ngân sách Nhà nước đã phải “oằn lưng” gánh khoản chi khổng lồ như vừa nêu mà đáng ra để dùng cho các dự án phúc lợi dân sinh thì có ý nghĩa biết bao.

Trở lại tình hình thực tế, nhiều người cho rằng, nhiều quan chức đã quá lạm dụng công năng của những chiếc xe công để biến chúng thành xe riêng cho bản thân. Quy định của Nhà nước đã rất rõ ràng minh bạch về những trường hợp chức danh nào được xe công đưa rước từ nhà đến nơi làm việc. Giá trị mua sắm của mỗi chiếc xe này là bao nhiêu tiền nhưng trên thực tế một số địa phương đã vung tay quá trán. Cụ thể xe công phục vụ không đúng đối tượng, tiền mua sắm xe công vượt mức chi cho phép… Quy định cũng nêu rõ xe công phục vụ cho công tác cơ quan, đơn vị nhưng trên thực tế nhiều vị lãnh đạo đã biến chúng thành tài sản của riêng mình, phục vụ cá nhân bản thân, gia đình kể cả vào các ngày nghỉ, ngày lễ, tết… hay gia đình “có hữu sự”. Khi cơ quan có việc công thì phải xin phép mượn xe của lãnh đạo đang “sở hữu” xe công này.

Dư luận cũng đã nhiều lần phản ánh việc xuất hiện nhiều xe công (biển số xanh) xuất hiện ở các điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các cơ sở thờ tự, các nhà hàng có “vấn đề”… Mới đây, tại TPHCM xảy ra trường hợp hàng loạt xe ô tô biển xanh đi đám giỗ tại nhà của một lãnh đạo cấp sở trong giờ làm việc khiến dư luận bức xúc, hay ở Hậu Giang, thanh tra tỉnh ra quyết định truy thu tiền xăng đưa rước lãnh đạo một sở nay đã nghỉ hưu hàng chục triệu đồng do trái quy định. Nóng nhất phải kể đến trường hợp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã phù phép biển số trắng chiếc xe trị giá hàng tỷ đồng để có được biển số xanh để thuận tiện trong công tác. Sự việc phải có sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì mới có sự chuyển biến quyết liệt.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Hơn 100 bộ, ngành đang phải rà soát lại số lượng xe công, tới đây sẽ điều chuyển, sắp xếp xe từ nơi thừa sang nơi thiếu, xe nào hết khấu hao thì bán thanh lý. Tuy nhiên đến ngày 16/6/2016, tức là quá hạn gần 3 tháng nhưng mới chỉ có khoảng 70% số bộ ngành, địa phương gửi báo cáo rà soát, sắp xếp xe công về Bộ Tài chính, 30% còn lại vẫn “án binh bất động”.

Dư luận đang trông chờ sự chấn chỉnh, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để xe công phải thực sự phục vụ việc công. Người đủ tiêu chuẩn thì mới được sử dụng xe công với giá trị phù hợp. Và cán cân dôi dư - thiếu hụt xe công sẽ được điều chỉnh hợp lý vì mục đích phục vụ lợi ích toàn dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.