Chuyên gia 'hiến kế' kích cầu tiêu dùng cuối năm

GD&TĐ - Các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để giúp thúc đẩy tiêu dùng dịp cuối năm.

Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh các chính sách và giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. (Ảnh minh họa: INT)
Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên tục đẩy mạnh các chính sách và giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa. (Ảnh minh họa: INT)

Triển vọng xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,6% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 16,7%.

Bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết, 9 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu đạt 20,8 tỷ USD. Đây là con số tích cực, là điểm sáng của nền kinh tế để tự tin đạt 300 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

“Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, 9 tháng năm 2024 là kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023”, bà Phương cho hay.

Theo nhận định từ Khối phân tích của Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect, với dữ liệu PMI tích cực và số lượng đơn đặt hàng sản xuất mới trong vài tháng qua, có thể dự báo xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay tăng khoảng 15%.

Việt Nam đã có gần 50 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ đô. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp trong nước và các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu của Việt Nam còn được sự hỗ trợ từ các yếu tố khách quan, từ những thay đổi có tính thuận lợi của các thị trường lớn trên thế giới.

Ông Đinh Quanh Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, VN Direct nhận định: “Chúng tôi duy trì đánh giá tích cực đối với triển vọng xuất khẩu của Việt Nam từ nay tới cuối năm”.

Theo vị chuyên gia này, những mặt hàng khác như linh kiện điện tử, máy vi tính, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng cao trong những tháng cuối năm.

Bởi, bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cầu đang cải thiện và môi trường đầu tư toàn cầu cũng từng bước cải thiện nhờ một loạt các chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ gần đây của các ngân hàng Trung ương lớn.

Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy

Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ là động lực có quy mô lớn nhất, tác động mạnh nhất, quan trọng nhất trong các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tổng cầu tiêu dùng cuối cùng tăng lên đồng nghĩa với tháo gỡ khó khăn về tìm kiếm thị trường cho khu vực doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm bớt sự phụ thuộc vào tổng cầu thế giới.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Chính phủ cần thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế và an sinh xã hội như giảm thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT với thời hạn dài hơn, giảm giá dịch vụ hàng không, đường sắt để kích cầu du lịch trong nước và thu hút du lịch nước ngoài…

Chính phủ cần thực hiện chính sách an sinh xã hội trợ cấp cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động, tạo an tâm về chỗ ở, khuyến khích tinh thần làm việc, để nâng cao tỷ lệ lao động của khu vực chính thức, tạo việc làm ổn định đáp ứng đủ yêu cầu lao động của doanh nghiệp; nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế VAT hàng tiêu dùng thiết yếu để tăng nhu cầu chi tiêu.

Chia sẻ với báo chí, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) kiến nghị, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ thuế thu nhập cá nhân thông qua việc điều chỉnh sớm mức giảm trừ gia cảnh khi đã lạc hậu và không còn phù hợp. Thu nhập thực nhận tăng lên, người dân sẽ mạnh tay mua sắm hơn.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) cho rằng, Nhà nước nên xem xét kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT thay vì chỉ áp dụng đến hết năm 2024. “Thực tế, chính sách này đã phát huy thấy rõ hiệu quả trong thời gian qua".

"Nhà nước có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… Những chính sách hỗ trợ này có ý nghĩa rất quan trọng tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn phục hồi”, ông Minh chia sẻ.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để sớm phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, qua đó, tạo việc làm và sinh kế cho người dân.

Tiếp tục phát huy vai trò của Chính phủ để đôn đốc, giám sát và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy triển khai các dự án lớn, dự án trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy cho đầu tư xã hội, đồng thời, góp phần kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy thị trường trong nước phát triển.

Bộ trưởng đề nghị tiếp tục triển khai các gói kích cầu tiêu dùng nhất là dịp cuối năm kết hợp với việc chủ động triển khai các chương trình bình ổn thị trường, trong đó chú trọng các loại hàng hóa thiết yếu và tại các khu vực chịu thiệt hại bởi bão lũ.

Để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2245QĐ-BCT về tổ chức “Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024”. Cùng với Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, các địa phương cũng tích cực triển khai các giải pháp kích cầu cấp tỉnh, thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ