Chuyện thầy hiệu phó rời chức danh quản lý để tập trung NCKH

GD&TĐ - Từng là Trưởng khoa Toán, Trưởng phòng đào tạo, Phó Hiệu Trưởng Phụ trách Trường, rồi được thuyết phục giữ chức Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn nhưng thầy Nguyễn Sum từ chối để tập trung nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Nguyễn Sum tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017
PGS.TS Nguyễn Sum tại lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017

Công trình của thầy Sum trong chuyên ngành Topo đại số được đăng trên nhiều tạp chí uy tín của quốc tế và giành giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.

Không làm hiệu trưởng để... tập trung nghiên cứu Toán

GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng- thầy giáo của PGS.TS Nguyễn Sum, cũng là một trong hai người đầu tiên được trao giải thưởng Tạ Quang Bửu vào năm 2014- cho biết: PGS.TS Nguyễn Sum là một nhà toán học được đào tạo hoàn toàn ở trong nước, ông thuộc số những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn.

Ông Nguyễn Sum cũng làm luận án tiến sĩ ở trong nước, tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG.HN), trong thời lượng chuẩn lúc bấy giờ là 5 năm, từ 1989 tới 1994. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tháng 3/1994.

Đại học Quy Nhơn, nơi PGS Nguyễn Sum làm việc, nổi lên là trung tâm Toán học lớn thứ 3 của cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP.HCM. Đại học Quy Nhơn đang là đại học địa phương xuất sắc nhất trong nền Toán học Việt Nam hiện nay.

Đầu năm 2005, ông Nguyễn Sum chính thức nghiên cứu bài toán hit được nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây hơn 30 năm. Ngoài thời gian giảng dạy, ông chỉ tập trung nghiên cứu bài toán này.

Năm 2010, ông công bố bài báo đầu tiên về bài toán hit trên tạp chí Toán học hàng đầu thế giới Advances in Mathematics. Trong bài báo dài 26 trang, ông phủ nhận giả thuyết Kameko, ra đời từ năm 1990.

Giả thuyết này đưa ra một cận trên chính xác cho số phần tử sinh của đại số đa thức xem như một mô đun trên đại số Steenrod. Giả thuyết Kameko luôn chiếm được niềm tin gần như tuyệt đối của các chuyên gia trong Tôpô đại số cho đến khi ông Sum công bố bài báo.

Năm 2015, ông Sum có bài báo thứ hai trên tạp chí Advances in Mathematics. Lần này, ông giải quyết trọn vẹn bài toán hit cho đại số đa thức bốn biến, trên cở sở một công thức truy toán cho số phần tử sinh của đại số đa thức, phụ thuộc vào biến của đại số ấy, xem như một mô đun trên đại số Steenrod.

Bản thảo công trình rất công phu với 240 trang, được ông Sum hoàn thành từ năm 2007. Bản thảo này có vai trò quan trọng về chi tiết- ông Sum nhấn mạnh. Tuy nhiên, không thể đưa một bài báo dài như vậy lên một tạp chí quốc tế uy tín.

Không đầu hàng trước khó khăn, trên cơ sở hiểu biết mới do sự phủ nhận giả thuyết Kameko đem lại, ông Sum đã thu gọn công trình còn 58 trang để được đồng ý in ra.

Phần bản thảo 240 trang được đăng tải online như một phần gắn liền với công trình được công bố chính thức. Chính bài báo dài 58 trang được công bố năm 2015 này đã giúp ông Sum giành giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017.

Theo giáo sư toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng, nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực Topo đại số như Haynes Miller của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), hay William Singer của Đại học Fordham (Mỹ) khi được Hội đồng giải thưởng tham vấn, đều ủng hộ mạnh mẽ việc trao giải thưởng Tạ Quang Bửu cho ông Nguyễn Sum.

Chia sẻ về khó khăn trong suốt 10 năm nghiên cứu bài toán "hit", ông Sum cho biết: Trước năm 2009, ông phải tham gia công tác quản lý trường. Với cương vị phó hiệu trưởng với nhiều công việc hành chính, ông hầu như phải thực hiện nghiên cứu ngoài giờ. Sau đó, dù được thuyết phục giữ chức hiệu trưởng, ông từ chối để tập trung nghiên cứu khoa học.

Ông Sum cho biết ông đã rất may mắn khi có vợ cũng là giảng viên toán học nên hiểu và luôn ủng hộ chồng. Như ông chia sẻ: Không phải lo lắng về công việc gia đình vì có vợ chăm nom tất cả, tôi có thể hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Tôi biết ơn vì điều đó.

PGSTS Nguyễn Sum giảng bài tại Đại học Quy Nhơn
PGSTS Nguyễn Sum giảng bài tại Đại học Quy Nhơn

"Tình cờ" nhận giải thưởng lớn

“Những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời thường đến một cách tình cờ”. Đó là câu nói mà PGS.TS. Nguyễn Sum dùng để lý giải cho những thành quả của ngày hôm nay và cả những dấu mốc trong đời mình.

Ban đầu, ông không có ý định tham gia Giải thưởng Tạ Quang Bửu, nhưng rồi cũng phải thay đổi vì nhận được sự động viên, cổ vũ của một số người trong Hội Toán học Việt Nam và cộng đồng ngành Toán.

Trước đó, theo đuổi lĩnh vực Topo Đại số cũng là một sự ngẫu nhiên của ông Sum. Lỗi hẹn với cơ hội làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài dành cho học viên xuất sắc nhất đầu vào năm ấy, nhưng ông bảo nhờ vậy mới gặp được GS Huỳnh Mùi và GS Nguyễn Hữu Việt Hưng (ĐH Tổng hợp Hà Nội) - 2 nhà toán học hàng đầu trong và ngoài nước chuyên ngành Topo Đại số.

“Quá trình thực hiện vô cùng khó khăn, bởi đây là bài toán đã gần 30 năm vẫn chưa có lời giải trọn vẹn. Sau khi Masaki Kameko làm luận án tiến sĩ về bài toán “hit” 3 biến, cũng có nhiều người quan tâm nghiên cứu, nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.

Có một điều rất thú vị, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng - người thầy luôn cổ vũ và động viên tôi trong suốt quá trình nghiên cứu, cũng là người đầu tiên nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2014” - ông chia sẻ.

Điểm đặc biệt ít người biết đến là công trình này được thực hiện hoàn toàn tại Trường ĐH Quy Nhơn, không liên quan đến yếu tố “nước ngoài”, như cách nói vui của ông là hoàn toàn “thuần Việt”.

Cũng bởi, nó xuất phát từ tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo muốn nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học khi ông luôn tâm niệm, muốn nâng chất lượng đào tạo phải luôn không ngừng đổi mới, cập nhật kiến thức và cũng không thể tách rời với NCKH.

Trong đời thường lẫn công việc, đồng nghiệp và sinh viên kính trọng PGS.TS. Nguyễn Sum ở sự chỉn chu, nhiệt thành, nhưng giản dị, gần gũi.

Ông đam mê nghiên cứu Toán học, nhưng thuộc trường phái cổ điển: Có nhiều ý hay, nhưng công bố rất ít. Như cách nói của thầy ông - GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, thì Nguyễn Sum “điềm tĩnh lạ thường trên con đường riêng mà anh đã chọn trong khoa học”.  

Nhận được giải thưởng Tạ Quang Bửu, ông Sum cho rằng đó không chỉ là vinh dự lớn cho cá nhân ông mà còn là sự động viên, khích lệ đối với các giảng viên của Đại học Quy Nhơn trong công tác nghiên cứu khoa học, góp phần giúp địa phương này trở thành một trung tâm khoa học lớn của cả nước.

Nói về dự định trong tương lai, ông Sum cho biết: Mặc dù đã gần 60 tuổi, có thể nói là đã bên sườn dốc của sự nghiệp nhưng ông sẽ tiếp tục theo đuổi bài toán hit của Peterson với định hướng ứng dụng cao hơn.

"Bài toán hit của Peterson rất quan trọng trong Topo đại số, còn phải giải quyết lâu dài. Kết quả đạt được là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo của tôi”, ông Sum nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ