Chuyện tình cổ tích của đôi uyên ương khuyết tật

Mỗi bên chân tay Mão chỉ có một ngón, còn Tú quá yếu không tự đi lại được. Sau 5 năm kiên trì thuyết phục gia đình, Mão và Tú đã có một đám cưới hạnh phúc.

Chuyện tình cổ tích của đôi uyên ương khuyết tật
Chuyện tình cổ tích của đôi uyên ương khuyết tật ảnh 1Chuyện tình cổ tích của đôi uyên ương khuyết tật ảnh 2Chuyện tình cổ tích của đôi uyên ương khuyết tật ảnh 3

Họ sinh một bé trai kháu khỉnh lành lặn bình thường. Cuối căn phòng rộng chỉ hơn 10 m2 xếp đầy hàng tạp hóa, vợ chồng anh Mão (27 tuổi), chị Tú (29 tuổi) quây quần bên chiếc nôi đặt cậu con trai 7 tháng tuổi mắt to tròn, ngộ nghĩnh. 

Người bố dùng đôi bàn tay chỉ có 2 ngón thoăn thoắt khuấy bột, đút cho con. Mẹ cầm đồ chơi yếu ớt lắc lắc. Thi thoảng chị ú ớ gọi "Em ơi" để dỗ dành em bé ăn.

Vất vả vì đứa bé tinh nghịch hay giẫy đạp chân vào thìa bột nhưng khuôn mặt người cha, người mẹ khuyết tật rạng ngời hạnh phúc. Nở nụ cười tươi lộ chiếc răng khểnh duyên dáng, người bố gầy đen bảo: "Mệt mỏi đến mấy mà thấy thằng chó con này thì mọi vất vả đều tiêu tan. Con là điều kỳ diệu, hạnh phúc vô bờ của gia đình mình".

Anh Mão kể: Do di truyền từ bố nên bẩm sinh anh và anh trai chỉ có một ngón tay, chân ở mỗi bên. Được bố mẹ động viên, Mão vượt lên số phận, luôn nghĩ về tương lai tốt đẹp để sống vui vẻ.

Sau khi nghỉ học THPT vì "nhà có 5 miệng ăn mà gia sản chỉ còn 85.000 đồng", anh lên Hà Nội học nghề sơn mài tại trung tâm của người khuyết tật. 

Tại đây anh gặp Tú, cô gái có khuôn mặt xinh xắn, tính tình vui vẻ vô tư. Vì cơn sốt ác tính ngày bé, chị đi lại nói năng làm việc khó khăn, chậm chạp, cần người giúp đỡ. Sau 2 tháng tiếp xúc và đồng cảm, anh Mão quyết định ngỏ lời: "Chị ơi, anh yêu em".

Nhìn chồng cười âu yếm, chị Tú gắng kể từng từ rằng ngày đó mình cảm động vì Mão quan tâm, chăm sóc tận tình. Anh gầy nhỏ nhưng chiều nào cũng dìu chị tập đi, đẩy xe lăn cho chị dạo mát hồ Tây, nấu cháo mỗi lần chị ốm. 

Những bát cháo mà chị Tú cười khì gọi là "bát cháo Chí Phèo - Thị Nở" đã giúp cặp nam nữ khuyết tật gắn bó keo sơn. Vượt qua 5 năm gia đình đôi bên phản đối, đầu năm 2013, anh chị có một đám cưới đầm ấm.

Niềm hạnh phúc dần lớn khi chị Tú mang thai. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn, lo lắng tột độ của cặp vợ chồng khuyết tật. Chị Tú ốm nghén sút 9 kg. Ngày nào đi làm về, anh Mão cũng phải đối mặt với căn nhà bê bết bãi nôn, mùi chua nồng nặc. 

Gác lại mệt mỏi, anh cần mẫn dọn dẹp, chăm sóc vợ. Bình thường Tú đi lại đã cần người dìu, khi bụng to chị di chuyển càng khó nhọc hơn. "Đợt đó, tôi sợ và lo lắng lắm. Mấy lần bị ngã mà trộm vía cháu không sao" - Tú tâm sự.

Khi chị Tú siêu âm, bác sĩ nói thai nhi bình thường nhưng phải đến lúc bé Minh Đức chào đời, tận mắt thấy con đầy đủ ngón tay, chân, phản ứng nhanh nhạy, anh Mão mới rơi nước mắt thở phào hạnh phúc. Trước đó, anh luôn lo con trai sẽ bị di truyền giống bố hoặc khuyết tật trí óc.

"Khi được gọi ra bế đỡ đầu con, mình hồi hộp, lo lắng và phải nhờ y tá mở chiếc tã ra xem chân tay cháu. Cô y tá đếm từng ngón một và bảo không giống bố, lúc đó nước mắt mình cứ trào ra, hạnh phúc vô cùng" - Anh Mão cười hiền, dừng ngón tay đang di chuột máy tính ở bức ảnh sơ sinh của con.

Chị Tú nghẹn ngào nhớ khi ấy chẳng dám bế con, tay quá yếu sợ con rơi. Sau này, Tú cũng chỉ ẵm được bé lên vai vài phút vì càng lớn con càng nặng, giãy đạp khỏe hơn mẹ. 

"Con mà ốm thì chỉ có bố đưa đi bệnh viện chứ mẹ đâu làm được gì. Bản thân mình còn cần người khác giúp nên nhiều khi thấy tủi thân lắm. 

Hôm qua, con quậy khiến mình không đút cho được ăn nên tức giận. Mắng con rồi, nước mắt lại chảy ra vì thương. Trộm vía con ngoan, chịu ngủ, rất hay cười" - Người mẹ nói chậm.

Vợ chân tay yếu, phản ứng chậm nên hầu hết công việc chăm con, đi chợ, trông cửa hàng tạp hóa cho bác họ, anh Mão đều đảm đương hết. Mẹ bị mất sữa sớm nên từ tháng thứ 3, bé Đức đã được bố nấu bột, pha sữa ngoài cho ăn. 

Những món bột khuấy với nước hầm xương, bí xanh xay nhuyễn được đôi bàn tay 2 ngón của người bố làm thật cẩn thận. Anh Mão bảo, thực đơn cho con phải đảm bảo đủ chất và được tham khảo kỹ lưỡng trên Internet.

Thi thoảng bà nội lên trông cháu, anh Mão đỡ phải chạy ngược xuôi vừa bán hàng vừa chăm con. Những ngày bà vắng mặt, hai vợ chồng phải đánh vật với công việc đến 11 - 12 giờ đêm mới được nghỉ. 

"Giờ dù có khó khăn về mọi mặt sức khỏe, kinh tế, vợ chồng mình cũng cố gắng vì hạnh phúc của con. Mong ước lớn nhất là con được mạnh khỏe, khôn lớn thành người", áp đôi má vào mặt con, anh Mão nở nụ cười hạnh phúc.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ