Tạp chí Giáo dục đã xây dựng hệ thống tạp chí điện tử xuất bản mở, bằng tiếng Anh (http://vje.vn) theo các tiêu chuẩn xuất bản khoa học quốc tế. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Trung – Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Giáo dục: Đây là những kết quả quan trọng, chủ động thực hiện các nhiệm vụ công tác theo hướng hội nhập quốc tế, chuyển đổi số trong GD-ĐT.
Vững bước tuổi 20
Tạp chí Giáo dục được thành lập ngày 9/3/2001, qua mỗi giai đoạn phát triển, tập thể cán bộ Tạp chí Giáo dục luôn nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao của Bộ, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, đó là: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục nói chung, khoa học giáo dục nói riêng của Đảng và Nhà nước; Giới thiệu, công bố kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực khoa học giáo dục như Quản lí giáo dục; Lí luận giáo dục - dạy học; Tâm lí học... của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài ngành trên cả nước; các thành tựu và kinh nghiệm giáo dục của các nước phát triển và khu vực; kinh nghiệm giáo dục, dạy học, quản lí giáo dục...
Chia sẻ nỗ lực để có được những thành tựu như ngày hôm nay, PGS.TS Nguyễn Tiến Trung, Phó Tổng biên tập phụ trách cho biết: Tạp chí Giáo dục đã hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, các cơ quan truyền thông, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Các hoạt động hợp tác như là tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế, phối hợp trong công tác nghiên cứu, phổ biến các kết quả nghiên cứu, truyền thông chính sách. Đồng thời, Tạp chí Giáo dục cũng đã và đang hỗ trợ rất nhiều các nhà khoa học công bố các công trình khoa học chất lượng, phục vụ các đề tài, dự án nghiên cứu. Tạp chí Giáo dục đã góp phần tạo nên một cộng đồng khoa học tích cực, trách nhiệm và ngày càng mở hơn.
Hiện nay, hai phiên bản tiếng Việt (Tạp chí Giáo dục, ISSN: 2354-0753), tiếng Anh (Vietnam Journal of Education, ISSN: 2588-1477) của Tạp chí đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm cao nhất đối với một tạp chí khoa học quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục học (từ 0 đến 1,0 điểm). Quy trình biên tập, xuất bản và uy tín của các phiên bản ngày càng được đông đảo bạn đọc, các nhà khoa học đánh giá cao. Cả hai phiên bản của Tạp chí đều nhận được ngày càng nhiều các bài báo của các tác giả, trong đó có nhiều tác giả uy tín, có nhiều hơn các tác giả nước ngoài.
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mới, Tạp chí Giáo dục đã xây dựng và phát triển trang thông tin điện tử mới, hiện đại (http://tapchigiaoduc.edu.vn) nhằm tăng cường tính tương tác, tăng cường các nội dung khoa học, thời sự, phục vụ công tác lãnh đạo, cũng như các hoạt động nghiên cứu về khoa học giáo dục và xuất bản khoa học. Tại đó, những thông tin quan trọng về chính sách, phân tích hay phản biện chính sách, thực tiễn đổi mới giáo dục và đào tạo, kết quả nghiên cứu mới phục vụ đổi mới giáo dục và đào tạo sẽ được khai thác, công bố kịp thời.
Tiếng nói trong xã hội
Đánh giá cao những giá trị tích cực Tạp chí Giáo dục đem lại, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Giáo dục học, cho biết: Tạp chí Giáo dục trong những năm gần đây, đã nỗ lực đổi mới về hình thức, nội dung và sự chuẩn bị cho việc hội nhập quốc tế về xuất bản khoa học. Xuất bản bằng tiếng Anh, theo các tiêu chuẩn xuất bản khoa học quốc tế là một mục tiêu Tạp chí Giáo dục đang hướng tới và là thách thức xứng đáng mà các bạn cần vượt qua. Gần đây, Tạp chí Giáo dục có sáng kiến giới thiệu, phổ biến các kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế về các vấn đề liên quan tới giáo dục, quản lí, lãnh đạo, giáo dục đại học, tự chủ, đổi mới dạy và học, xuất bản khoa học… đây là một hướng đi có ý nghĩa.
Còn GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc Đại học Thái Nguyên lại cho rằng: Để chiến lược giáo dục quốc gia trở thành một giải pháp mạnh, động lực của phát triển đất nước, cần thực hiện 3 giải pháp đột phá, trong đó giải pháp “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” được xem là then chốt. Do vậy, rất cần cơ sở khoa học, đặc biệt là khoa học về giáo dục con người phải được xem trọng. Tính chuyên nghiệp của Tạp chí Giáo dục nhiều năm đã thể hiện được điều này và thực sự đã có nhiều đóng góp cho lí luận khoa học giáo dục. Hệ thống bài viết có sức nặng về trí tuệ, có giá trị thực tiễn cao và thu hút bạn đọc bởi các thông tin rất bổ ích. Chất lượng nhiều bài báo khoa học đã đạt chuẩn khu vực; đặc biệt các bài báo bằng tiếng Anh có giá trị tham khảo tốt đối với nghiên cứu sinh và các nhà nghiên cứu trẻ về khoa học giáo dục.
Đặc biệt nhấn mạnh giá trị học thuật của Tạp chí Giáo dục, GS.TS Trần Thị Lý (Đại học Deakin, Australia; thành viên Hội đồng Nghiên cứu Australia (ARC)) cho rằng: “Các bài báo của Tạp chí Giáo dục đề cập đến các mảng quan trọng của nghiên cứu giáo dục, cả về mặt nền tảng lí luận giáo dục cho đến thực tiễn giáo dục và quản lý giáo dục. Tạp chí cũng đăng những bài báo chất lượng với chủ đề phong phú đa dạng, từ cơ sở lí luận cho việc phát triển năng lực tự học cho sinh viên, tích hợp giáo dục môi trường, xây dựng mô hình quản lý chất lượng giáo dục đại học cho đến các đề xuất thực tế nhằm phát triển trọng tâm giáo dục nghề nghiệp theo mô hình trường học thông minh. Tạp chí Giáo dục cũng là tạp chí tiên phong trong việc phân tích sâu các vấn đề cấp thiết của giáo dục các cấp ở các vùng xa, vùng sâu của Việt Nam, từ lăng kính nghiên cứu giáo dục”.
GS.TS Trần Thị Lý cũng hi vọng và khuyến nghị: “Tạp chí Giáo dục có thể quảng bá rộng rãi những nghiên cứu giáo dục chất lượng của các nhà nghiên cứu Việt Nam đến với thế giới và khuyến khích sự hợp tác học hỏi và xuất bản giữa các nhà nghiên cứu giáo dục trong nước và nước ngoài. Mong muốn Tạp chí Giáo dục giữ vai trò tích cực và tiên phong trong việc phát triển năng lực nghiên cứu cho các cán bộ nghiên cứu giáo dục mới vào nghề và các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực giáo dục”.