Dành dụm tiền mua vé máy bay về quê ăn Tết, sum họp với gia đình nhưng 1 hành khách Trung Quốc đã phải nếm trải cái Tết lạnh lẽo trong tù vì mở cửa thoát hiểm máy bay.
Nhầm cửa thoát hiểm là toilet
Hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay của hãng China Southern Airlines (Trung Quốc) từ TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô tới TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây vào Tết Nguyên đán năm ngoái bị một phen hú vía.
Vị hành khách Trung Quốc mở cửa thoát hiểm để ngắm cảnh bị phạt giam 10 ngày và phải ăn Tết trong tù Ảnh: SCMP
Số là một hành khách nam sau khi lên chiếc Boeing 737-800 hôm 9-1-2015 đã phăng phăng đi tới cửa thoát hiểm, mở tung cửa rồi vô tư ngồi... ngắm cảnh.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, khi phi hành đoàn yêu cầu nêu lý do cho hành động khó giải thích này, vị hành khách trả lời ngắn gọn:
“Cánh cửa này có gì quan trọng đâu!”. Cảnh sát đã bắt giữ ông ta ngay tại sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh và phạt 10 ngày giam giữ trong khi chỉ còn 1 tuần nữa là tới Tết.
Các cánh cửa thoát hiểm liên tục bị hành khách Trung Quốc mở tung trên nhiều chuyến bay với những lý do cười ra nước mắt.
Gần đây nhất, báo giới địa phương đăng tin trên chuyến bay CZ 3456 cũng của hãng China Southern Airlines hôm 25-3, một nữ hành khách đã cố gắng mở cửa thoát hiểm để... đi vệ sinh giữa lúc máy bay chuẩn bị cất cánh.
Toàn bộ hành khách trên chuyến bay từ Trùng Khánh đi Thâm Quyến phải rời khỏi máy bay suốt hơn 2 giờ, còn “thủ phạm” gây nên sự cố bị thu vé, trình diện cảnh sát và tất nhiên không thể tiếp tục hành trình. Trước đó, báo giới Trung Quốc đã “bêu riếu” ít nhất 2 hành khách nhầm cửa thoát hiểm máy bay là toilet.
Mở cửa thoát hiểm để hít khí trời, để tránh say máy bay là lý do thường thấy của các “thượng đế” đất nước đông dân nhất thế giới này và hay xảy ra ở những trường hợp lần đầu đi máy bay.
Tuy nhiên, có những vụ cực kỳ căng thẳng như “nổi loạn vì khí trời” của 25 hành khách trên chuyến bay của hãng hàng không China Eastern Airlines từ Dhaka (Bangladesh) tới Bắc Kinh hôm 10-1-2015.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, chặng đầu tiên của hành trình xuất phát từ Dhaka (Bangladesh) đến TP Côn Minh bị hoãn 3 giờ vì mưa và tuyết rơi.
Chặng thứ 2 tới Bắc Kinh tiếp tục phải hoãn thêm 2 giờ lại càng khiến nhiều người hết kiên nhẫn. Tới khi máy bay vào đường băng chuẩn bị cất cánh, những vị khách “nóng đầu” này đã kéo phăng 3 cửa thoát hiểm nằm ngay sau buồng lái.
Phi công buộc phải lập tức đưa máy bay trở lại cửa khởi hành, đồng thời cũng để 25 vị hành khách xuống sân bay giải thích với cảnh sát.
“Quá giang” liều lĩnh
Hiện chưa có lời giải nào cho sự gia tăng đột biến của nạn mở cửa thoát hiểm trong những năm gần đây. Trường hợp của nữ hành khách Đỗ Anh Lan vừa được đưa ra xét xử trước tòa ở Cát Lâm hôm 23-12 là phiên tòa hình sự đầu tiên về hành vi khó đỡ này ở đại lục.
Nữ hành khách thừa nhận đã bật nhầm cửa thoát hiểm trên chuyến bay của hãng hàng không Asiana Airlines đi từ Diên Cát - Trung Quốc tới Incheon - Hàn Quốc vào tháng 2-2015. Trường hợp này nguy hiểm hơn cả vì đường trượt khẩn cấp của máy bay bị bung ra.
Sự cố khiến chuyến bay bị chậm 4 giờ, gây thiệt hại ước tính gần 5.000 USD. Tuy nhiên, tại tòa, hội đồng xét xử cho rằng bà Đỗ không gây ra bất cứ thương tích nào với hành khách và tiếp viên trên chuyến bay nên nữ hành khách này thoát khỏi án phạt hình sự.
Đối với một số hãng hàng không trên thế giới, nạn bám càng máy bay để quá giang mới thực sự là nỗi ám ảnh. Hồi cuối tháng 11-2016, một thi thể cứng đờ được tìm thấy trong hốc bánh chính của chiếc A330-200 thuộc hãng Arik Air - hãng hàng không lớn nhất Nigeria - sau khi nó hạ cánh tại sân bay quốc tế OR Tambo ở Johannesburg - Nam Phi.
Theo người phát ngôn hãng Arik Air Adebanji Ola, các nhân viên kỹ thuật tìm thấy thi thể của vị khách xấu số khi kiểm tra sau hành trình của chuyến bay xuất phát từ TP Lagos - Nigeria này.
Có phần may mắn hơn so với trường hợp trên, kẻ “quá giang” trốn trong bộ phận hạ cánh của máy bay hãng British Airways hồi tháng 6-2015 từ TP Johannesburg - Nam Phi tới London - Anh may mắn sống sót song phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Còn bạn đồng hành của ông ta đã rơi xuống mái của cửa hàng tại khu Richmond, phía Tây Nam thủ đô London sau khi vượt hành trình 12.875 km.
Theo giới chức điều tra, do trốn trong bộ phận hạ cánh, cơ thể của 2 người phải chịu đựng điều kiện thiếu ôxy và nhiệt độ thấp. Chọn cách quá giang liều lĩnh này không khác gì nộp mạng cho thần chết. Thế nhưng, sự nguy hiểm đó vẫn không ngăn được những vụ bám càng tương tự tăng lên, chủ yếu từ những số phận không còn gì để mất.
Đến cả phi cơ quân sự của Không lực Mỹ cũng từng bị “quá giang” theo kiểu này. Hồi tháng 7-2014, thi thể của một cậu bé được phát hiện bên trong hốc bánh máy bay phản lực của Mỹ tại căn cứ không quân Ramstein (Đức).
Chiếc máy bay quân sự Mỹ có nhiệm vụ thường xuyên ở châu Phi, trước đó đã hạ cánh ở Senegal, Mali, Chad, Tunisia và căn cứ không quân Sigonella ở Sicily - Ý trước khi đến Ramstein.
Ước mơ... làm “cái bang” ở Dubai
Trốn trong khoang hàng hóa rõ ràng là cách đi lậu vé máy bay đỡ nguy hiểm hơn hẳn bám càng máy bay của anh chàng người Trung Quốc họ Hứa trên chuyến bay số hiệu EK303 của hãng Emirates từ Thượng Hải tới Dubai vào tháng 5-2015.
Khi bị phát hiện, thiếu niên 16 tuổi này nói rằng cậu rất thoải mái trong khoang hàng dù phải nhịn ăn tới 9 giờ. Thế nhưng, lời thú nhận thật thà của chàng trai trẻ về lý do mạo hiểm khiến nhiều người không khỏi sửng sốt.
Cậu ta liều mình vượt hàng rào nguy hiểm lên máy bay để thực hiện ước mơ… làm ăn xin ở Dubai bởi nghe nói những người hành khất ở mảnh đất giàu có này có thể kiếm hàng trăm ngàn nhân dân tệ mỗi năm.