Bí ẩn hàng trăm ngôi mộ đá cổ Làng Mé

GD&TĐ - Nhiều đời nay, người dân làng Mé (thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa) vẫn truyền tai nhau về bí ẩn của những ngôi mộ đá cổ trong làng.

Hàng trăm ngôi mộ đá cổ nằm rải rác, chỗ thưa, chỗ dày
Hàng trăm ngôi mộ đá cổ nằm rải rác, chỗ thưa, chỗ dày

Nhưng những câu chuyện huyền bí về nguồn gốc của hàng trăm ngôi mộ cổ nơi đây đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Linh thiêng giữa núi rừng

Theo chân một số người dân bản địa cùng đồng chí Lê Văn Điệp - Cán bộ văn hóa xã Ngọc Phụng, chúng tôi ghé thăm khu mộ cổ đã tồn tại nhiều thế kỷ ở làng Mé.

Anh Điệp cho biết: Khu mộ đá này có diện tích gần 1 ha, đã có từ lâu đời, trước khi lập làng, người ta đã thấy khu mộ đá cổ hiện diện nơi đây rồi.

Trước đây, nơi này thuộc đất rừng bỏ hoang. Hiện nay, diện tích của khu rừng mộ có một phần đất thuộc gia đình ông Đào Văn Duy (thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng) hiện đang trồng sắn, còn lại vẫn là đất của UBND xã Ngọc Phụng quản lý.

Theo quan sát, những ngôi mộ được chôn không thẳng hàng, chỗ thưa, chỗ dày, thậm chí nằm cách nhau chỉ một vài mét. Phía đầu và cuối ngôi mộ được chôn một phiến đá lớn. Khoảng cách giữa hai phiến đá từ 2 - 2,5 m, phiến ở đầu cao hơn phiến cuối ngôi mộ.

Ông Lê Đức Thắng (Sinh năm 1956), ở thôn Xuân Thành cho biết thêm: Trước đây, có những phiến đá cao, rộng hàng mét. Một số phiến đá to có khắc chữ Hán. Do một số người dân địa phương lấy đá về sử dụng nên hiện trạng khu mộ không còn nguyên vẹn như trước.

Những năm gần đây, khu mộ đá cổ được người dân ngày càng giữ ghìn hơn do những câu chuyện linh thiêng quanh khu mộ: Cách đây vài năm có gia đình lấy phiến đá ở khu mộ cổ về đập lấy vôi xây nhà.

Sau đó, gia đình này đã gặp nhiều điều bất hạnh; Ngoài ra, một số gia đình khác đã lấy đá mộ về sử dụng cũng gặp nhiều chuyện chẳng lành, phải mang đá trả lại khu mộ... Vì vậy, người dân làng Mé xem đây là khu vực tâm linh của làng dù chưa biết nguồn gốc của khu mộ.

Bí ẩn nguồn gốc mộ đá cổ

Những phiến đá lớn được chôn ở đầu ngôi mộ
 Những phiến đá lớn được chôn ở đầu ngôi mộ

Nhiều năm trôi qua, những thế hệ người dân thôn Xuân Thành vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của những ngôi mộ cổ trong làng. Nhiều giả thiết được đặt ra nhưng vẫn chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định.

Ông Lê Đức Thắng khẳng định: “Xưa, vùng đất này là rừng núi hoang vắng, nhiều thú dữ. Làng Mé, thôn Xuân Thành di cư từ huyện Ngọc Lặc về định cư ở đây vào những năm 1956 – 1957.

Khi lập làng Xuân Thành, chỉ có 16 hộ dân người Mường. Hàng trăm ngôi mộ đá ở đây không thể là mộ của cư dân địa phương vì cư dân ở đây thưa thớt.

Khu mộ cổ nằm gối chân núi Pù Mé, nơi được các nhà nghiên cứu Sử học khẳng định là nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai (tháng 2/1416) của Lê Lợi và các vị nhân kiệt.

Vì vậy có giả thiết cho rằng, khu mộ cổ này chính là nơi chôn cất các liệt sỹ của nghĩa quân Lam Sơn. Tuy nhiên, giả thiết này cũng chưa có cơ sở nào khẳng định.

Ông Vũ Ngọc Nam - Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng - nhận định: Các phiến đá to, nhỏ, bằng phẳng được đặt ở khu mộ không phải là đá ở khu vực xã Ngọc Phụng và các xã, vùng lân cận mà các phiến đá có nét tương đồng với dãy núi Đá Sách (phía bên kia sông Âm, thuộc địa phận xã Phùng Minh, Ngọc Lặc ngày nay).

Căn cứ vào một số đặc điểm của khu mộ, cũng có ý kiến cho rằng, đây là mộ của người Thái cổ hoặc của người Mường cổ. Cụ thể, các ngôi mộ thể hiện ngôi, thứ, chức sắc ở đặc điểm các phiến đá trước, sau và xung quanh.

Người có chức sắc, người lớn tuổi trong gia đình thì phía đầu, cuối và xung quanh mộ bao giờ cũng được đặt những phiến đá to, phẳng, cao. Ngược lại, những người bình thường khác thì được đặt các phiến đá nhỏ.

Ngoài ra, vị trí mộ của người có chức sắc, người lớn tuổi cũng được đặt ở đầu các dãy mộ. Trước đây, một số ngôi mộ đã bị các đối tượng đào mộ cổ đào trộm.

Chẳng biết họ tìm thấy được gì trong đó, nhưng quan sát những ngôi mộ bị đào, bỏ lại người ta thấy phía dưới và xung quanh mộ có một lớp than đen. Được biết, đây là lối mai táng của người Thái xưa.

“Khu mộ đá cổ cũng là khu vực nằm kề ngay khu vực mà ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa hiện đang tiến hành quy hoạch Địa điểm Hội thề Lũng Nhai.

Người dân và chính quyền địa phương chúng tôi mong có những cơ sở khoa học để ngành chức năng có thể quy hoạch khu vực rừng mộ đá, đáp ứng tín ngưỡng của người dân nơi đây” - Ông Vũ Ngọc Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ