Chuyện về nữ bác sĩ đi tìm con cho những gia đình hiếm muộn

GD&TĐ - Bài viết là câu chuyện 10 năm gắn bó với nghề hỗ trợ sinh sản của ThS.BS Phạm Thị Mỹ, chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Chuyện về nữ bác sĩ đi tìm con cho những gia đình hiếm muộn

“Dù đã gắn bó với nghề hỗ trợ sinh sản được hơn 10 năm, nhưng mỗi khi được bệnh nhân gửi ảnh và thông báo rằng những thiên thần nhỏ của họ vừa chào đời, niềm hạnh phúc trong tôi lại như được vỡ òa. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại càng thấy có thêm động lực và thêm yêu nghề” - Đó là những tâm sự của ThS.BS Phạm Thị Mỹ, chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

“Nếu nghỉ trưa, bệnh nhân sẽ phải chờ”

Cuộc hẹn phỏng vấn của chúng tôi cùng BS Phạm Thị Mỹ vào một buổi chiều cuối tuần bị “delay” gần 1 tiếng, bởi chị còn đang tư vấn cho bệnh nhân.

Có lẽ phần nào cảm thấy “áy náy”, BS Mỹ vừa cười vừa “phân trần”: “Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đặc thù là vào cuối tuần, bệnh nhân đến khám sẽ đông hơn ngày thường".

Thấy chúng tôi có vẻ bất ngờ, BS Phạm Thị Mỹ kể, những ngày cuối tuần thì việc ăn trưa của các bác sĩ tại bệnh viện cũng khi có khi không.

“Các bệnh nhân tới đây đều phải xin nghỉ làm, sắp xếp công việc, hoặc thậm chí là đến từ những nơi rất xa xôi, đi lại khó khăn. Tất cả các cặp vợ chồng khi tới khám tại bệnh viện mang theo mình một niềm khao khát được làm cha làm mẹ, có những bệnh nhân trải qua muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng chưa một lần được nhìn thấy que thử thai hai vạch. Điều đó thôi thúc chúng tôi làm việc quên mệt mỏi. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng, nếu nghỉ trưa, thì bệnh nhân sẽ phải chờ”.

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nhỏ tại tỉnh Thái Bình, đối với bác sĩ Mỹ, cơ duyên đưa chị đến với ngành Y là hết sức tình cờ.

“Ngày ấy tôi cũng chỉ biết là phải cố gắng học, vì chỉ có học mới có thể thoát nghèo. Thế rồi có một lần ông nội ốm nặng, sau khi được các bác sĩ chăm sóc cứu chữa thành công, ông bảo tôi rằng: “Con ạ, cố gắng học thật giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cứu người”. Từ ấy, tôi nuôi nấng trong tâm trí một ước mơ sẽ trở thành bác sĩ” - BS Mỹ kể lại.

“Cứu” những cuộc hôn nhân trên bờ vực đổ vỡ

Tiếp tục chia sẻ, BS Mỹ cho hay: “Khi chứng kiến bệnh nhân tìm được con, tôi cảm thấy như mình không chỉ góp phần giúp họ tìm con, mà đôi khi còn cứu được một cuộc hôn nhân trên bờ vực đổ vỡ”.

Tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ Đa khoa vào năm 2014 và sau đó trực tiếp tham gia công tác tại Bệnh viện Nam học Hiếm muộn Hà Nội từ đó tới nay, bác sĩ Mỹ đã giúp hàng trăm, hàng nghìn các cặp vợ chồng hiếm muộn tìm được con yêu. Cứ mỗi một ca bệnh thành công, lại làm chị càng cảm thấy yêu hơn công việc mình đang thực hiện với sứ mệnh ươm mầm hạnh phúc.

“Trong 10 năm làm việc tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tôi được chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Mỗi hoàn cảnh là một câu chuyện với đầy những khó khăn trong hành trình tìm con của họ. Có những cặp vợ chồng mong con 1 - 2 năm, đã quyết định đến bệnh viện để thăm khám, điều trị.

Song, cũng có bệnh nhân dù biết mình khó mang thai nhưng phải trì hoãn việc thăm khám để còn lo kinh tế, tích góp để đủ tiền chữa trị vì họ thường hay nói bệnh này là bệnh của người giàu, chi phí điều trị cũng khá tốn kém.

Rất nhiều bệnh nhân đã tiêu tốn cũng không ít tiền cho chữa trị Đông Tây Y khắp nơi khắp trốn, ai mách ở đâu là đi đó, đúng như người ta nói "có bệnh vái tứ phương", nhưng vẫn chưa tìm được con”.

BS. Mỹ chia sẻ: “Mỗi ngày làm việc là một ngày tôi được tiếp xúc với những hoàn cảnh như vậy. Họ là những người khao khát được làm cha làm mẹ, họ tìm đến chúng tôi đến với bệnh viện với mong ước và niềm tin được hiện thực hóa khát khao đó. Chính họ là động lực cho tôi và các đồng nghiệp cống hiến và làm việc mỗi ngày.

Trong quá trình làm việc, khi thăm khám cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tôi không chỉ cảm thông, mà còn rất thương họ.

Bên cạnh đó, niềm vui mà tôi nhận được khi làm nghề là không kể xiết. Khi chứng kiến bệnh nhân "tìm được con", cảm giác của tôi vô cùng khó tả.

Hàng ngày, tôi vẫn thường xuyên nhận các tin nhắn báo tin vui hai vạch, beta sau quá trình điều trị có thể quan hệ tự nhiên, IUI, hoặc sau chuyển phôi IVF, đa số trong đó là các bệnh nhân được bác sỹ Mỹ chuyển phôi thành công và xin tư vấn thêm đơn thuốc và không quên kèm theo những lời cảm ơn. Và các bệnh nhân cũng gửi ảnh em bé xinh xắn đáng yêu cùng lời cảm ơn đến bác sỹ khi các bạn cán đích thành công.

Ngoài ra vào những ngày đặc biệt, bệnh nhân nhớ tới bác sĩ và gửi lời chúc mừng, thậm chí có những bệnh nhân đưa con tới chơi và thăm bác sỹ, thăm bệnh viện thăm nơi ươm mầm.

Đó là niềm vui, hạnh phúc và động lực để tôi cũng như các bác sỹ của Bệnh viện cống hiến hàng ngày mà quên sự mệt mỏi.Đôi khi trong những trường hợp đặc biệt, tôi cảm thấy như chúng tôi không chỉ góp phần giúp các cặp gia đình tìm được con yêu, mà còn cứu được một cuộc hôn nhân trên bờ vực đổ vỡ”.

Cân bằng công việc và gia đình là áp lực không nhỏ

Dù biết rằng công việc nào cũng có những áp lực, vất vả của riêng nó. Thế nhưng, không quá khi nói rằng, nghề Y là nghề gắn liền với áp lực. Đặc biệt là đối với những nữ bác sĩ, ngoài công việc, còn có gia đình, con cái. Thậm chí, việc phải cân bằng giữa công việc và gia đình đã là một áp lực không hề nhỏ.

Bác sĩ Mỹ tâm sự: “Do thời gian làm việc từ thứ Hai đến hết sáng Chủ nhật, nên thời gian trống tôi dành cho gia đình, con cái cũng khá ít. Nhiều khi, các con mong được ngủ thêm cùng mẹ một chút vào buổi sáng, hoặc muốn được mẹ đưa đi học hay đón về. Thế nhưng những điều tưởng chừng như đơn giản đó lại rất khó khăn với đặc thù nghề nghiệp của tôi.

May mắn hôm nào bệnh nhân vắng, có thể sắp xếp thời gian đón được con thì hôm ấy cả mẹ và con đều vui mãi. Thời gian dành cho gia đình vào buổi tối cũng gần như cũng ít ỏi, vì với tôi, chuyện mang việc về nhà là điều không lạ. Với những ca bệnh khó, chưa biết nên xử trí thế nào, tôi phải tìm hiểu thêm tài liệu trong và ngoài nước để đưa ra phương án điều trị. Đồng thời, chúng tôi cũng cần thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học để tham gia báo cáo tại các hội nghị hội thảo trong và ngoài nước. Nếu gia đình không cảm thông thì thật sự khó để tôi có thể làm nghề. Điều may mắn là gia đình luôn thấu hiểu, chia sẻ và là hậu phương vững chắc cho tôi yên tâm công tác”.

Cuối buổi trò chuyện, khi nói với chúng tôi về những mong ước trong ngày 8/3, BS Mỹ tâm sự: “Những ngày lễ, những ngày mùng 8/3 hay 20/10… mặc dù không có nhiều thời gian dành cho gia đình, nhưng những bác sĩ nữ ở đây vẫn rất vui. Chúng tôi nhận được sự quan tâm từ Ban lãnh đạo bệnh viện, các đồng nghiệp, và cả các bệnh nhân nữa. Là phụ nữ, ngày mùng 8/3, tôi cũng mong muốn nhận được thật nhiều tình cảm của mọi người. Bên cạnh đó, tôi còn mong muốn ngày ý nghĩa như vậy sẽ hỗ trợ được thêm nhiều phụ nữ khác, mang được nhiều thiên thần nhỏ đến với các gia đình; giúp các chị em phụ nữ vui hơn, mang lại nhiều hơn nữa những tiếng cười để tô đẹp thêm cuộc sống này.

Nhân ngày 8/3 sắp tới, tôi chúc tất cả phụ nữ nói chung và các nữ bác sĩ, nhân viên y tế nói riêng luôn khoẻ mạnh, xinh đẹp, hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy hết tài năng để cống hiến mang lại niềm vui và hạnh phúc cho thật nhiều người. Chúc các chị em đang trên con đường tìm kiếm con yêu, hãy luôn vững tin, mạnh mẽ và tiếp tục cuộc hành trình và con yêu sẽ về với tất cả các chị em!”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ