Chuyên gia lý giải vì sao ca 91 là phi công khỏe mạnh nhưng diễn biến nặng khi mắc COVID-19

Chuyên gia lý giải vì sao ca 91 là phi công khỏe mạnh nhưng diễn biến nặng khi mắc COVID-19

Liên quan đến công tác điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết hiện trên cả nước vẫn có những bệnh nhân nặng đang phải điều trị, đặc biệt là bệnh nhân số 91 đang phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể) ở TP.HCM.

Điều đáng nói, đây là bệnh nhân còn trẻ tuổi (43 tuổi), lại là phi công đáng ra phải có sức khỏe tốt, vì thế không ít người đặt ra câu hỏi liên quan đến diễn biến bệnh của nam bệnh nhân này.

TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - nơi bệnh nhân đang điều trị cho biết, trường hợp bệnh nhân 91 không hề mắc bệnh lý nền (huyết áp, tiền đình, tiểu đường, ung thư…) như các bệnh nhân nặng khác đã ghi nhận. 

Điều duy nhất nam phi công người Anh này gặp phải đó là tình trạng thừa cân béo phì, khi cân nặng hiện tại của bệnh nhân lên đến 100kg.

Về mặt bệnh lý, TS Châu cho rằng, tất cả bệnh nhân mắc COVID-19 đều có thể trở nặng chứ không có trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, người cao tuổi, có bệnh lý nền có tỷ lệ bệnh nặng thường cao hơn các nhóm đối tượng khác.

Theo TS Châu, yếu tố khiến bệnh chuyển biến nặng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác ví dụ như bệnh nhân có thể bị bất thường trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, yếu tố độc lực của virus, yếu tố di truyền cá nhân… Đó là lý do nhiều người cùng mắc một căn bệnh, nhưng có người biểu hiện nhẹ, nhưng có người lại rất nặng, thậm chí tử vong.

Đối với trường hợp bệnh nhân 91, qua quá trình điều trị, TS Châu cho rằng phản ứng miễn dịch của bệnh nhân này là rất mạnh, biểu hiện qua việc bệnh nhân sốt cao liên tục từ khi mắc COVID-19 đến nay.

“Lý do phản ứng viêm của bệnh nhân mạnh, chúng tôi đang nghĩ tới do cơ thể của bệnh nhân có những bất thường mà khoa học chưa giải thích được”, TS Châu cho hay.

Thông thường, các trường hợp mắc COVID-19 diễn biến bệnh phụ thuộc vào độc lực của virus (tác nhân gây bệnh) và phản ứng cơ thể. Theo đó, khi có sự xâm nhập của virus, cơ thể thường sẽ có phản ứng nhằm loại bỏ virus đó ra bên ngoài.

Tuy nhiên, nếu cơ thể phản ứng quá mạnh để loại bỏ virus thì cũng sẽ bị ảnh hưởng đến các bộ phận khác, gây hại cho cơ thể. Trường hợp bệnh nhân 91 là một ví dụ điển hình, khi phản ứng miễn dịch rất mạnh.

“Khi cơ thể có tác nhân xâm nhập cơ thể sẽ tiết ra Cytokine để ức chế virus và khỏi bệnh. Nhưng ở một số người, Cytokine sản xuất ra quá nhiều, chất đó tiêu diệt và ảnh hưởng tới phủ, tạng”, TS Châu phân tích thêm.

Hiện nay, giải pháp điều trị đối với bệnh nhân 91 là phải lọc máu để thải các chất viêm và Cytokine ra ngoài. “Nếu loại bỏ được các chất đó ra khỏi cơ thể thì bệnh nhân mới có cơ hội được cứu sống”, TS Châu cho hay.

Trước đó, ngày 17/3 bệnh nhân số 91 có dấu hiệu mệt mỏi nên đã lập tức thông báo với đoàn bay và chủ động tới bệnh viện. Khai thác tiền sử dịch tễ cho thấy bệnh nhân này có đi đến ổ dịch là quán bar Buddha (quận 2, TP.HCM).

Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chụp X-quang với tình trạng có tổn thương nhu mô phổi phải, được xét nghiệm, thực hiện cách ly với sự theo dõi, phối hợp của hãng.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xét nghiệm và cho kết quả bệnh nhân dương tính với COVID-19 lần 1 vào đêm 18/3. Mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur TP.HCM dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 20/3.

Hội chứng phóng thích Cytokine (Cytokine release syndrome - CRS) là một dạng hội chứng đáp ứng viêm hệ thống phát sinh do biến chứng của một số bệnh hoặc nhiễm trùng, và cũng là tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng thể đơn dòng, cũng như liệu pháp điều trị miễn dịch ung thư. Các trường hợp CRS nghiêm trọng được gọi là cơn bão cytokine.

Theo thoidaiplus.giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ