Người chuyển giới sẽ được cấp giấy chứng nhận
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp chính sách về quyền con người”.
Đề tài đánh giá thực trạng và giải pháp chính sách về quyền của người chuyển giới cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 290.000 - 480.000 người chuyển giới. Nhà nước cần sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính để có cơ sở pháp lý cho việc cung cấp các dịch vụ can thiệp y học chuyển đổi giới tính một cách an toàn cho người chuyển giới ở Việt Nam.
Người chuyển giới cần tìm hiểu một cách chính thống từ các cơ sở y tế và chuyên gia có đủ năng lực và được pháp luật thừa nhận, để có một quyết định đúng đắn trước khi sử dụng các can thiệp y học.
TS Đinh Thị Thu Thuỷ, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính gồm 5 chương, 25 điều trong đó quy định điều kiện đối với người đề nghị chuyển đổi giới tính cụ thể: Điều kiện để thực hiện điều trị nội tiết tố là người đủ 16 tuổi trở lên, có giới tính sinh học hoàn thiện, có đủ sức khỏe và không có chống chỉ định điều trị nội tiết sinh dục, là người độc thân và nhận diện có giới tính khác giới tính của mình hiện có.
Điều kiện đối với người đề nghị phẫu thuật để chuyển đổi giới tính là giới tính sinh học hoàn thiện, nhận diện giới, tình trạng hôn nhân như đối với người điều trị nội tiết tố; Đã điều trị nội tiết tố liên tục trong thời gian 1 năm trở lên, trừ trường hợp phẫu thuật ngực từ nữ sang nam; Từ 18 tuổi trở lên, có sức khỏe và không có chống chỉ định phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục.
Người đã thực hiện can thiệp chuyển đổi giới tính có quyền được công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, giấy công nhận này do bệnh viện cấp. Giấy công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là căn cứ để đăng ký thay đổi hộ tịch.
Sau khi thay đổi hộ tịch, giấy tờ hộ tịch là căn cứ để thay đổi các giấy tờ pháp lý có liên quan. Chậm nhất đến năm 2023, nội dung đào tạo tâm lý dành cho người chuyển đổi giới tính được đưa vào giảng dạy tại các cơ sở có chức năng đào tạo về tâm lý lâm sàng.
Điều trị nội tiết tố phải dùng suốt đời
TS Phạm Nguyên Hà, thành viên nhóm nghiên cứu các nguy cơ về sức khỏe với người chuyển giới, Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ (NG)-IC) cho biết, đối với người chuyển giới, việc sử dụng thuốc nội tiết tố là bắt buộc và phải dùng hết đời.
Loại thuốc nội tiết tố sử dụng bằng 3 cách là thuốc tiêm, thuốc bôi và thuốc viên đường ống. Các tác dụng phụ gặp phải khi dùng thuốc nội tiết tố là rối loạn cương dương, rối loạn chức năng gan, tăng men gan, tăng huyết áp, tăng cân, tăng kích cỡ âm vật/dương vật, nổi mụn nhiều…
“Điều trị nội tiết tố rất phức tạp và có một số tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Điều trị nội tiết tố phải dùng thuốc suốt đời, mà muốn an toàn thì người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa kê đơn thuốc, điều trị đúng phác đồ, theo dõi chặt chẽ, khám sức khỏe định kỳ, tư vấn kỹ càng, điều chỉnh liều lượng khi cần thiết.
Điều đáng buồn là rất nhiều người chuyên giới hiện sử dụng thuốc nội tiết tố không rõ nguồn gốc, không có tư vấn và chỉ định của bác sỹ chuyên khoa”, TS Phạm Nguyên Hà cho biết.
Em N.H.T, một người chuyển giới ở Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, khi giải phẫu, đã gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe như thường xuyên nóng trong người, mất trí nhớ tạm thời, muốn làm gì là phải lưu vào điện thoại. Sau 3 tháng mới trở lại bình thường và thường xuyên mệt mỏi khi thay đổi thời tiết, tim yếu hơn, sinh lý cũng yếu, ít có ham muốn.
BS Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Chính sách về y tế, HIV/AIDS cho biết, hiện việc thực hiện các biện pháp can thiệp y học để chuyển đổi giới tính được cộng đồng người chuyển đổi giới tính chấp nhận.
Việc tự nhận giới tính khác với giới tính họ sinh ra là do họ tự cảm nhận, có 3% người cho biết họ chưa tự xác định được giới tính thực của mình. Do đó cần giúp họ nhận diện thông qua tư vấn tâm lý là rất cần thiết.
Việc người chuyển giới phải sử dụng các biện pháp phẫu thuật cũng như thuốc nội tiết tố là điều mà đa phần người chuyển giới thấy rất đau đớn, khó chịu, nhưng họ phải làm. Do đó, xã hội nên có cái nhìn khách quan về cộng đồng người chuyển giới.
Lão hóa nhanh, dễ nhiễm bệnh
Theo TS Phạm Nguyên Hà, phẫu thuật chuyển đổi giới tính làm thay đổi toàn bộ trục “não bộ - tuyến yên – buồng trứng” ở nữ và “não bộ - tuyến yên - tinh hoàn” ở nam, phá hủy nhiều bộ phận quan trọng sản sinh nội tiết tố giới tính.
Do đó, người chuyển giới trước và sau khi phẫu thuật phải luôn sử dụng nội tiết tố, khiến tâm lý bị đảo lộn, cơ thể yếu đi trông thấy, dễ nhiễm bệnh. Sau vài năm, họ sẽ lão hóa nhanh chóng, sức khỏe trở nên tồi tệ do những biến chứng từ phẫu thuật và tiêm nội tiết tố.
Ca sĩ chuyển giới Bong Poy (Thái Lan) từng chia sẻ rằng khi chuyển giới tức là chấp nhận rút ngắn tuổi thọ xuống khoảng 20 năm. Hiện người chuyển giới ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm ổn định do định kiến của xã hội.
BS Trịnh Thị Lê Trâm cho biết, để chuyển đổi giới tính, có nhiều cách khác nhau, không phải ai cũng có điều kiện để phẫu thuật. Có những người tự chuyển đổi giới tính bằng thay đổi phong cách ăn mặc, có người tự tìm nguồn hàng thuốc điều trị nội tiết tố bằng cách uống hoặc tiêm, có người thì nâng ngực hoặc cắt bỏ ngực, người lại phẫu thuật thanh quản, phẫu thuật bộ phận sinh dục…
Như tâm sự của một người chuyển đổi giới tính ở Sơn La rằng rất muốn được phẫu thuật nhưng chưa có tiền, nên đành dùng thuốc bằng cách đặt hàng xách tay từ Hà Nội hoặc TPHCM. Còn một người chuyển giới ở TPHCM thì chia sẻ rằng muốn phẫu thuật nhưng gia đình phản đối, bố mẹ nói nếu phẫu thuật thì sẽ từ con vì gia đình có mỗi mình là con trai, nên rất khó…
Ở Việt Nam hiện có một số cơ sở có thể thực hiện được phẫu thuật chuyển giới nhưng do việc này chưa được hợp thức hóa nên bệnh viện chỉ thực hiện phẫu thuật cho các trường hợp được khẳng định là bị dị tật giới tính.