Ở 2 thôn này trai gái chỉ dám nhìn nhau và coi nhau như anh em chứ không bao giờ dám tán tỉnh nhau vì tục lệ khắt khe hàng trăm năm nay, lấy nhau sẽ bị phạt vạ. Khởi nguồn của tục lệ “cấm yêu”
Đã hàng trăm năm nay người dân ở 2 làng Đông Lâm và Nga Trại tồn tại một tục lệ là luôn coi nhau như anh em, ruột thịt. Có việc gì khó khăn, hoạn nạn cũng giúp đỡ nhau hết lòng bất kể có họ hàng hay không, chỉ cần biết là ở thôn bên thì sẽ không nề hà quản ngại việc gì cả.
Theo cụ Nguyễn Hữu Trừ, 84 tuổi trú tại thôn Nga Trại, là một trong những nhà nho cao niên và khá minh mẫn cũng là người nắm giữ được nhiều tư liệu về khởi nguồn của tục lệ này thì tục lệ được bắt ngồn từ khoảng 400 năm nay.
Những năm đó 2 thôn thường xuyên mất mùa vì đê sông Cầu hay bị vỡ. Thấy vậy 2 làng bèn cùng nhau cử người đi đắp đê cứu mùa màng khỏi thất thu. Không chỉ trong việc chống thiên tai, khi có địch họa 2 thôn đều hợp sức lại với nhau như một.
Từ đó 2 thôn đã kết nghĩa với nhau làm anh em để đoàn kết với nhau chặt chẽ hơn, hay người ta còn gọi là tục “kết chạ”. Theo tục này thì dân 2 thôn sẽ coi nhau như anh em ruột thịt, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn thiếu thốn.
Trong hương ước 2 thôn không quy định thôn nào là thôn anh, thôn nào là thôn em mà mọi người cung kính gọi nhau bằng “anh, chị”. Bất kể già trẻ, gái trai 2 thôn khi gặp nhau đều xưng hô với nhau bằng câu “đằng anh” và “đằng em”.
Vì vậy nhiều năm nay có việc gì của thôn này thì thôn bên đều cử người sang giúp đỡ tận tình.
Như cụ Trừ nhớ thì vào những năm cụ còn làm chủ nhiệm hợp tác xã, lúc đó mùa màng còn phụ thuộc vào thiên nhiên, dân thôn Nga trại vào vụ thiếu trâu bò cày cấy thôn Đông Lâm bèn cử hàng trăm nhân lực cùng trâu bò xuống giúp đỡ.
Rồi đến khi Đông Lâm vào vụ thì Nga Trại lại cử hàng trăm xã viên lên cấy giúp…
Hoặc vào những ngày lễ hội cứ 6 năm một lần, cả 2 thôn sẽ tổ chức lễ đón rước nhau. Thôn Nga Trại tổ chức đón thôn Đông Lâm vào ngày mùng 10-9, còn Đông Lâm sẽ đón Nga Trại vào ngày 12-9.
Trong buổi lễ đón rước nhau đầy đủ các bậc cao niên, những chức sắc trong thôn không thiếu một ai thì mới được.
Cũng vì thân nhau như anh em nên ngay từ khi kết nghĩa 2 thôn quy định “đã là anh em thì trai gái sẽ không bao giờ được lấy nhau”.
Do vậy mấy trăm năm nay trai gái 2 thôn chưa hề có một đôi nào cưới nhau, tục lệ đó còn giữ được nghiêm ngặt đến ngày nay mà chưa hề bị phá vỡ.
Không dám yêu sợ bị phạt vạ
Đã là “lệ làng” thì tất cả những người dân 2 thôn đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Vì vậy những chuyện yêu đương tán tỉnh của trai gái 2 làng bị cấm tuyệt đối.
Tuy vậy, chuyện tình cảm của trai gái đôi khi vẫn xảy ra những chuyện “vượt rào”.
Câu chuyện đó diễn ra đã lâu từ thời cha ông của cụ Trừ, khi kể lại câu chuyện cụ nén tiếng thở dài vì không muốn nhắc đến tên tuổi của những người đó nữa.
Chuyện tình cảm xảy ra giữa một người con trai của thôn Nga Trại với một người con gái của Đông Lâm. Tình cảm bắt nguồn từ một buổi đắp đê chung giữa 2 thôn, trong khi đang làm người con gái Đông Lâm bị trượt chân ngã xuống dòng sông đang mùa lũ nước dâng cao.
Không ai dám nhảy xuống dòng nước xiết vì nước lũ rất lớn quá sức người bình thường có thể bơi được. Nhưng ngay lúc đó có một thanh niên nghĩa hiệp thôn Nga Trại bơi lội rất giỏi đã lao mình xuống dòng nước quyết cứu được người con gái Đông Lâm thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Cảm động trước hành động nghĩa hiệp của người thanh niên Nga Trại, người con gái Đông Lâm xinh đẹp đó đã đem lòng yêu mến. Tuy nhiên chuyện tình cảm của đôi trai tài gái sắc đã đến tai những bậc cao niên chức sắc trong thôn.
Cả 2 thôn liền họp lại và ra quyết định cấm đôi trai gái đó tiếp tục yêu nhau. Không những thế thôn Nga Trại còn bắt nhà chàng Trai sắm sửa mâm xôi, con gà sang đình làng Đông Lâm tạ tội với “đằng anh” bên ấy vì dám trái lời thề.
Kể từ đó đến nay trai gái 2 thôn lấy đó làm bài học không dám cả đứng trêu đùa nhau chứ đừng nói gì đến chuyện yêu đương nữa. Vì thôn rộng lớn nên không thể biết hết mặt nhau nên chẳng thể tránh được những lúc trai gái hai thôn trúng phải “tiếng sét ái tình”.
Những khi ấy khi hỏi ra biết gốc tích của nhau là người của thôn anh em bên cạnh thì dừng lại ngay, không bao giờ dám tiến thêm một bước nào trái với quy định của hai làng.
Thôn anh và thôn em
Phong tục đó được người dân 2 làng giữ gìn như chính giữ gìn báu vật của mình. Từ những người cao tuổi đến những đứa trẻ nhỏ đều hiểu biết rõ như lòng bàn tay về mối tình cảm thâm giao giữa 2 thôn anh em và luôn phát huy được tục lệ đó.
Chưa bao giờ có chuyện xô xát hay cãi vã nhau giữa những người 2 làng. Chỉ có khi họ không biết nhau thì mới có những chuyện đó xảy ra, nhưng khi biết rồi đều “dĩ hòa vi quý” ngay lập tức.
Có lần 2 người một của bên Nga Trại, một của bên Đông Lâm đi buôn trâu bò, cùng hỏi mua một đàn bò. Vì chủ đàn bò chẳng biết bán cho ai nên mặc kệ 2 thương lái mặc cả với nhau.
Vì không biết nhau lại chẳng ai chịu bỏ qua “món hời” đó nên 2 thương lái đã cãi vã nhau căng thẳng, cả 2 cùng gọi thêm người đến để thị uy để nếu cần thì “đại chiến” quyết giành mua cho được đàn bò.
Khi mọi người đến mới nhận ra là cùng người của thôn anh em. Lúc đó cả 2 người thương lái mới ngớ ra vội vàng bắt tay, xin lỗi nhau rối rít rồi nhường nhau mua đàn bò. Vì cả 2 nhường nhau nên cuối cùng chẳng ai mua đàn bò đó nữa.
Rồi mới đây, một thanh niên Nga Trại va chạm xe máy với một người Đông Lâm, vì không biết nhau nên chẳng ai nhường ai lao vào ẩu đả sứt đầu mẻ trán.
Khi gọi chính quyền đến giải quyết thì cả hai mới biết nhau ở “thôn anh và thôn em”. Ngay lập tức cả 2 cùng xin lỗi nhau và không ai bắt đền ai cả.
Tục lệ đó được những người lớn 2 thôn giáo dục cho con trẻ từ khi chúng còn nhỏ. Vì vậy có những chuyện học sinh trong lớp cấp 1, hay cấp 2 của xã Hương Lâm xưng hô với nhau là “đằng anh, đằng chị” trên trường, trên lớp, mà không gọi nhau theo kiểu mày tao bạn bè.