Cô Sonali Mukherjee-Tiwari, 29 tuổi, là nạn nhân của nạn tạt axit ở Ấn Độ. Năm 17 tuổi, Sonali từ chối tình cảm của một chàng trai và đã bị y cùng nhóm bạn xông vào nhà tạt axit.
Vụ tấn công khủng khiếp này đã khiến cô gái trẻ trải qua 28 lần phẫu thuật lớn nhỏ để sống sót. Tuy vậy, Sonali vẫn phải chịu hậu quả nặng nề khi bị bỏng tới 70% cơ thể, gương mặt bị biến dạng, hai mắt gần như mù và thính giác cũng bị mất một phần.
Sonali Mukherjee-Tiwari với gương mặt bị biến dạng hoàn toàn vì bị tạt axit.
Cuộc đời của Sonali tưởng chừng đã chấm dứt sau biến cố kinh hoàng trên. Cô giam mình ở trong nhà và không muốn tiếp xúc với ai.
Tuy nhiên, sau đó, Sonali đã trở thành "biểu tượng của lòng dũng cảm" khi xuất hiện trên một số chương trình truyền hình nói về các nạn nhân bị tạt axit. Thậm chí cô còn tham gia vào chương trình Ai là Triệu phú của Ấn Độ xuất sắc giành phần thưởng 50.000USD.
Cuộc đời dường như không lấy không của Sonali điều gì khi cuối cùng đã đem đến cho cô người bạn đời, anh Chittaranjan, người sẵn sàng bỏ qua bề ngoài nhiều khiếm khuyết để chung sống với cô trọn đời.
Chuyện tình của hai người bắt đầu từ khi chàng kỹ sư điện Chittaranjan nhìn thấy Sonali trên tivi năm 2013 và cảm thấy đồng cảm sâu sắc với cô. Ngay lập tức, anh quyết định tìm số điện thoại của Sonali trên internet và liên lạc để làm quen.
Chuyện tình của Sonali Mukherjee-Tiwari và anh Chittaranjan đã có một cái kết trong mơ.
Sonali kể lại: "Thông qua các chương trình tivi, rất nhiều người đã liên lạc với tôi và động viên tôi sống tốt, lúc đó, tôi nghĩ anh Chittaranjan cũng chỉ là một trong những người đó. Tuy nhiên, anh ấy rất tốt và thường nói với tôi những lời ngọt ngào. Chúng tôi thường liên lạc và dần dần trở thành bạn bè thân thiết".
Tình cảm của cặp đôi tiếp tục tiến triển nhanh khi hai người nói chuyện với nhau hàng giờ qua điện thoại cho đến một ngày Chittaranjan quyết định đưa ra một quyết định quan trọng nhất đời mình.
Cặp đôi làm lễ cưới trước sự chứng kiến của gia đình và bạn bè.
Sonali cho biết: "Năm ngoái, anh ấy đã ngỏ lời cầu hôn. Tôi thực sự choáng váng khi nghe những lời đó. Cô gái sau đó đã liên tục chất vấn Chittaranjan rằng: "Tại sao anh lại quyết định lấy em, em bị mù kia mà?"
còn Chittaranjan lại cho rằng, nếu hai người lấy nhau, thì dù có xảy ra thảm kịch tồi tệ nào đi chăng nữa, họ cũng không thể chia lìa, và sẽ luôn ở cạnh nhau. "Anh ấy nói tôi là người phụ nữ dành cho anh ấy. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có người đàn ông nào nói với mình câu đó", Sonali xúc động nói.
Sau khi thưa chuyện với cha mẹ, Sonali và Chittaranjan chính thức kết hôn. Chia sẻ về người chồng của mình, Sonali tự hào nói: "Chittaranjan là một người đàn ông nhạy cảm và giàu cảm xúc, tôi thực sự hạnh phúc khi có anh ấy nắm tay suốt cuộc đời".
Sonali cho biết: "Tôi không bao giờ nghĩ, tôi có thể tin được một người đàn ông nào khác ngoài cha mình. Ông ấy đã chăm sóc, lo lắng cho tôi kể từ sau vụ tấn công và giờ đã có người thay ông chăm sóc cho tôi. Cha tôi cuối cùng cũng được nghỉ ngơi".
Sonali khi còn là một cô bé xinh đẹp, chưa bị tạt axit.
Trước nay, việc chữa trị của Sonali đều do một tay cha cô, ông Chandidas Mukherjee, 58 tuổi lo liệu. Suốt 12 năm qua, các cuộc phẫu thuật của cô đã tiêu tốn hết hơn 25.000 USD.
Trong khi đó, ông Mukherjee chỉ kiếm được khoảng 80 USD mỗi tháng. Vậy nên, để có tiền chữa trị cho con gái, ông đã phải bán cả đất đai của gia đình, trang sức, dùng hết tiền tiết kiệm, thậm chí còn phải đi vay nợ.
Hiện nay, Sonali đã có việc làm trong bộ phận phúc lợi xã hội trong cơ quan của chính phủ nên cuộc sống cũng đã cải thiện. Sau khi kết hôn, cặp đôi này định sẽ đi nghỉ tuần trăng mật ở Mumbai.
Hạnh phúc sau khi kết hôn, Sonali vui vẻ cho biết: "Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ kết hôn nhưng nếu có ai đó muốn nắm tay tôi và ủng hộ tôi trên suốt đường đời thì tôi nghĩ nên cho anh ấy một cơ hội. Đúng là giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực".
Theo Tổ chức những nạn nhân bị tấn công axit có trụ sở tại London (Anh) thì mỗi năm có tới 1.500 vụ tấn công axit xảy ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì có rất nhiều nạn nhân bị tạt axit không dám khai báo vì quá sợ hãi. Ấn Độ được xem là một trong những điểm nóng của vấn nạn này khi mỗi năm lại ghi nhận hàng trăm vụ tấn công phụ nữ bằng axit.
Những kẻ tấn công thường nhằm vào đầu và mặt để làm cho nạn nhân bị đau đớn, biến dạng và thậm chí là mù điếc vĩnh viễn. Nguyên nhân chính của các vụ tấn công axit này thường là do bị từ chối tình cảm.