Nhiều vụ đối tượng gây án liều lĩnh, táo tợn khiến dư luận hoang mang, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học - Bộ Công an đã chỉ ra những giải pháp để ngăn chặn hoạt động tội phạm này.
Nhận diện tội phạm
Theo báo cáo từ Cục Cảnh sát hình sự, trong quý I/2022, cả nước xảy ra 9.118 vụ phạm pháp hình sự, giảm 17,51% so với cùng kỳ năm 2021. Lực lượng công an đã điều tra, khám phá 8.016 vụ phạm tội về trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 87,91%), bắt 19.037 đối tượng, triệt phá 242 băng, nhóm tội phạm, bắt, xử lý 1.830 vụ với 9.612 đối tượng cờ bạc. Tuy nhiên, những vụ cướp tài sản tại phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng có chiều hướng gia tăng.
Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, ngoài các phương thức, thủ đoạn có tính truyền thống, thời gian gần đây xuất hiện các đối tượng lập các nhóm kín trên mạng xã hội, kết bạn với nhau để thực hiện hành vi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích. Đáng chú ý, nổi lên các đối tượng gây án chủ yếu chưa có tiền án, tiền sự, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, nợ nần, khó khăn về kinh tế.
Trước những diễn biến phức tạp của tội phạm cướp ngân hàng, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an cho rằng, các phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng là nơi chứa khối tài sản rất lớn nên các băng nhóm tội phạm thường quan tâm, hướng tới.
Những đối tượng có kế hoạch và hành vi cướp ngân hàng là đối tượng đã rơi vào hoàn cảnh túng quẫn hoặc nhóm tội phạm có tiền án, tiền sự, hoạt động chuyên nghiệp.
Chúng có thể làm bất cứ hành vi phạm tội, bất chấp hậu quả. Đối tượng cướp ngân hàng thường tinh ranh và gây khó khăn, cản trở cho hoạt động điều tra của công an. Chúng tin tưởng vào khả năng tẩu thoát nên sẵn sàng hành động.
“Miếng mồi” hấp dẫn
Thượng tá Đào Trung Hiếu đánh giá, cướp ngân hàng là trọng án và các đối tượng dễ bị bắt vì ngân hàng là mục tiêu bảo vệ có hệ thống, có nhiều camera giám sát người đi, đến và hành động tại chỗ.
Khi xảy ra bất kỳ việc gì đều có nhiều nhân chứng và được thông báo nhanh chóng. Đặc biệt, ngân hàng nếu bị cướp thì đó là số tiền lớn nên khi xảy ra vụ án sẽ được thông tin nhanh đến cơ quan công an. Từ đó, việc truy vết sẽ nhanh hơn.
Lý giải về việc các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng thường là mục tiêu được các đối tượng gây án lựa chọn, Thượng tá Đào Trung Hiếu cho rằng, lượng người ra vào giao dịch tại các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng là rất đông.
Chính vì vậy đây là điều kiện rất thuận lợi để cho các đối tượng tiếp cận, thăm dò. Đối tượng có thể đóng giả khách hàng để vào khảo sát, nắm tình hình về công tác bảo vệ, tìm hiểu đường đi lối lại, quy luật làm việc của các nhân viên ngân hàng… trước khi gây án.
“Thời gian vừa qua có hàng loạt vụ cướp ngân hàng đã xảy ra, có thể thấy các đối tượng gây án đã khai thác triệt để sơ hở, thiếu sót, lỏng lẻo trong công tác bảo vệ của các ngân hàng.
Trước hết, đây là ý thức cảnh giác của lãnh đạo cũng như nhân viên bảo vệ ngân hàng còn hạn chế. Từ sự thiếu cảnh giác nên việc triển khai các biện pháp để phòng ngừa tội phạm tại các điểm giao dịch của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam chưa đưa đáp ứng được yêu cầu.
Bằng chứng là sự lỏng lẻo trong công tác bảo vệ. Chúng ta có thể thấy ở nhiều địa điểm chi nhánh ngân hàng, phòng giao dịch… có lực lượng bảo vệ rất mỏng, chỉ khoảng 1 - 2 người.
Thậm chí, nhân viên bảo vệ cũng cao tuổi, chỉ có thể trông xe, chứ còn để tấn công tội phạm, bảo vệ các nhân viên hoặc khách hàng khi có vụ cướp ngân hàng xảy ra thì gần như họ không có khả năng đó”, Thượng tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Cũng theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, bên cạnh đó, việc trang bị công cụ hỗ trợ giúp cho lực lượng bảo vệ làm nhiệm vụ cũng không được đáp ứng. Có nơi, bảo vệ chỉ mặc mỗi đồng phục, không có công cụ gì giúp họ có thể đương đầu khi vụ cướp xảy ra.
Đặc biệt, nhiều nhân viên ngân hàng và bảo vệ ngân hàng rất thiếu kỹ năng, phương án ứng xử khi đối diện với kẻ cướp. Cuối cùng là do các ngân hàng thiếu sự kết hợp với những đơn vị đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học – Bộ Công an. |
Làm gì để ngăn chặn?
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp ngân hàng, trước tiên, lãnh đạo và nhân viên ngân hàng phải thường xuyên cập nhật tình hình, nắm được những phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng. Phải xác định tội phạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ đó đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó.
Phối hợp với ngành chức năng xây dựng phương án và diễn tập bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản. Tổ chức tập dượt thường xuyên các phương án, sao cho tất cả nhân viên ngân hàng và bảo vệ đều làm chủ được các kỹ năng ứng phó trong các tình huống phức tạp.
Tiếp theo, phải chủ động rà soát lại lực lượng bảo vệ chuyên trách, đảm bảo đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy và phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, chú trọng kỹ năng phát hiện dấu hiệu bất thường, kỹ năng xử lý tình huống cướp xảy ra.
Trang bị vũ khí được pháp luật cho phép sử dụng để đội ngũ nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn các vụ cướp. Duy trì việc thường xuyên bảo dưỡng hệ thống thiết bị an ninh như cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, camera, báo động, báo cháy..., kịp thời bổ sung, sửa chữa, đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả 24/24h.
Thiết lập đường dây nóng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ với công an cơ sở. Tuân thủ nghiêm các quy định về công tác bảo vệ, không mở cửa trong giờ kiểm kê cuối ngày.
Bình tĩnh, không kích động… kẻ cướp
Khi được hỏi về việc người dân cần làm gì khi phát hiện đối tượng có hành vi cướp ngân hàng, Thượng tá Hiếu nhấn mạnh, mục đích của bọn cướp là tiền, chứ không phải đoạt mạng người.
Nhưng nếu nạn nhân không biết cách xử sự khôn ngoan, có hành động nào đó như tri hô, la hét, nhất là lao vào ôm giữ đối tượng… sẽ kích hoạt nỗi sợ bên trong của chúng, biến thành những hành động liều lĩnh, nhằm triệt tiêu khả năng bị bắt. Điều này rất nguy hiểm, vì hậu quả lớn hơn có thể xảy ra.
“Cần nhớ trong mọi vụ án cướp tài sản, phải đặt sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ lên hàng đầu, có thể chấp nhận giao tài sản cho chúng, tuyệt đối không nên manh động, liều lĩnh ôm bắt, vật lộn với tên cướp trong tay có vũ khí nguy hiểm.
Trong lúc tiếp xúc với đối tượng, cần giữ bình tĩnh, kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm về trang phục, hình dáng, cử chỉ, giọng nói, độ tuổi… để cung cấp cho cơ quan điều tra về sau.
Tận dụng tối đa thời cơ đối tượng sơ hở, bí mật báo tin cho cơ quan công an gần nhất. Nếu có thời cơ và hơn hẳn về lực lượng, hoặc phát hiện vũ khí giả, bảo vệ và nhân viên ngân hàng có thể bất ngờ tấn công đối tượng để vô hiệu hoá hoặc bắt giữ”, Thượng tá Hiếu chia sẻ.