Dịch bệnh do virus corona gây nên khiến nhiều người lo lắng và hoảng sợ, thắc mắc liệu dịch bệnh sẽ đi về đâu và liệu đến bao giờ nó mới thực sự chấm dứt... Dưới đây là lời dự báo của các chuyên gia y tế Mỹ.
Bệnh viêm phổi cấp do virus corona (2019-nCoV) mới gây ra bắt đầu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm 2019. Tính đến ngày 8/2, dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của 724 người trên toàn cầu, trong đó 722 trường hợp là người Trung Quốc, lây nhiễm cho hơn 34.000 người trên 26 quốc gia.
Dịch bệnh khiến nhiều người lo lắng và hoảng sợ, thắc mắc liệu dịch bệnh sẽ đi về đâu và liệu đến bao giờ nó mới thực sự chấm dứt.
Trang Business Insider - một trang báo điện tử Mỹ đã đăng tải lời dự đoán của các chuyên gia y tế công cộng rằng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra có thể sẽ diễn ra theo 3 cái kết sau:
1. Sự bùng phát có thể được kiểm soát thông qua các can thiệp y tế và nó sẽ hoàn toàn biến mất, giống như những gì đã xảy ra với đại dịch SARS trước đây.
2. Các chuyên gia sẽ tìm ra vắc xin đặc trị cho dịch bệnh.
3. Virus corona có thể không bao giờ chấm dứt, nó sẽ trở nên phổ biến như bệnh cúm mùa.
Theo 2 vị chuyên gia y tế công cộng nổi tiếng tại Mỹ, cái kết thứ 3 rất có thể sẽ xảy ra, tức là loại virus corona mới này sẽ không bao giờ thực sự biến mất.
Dưới đây là 3 cách mà dịch coronavirus có thể diễn ra trong thời gian tới:
Kết quả 1: Dịch bệnh do virus corona gây ra sẽ không bao giờ thực sự kết thúc
Theo các nhà nghiên cứu tại Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 1 người nhiễm coronavirus có thể truyền cho 1,4 - 2,5 người khác. Đồng thời, WHO cũng đã tuyên bố coronavirus là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế vào ngày 30/1 vừa qua.
Theo ông Amesh Adalja, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins: 2019-nCoV nằm trong "gia đình" virus corona bao gồm OC43, 229E, HKU1 và NL63, tất cả đều là loại virus hiện diện vĩnh viễn trên toàn cầu. Chúng gây ra bệnh cảm lạnh thông thường, tuy nhiên đôi khi loại virus này cũng gây ra bệnh viêm phổi, khiến con người tử vong trong các trường hợp hiếm gặp.
Vì vậy ông Adalja đánh giá, 2019-nCoV có thể cũng sẽ giống các "thành viên trong gia đình" corona của mình, sẽ hiện diện vĩnh viễn. Như vậy đồng nghĩa với việc, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra sẽ không bao giờ thực sự kết thúc.
- Nếu tồn tại mãi mãi, coronavirus có thể sẽ gây ra bệnh giống bệnh cúm theo mùa:
Trong trường hợp đó, 2019-nCoV có thể sẽ không xuất hiện vào mùa hè mà sẽ phát triển mạnh vào mùa thu và mùa đông mỗi năm.
Thực tế, 4 loại coronavirus kia cũng có tính thời vụ, nguyên nhân bởi "virus gây cúm thường mạnh mẽ hơn, có thể sống lâu trong không khí hơn khi nhiệt độ trở lạnh", ông Amanda Simanek, nhà dịch tễ học tại Đại học Wisconsin ở Milwaukee trả lời trên Insider.
Thế nhưng, ông Stephen Morse, nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia lại cho rằng không giống như cúm, coronavirus không có khả năng biến đổi mỗi mùa. Các gen của virus cúm thay đổi thông qua một quá trình gọi là trôi dạt kháng nguyên và mỗi đột biến nhỏ tạo ra một loại virus cúm mới, khiến cho hệ thống miễn dịch của chúng ta phải bắt đầu chiến đấu từ đầu. Đó là lý do tại sao vắc-xin cúm không phải lúc nào cũng hiệu quả.
"Nói chung, coronavirus ít bị đột biến hơn cúm", ông Morse nói.
- Nếu tồn tại mãi mãi, cũng có thể coronavirus trong tương lai sẽ còn yếu hơn virus cúm:
Ngoài ra, các chuyên gia cũng tiên đoán rất có thể virus cororna trong thời gian tới sẽ còn trở nên nhẹ hơn cả bệnh cúm, tuy nhiên theo ông Morse, ông sẽ rất ngạc nhiên nếu điều ấy xảy ra. Và nếu điều ấy xảy ra thật thì cũng sẽ phải mất một thời gian dài.
Kết quả 2: Nhờ sự can thiệp của y tế, virus corona sẽ hoàn toàn biến mất
Sự bùng phát 2019-nCoV tương tự như đại dịch SARS năm 2003, cụ thể là: Cả hai đều là coronavirus có nguồn gốc từ dơi, cả hai đều có bắt nguồn từ động vật sang người ở các chợ bán thịt động vật hoang dã Trung Quốc, hai virus này đều có khoảng 80% DNA giống nhau. Vì vậy, rất có thể dịch viêm phổi cấp do virus cororna gây ra cũng sẽ có kết thúc giống như SARS.
SARS là đại dịch đã giết chết 774 người và lây nhiễm hơn 8.000 người từ tháng 11 năm 2002 đến tháng 7 năm 2003. Nó đã biến mất vào năm 2004 nhờ sự làm việc chăm chỉ của của các y bác sĩ bằng cách theo dõi, chẩn đoán, cách ly những người nhiễm SARS.
Một bác sĩ đang đeo mặt nạ. Ảnh: Getty
Ngoài ra, nhờ cơ quan chức năng ra quyết định hạn chế đi lại, tổ chức các chiến dịch thông tin công cộng và sàng lọc tại sân bay mà dịch bệnh đã được đẩy lùi. Đáng nói, đây cũng là cách mà Trung Quốc và các quốc gia khác trên thế giới đang tiến hành để giải quyết virus corona.
Tuy nhiên, điều các nhà nghiên cứu lo ngại là SARS vốn dĩ ít lây lan hơn nhiều so với coronavirus. Nguyên nhân bởi corona có thể lây lan ngay cả khi người bệnh không có triệu chứng.
Kết quả 3: Thế giới sản xuất ra vắc xin đặc trị và virus corona sẽ bị xóa sổ
Ông Stephen Morse và Amesh Adalja cho rằng, cũng có thể thế giới sẽ sản xuất ra một loại vắc xin đặc trị để kiểm soát dứt điểm 2019-nCoV.
"Hiện, có rất nhiều biện pháp can thiệp để kiểm soát virus cororna đến khi chúng tôi tìm thấy vắc xin", ông Morse nói.
Ảnh minh họa.
Hiện, có 5 công ty dược phẩm hàng đầu là Johnson & Johnson, Regeneron Enterprises, GlaxoSmithKline, Moderna và Gilead Science đã công bố kế hoạch nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị virus mới.
Một số nước cũng đang phát triển vắc xin dựa trên mã di truyền của coronavirus. Hiện, các nhà nghiên cứu đang trong thời gian đánh giá hiệu quả của các loại vắc xin này.
Dù việc đưa vắc xin ra thị trường vốn là một quá trình khó khăn và phải mất nhiều năm, ví dụ như vắc xin Ebola phải mất 20 năm để sản xuất nhưng ông Anthony Fauci, giám đốc trung tâm bệnh truyền nhiễm của Viện Y tế Quốc gia lại tiết lộ rằng cơ quan này đang hợp tác với Moderna để nhanh chóng phát triển vắc xin trị coronavirus.
Ảnh: Reuters.
"Vượt qua mọi khó khăn, chúng tôi sẽ thử nghiệm loại vắc xin này cho người trong vòng 2,5 tháng nữa", ông Fauci tuyên bố.