Cái tên Lý Sư Sư thường khiến người ta nhớ tới cuộc tình giữa cô kỹ nữ nổi tiếng họ Lý với chàng lãng tử Yến Thanh trong cuốn tiểu thuyết Thủy hử.
Tuy nhiên, có lẽ ít người biết rằng chuyện tình lãng mạn ấy chỉ là hư cấu của tác giả Thi Nại Am. Bởi lẽ nếu có cuộc tình nào để lại cho Lý Sư Sư nhiều biến động hơn cả thì đó lại chính là mối tình với vị Hoàng đế đương triều Tống Huy Tông.
Lý Sư Sư là con gái của một người thợ nhuộm tên là Vương Dần là người Biện Kinh (tức Khai Phong, thuộc Hà Nam, Trung Quốc).
Khi Sư Sư mới 4 tuổi thì tai họa ập đến nhà họ Vương. Vương Dần phạm tội, bị bắt rồi chết trong nhà lao. Sau đó, Sư Sư được một bà chủ kỹ viện họ Lý nhận nuôi. Từ đó, nàng bắt đầu mang họ Lý.
Để đào tạo Lý Sư Sư trở thành một kỹ nữ, tú bà họ Lý đã mời thầy dạy Lý Sư Sư từ đàn hát cho tới cầm, kỳ, thi, họa. Vốn thông minh, Lý Sư Sư chỉ cần học một lần là thành thạo ngay.
Đến tuổi trưởng thành, tài sắc đều hơn người, Lý Sư Sư nhanh chóng trở thành một kỹ nữ lừng danh khắp kinh thành và được gọi bằng “nghệ danh” cực kỳ hoa mỹ: “Bạch Mẫu Đơn”.
Tống Huy Tông là một nghệ sỹ bị đặt nhầm vào ngai vàng Hoàng đế. Bởi lẽ, mặc dù hoàn toàn bất tài trong cương vị một Hoàng đế nhưng Triệu Cát lại là một nghệ sỹ trời sinh.
Chán ngán với việc triều chính bao nhiêu thì Tống Huy Tông lại dành bấy nhiêu sự hứng thú, nhiệt huyết và trí tuệ cho những thú chơi phong lưu thời bấy giờ.
Mặc dù hậu cung bạt ngàn mỹ nữ nhưng ông hoàng nghệ sỹ vẫn mặc thường phục đến các lầu xanh kỹ viện tìm kiếm mỹ nhân. Và Lý Sư Sư đã lọt vào mắt xanh của vị vua đa tình này.
Ngại ngùng danh phận của một thiên tử Đại Tống nên khi đến tìm Lý Sư Sư, Huy Tông nói dối mình là một thương nhân, tên là Triệu Ất.
Vẻ đẹp tinh khôi, sự lạnh lùng cộng thêm tài hoa tuyệt đỉnh... Lý Sư Sư đã khiến ông hoàng nổi tiếng phong lưu bị trúng tiếng sét ái tình ngay lần đầu gặp mặt.
Tống Huy Tông tặng cho Lý Sư Sư vô số vàng bạc, châu báu, thậm chí còn âm thầm phong cho Lý Sư Sư làm quý phi.
Lý Sư Sư không muốn vào cung nên ông hoàng si tình đã sai người đào một đường hầm từ nội cung đến lầu xanh của Lý Sư Sư rồi ngụy trang bằng các căn phòng nối tiếp nhau để “tiện đường đi lại”.
Sự phóng túng trăng hoa của Tống Huy Tông đã trở thành điềm báo trước cho sự diệt vong của triều Bắc Tống. Quả nhiên, chỉ vài năm sau đó, nhà Kim đã mang quân tấn công nhà Tống.
Tống Huy Tông đem ngai vàng truyền lại cho con trai là Tống Khâm Tông, tự mình lên làm Thái thượng hoàng. Ít lâu sau đó, cả hai cha con Tống Huy Tông đều bị quân Kim bắt và đày lên vùng biên ải phía Bắc.
Khi quân Kim sắp hạ thành Biện Kinh, thống soái quân Kim là Thát Lại phái người đi khắp mọi nơi tìm Lý Sư Sư. Thát Lại nói: “Kim Thái Tông đã nghe danh Lý Sư Sư từ lâu, rất muốn sở hữu người đẹp này. Vì vậy, lần này nhất định phải bắt sống bằng được Lý Sư Sư mang về đang cho Hoàng đế”.
Thế nhưng, chưa kịp tìm thấy Lý Sư Sư thì nàng đã tự tìm đến doanh trại quân Kim và xin cho mình gặp lại Tống Huy Tông lần cuối trước khi vị Hoàng đế này bị đày lên phương Bắc.
Gặp được Tống Huy Tông, Lý Sư Sư dặn chàng hãy bảo trọng. Sau khi Huy Tông đi, Lý Sư Sư đột nhiên ngã ngụy xuống đất và chết. Thì ra, nàng đã nuốt chiếc trâm vàng để tự vẫn cho trọn tình với Tống Huy Tông.
Dù tài sắc vẹn toàn nhưng kết cục của nàng kỹ nữ lừng danh vẫn không tránh khỏi 2 chữ "bi kịch" khiến các tài tử văn nhân không khỏi cảm thấy bi ai.