Chuyên gia giải mã tâm lý người mẹ tiếp tay chồng hờ xâm hại con gái

GD&TĐ - Sau khi vụ án xảy ra, câu hỏi được nhiều người bức xúc đặt ra là tại sao một người làm mẹ lại có thể tiếp tay cho kẻ ác hãm hại con mình?

Những ngày qua, vụ án mẹ ruột đưa con gái 10 tuổi đến nhà nghỉ, cho uống thuốc ngủ để người tình xâm hại xảy ra tại huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) được dư luận đặc biệt quan tâm.

Như đã đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Mạnh Cường (SN 1972, trú tại tổ dân phố 9, phường An Tường, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang), đồng thời phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Ngô Thị Sinh (SN 1993, trú tại thôn Nghiêm Sơn, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) về tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" theo quy định tại khoản 3 (Điều 142, Bộ luật Hình sự 2015).

Sau khi vụ án xảy ra, câu hỏi được nhiều người bức xúc đặt ra là tại sao một người mẹ lại có hành động tiếp tay cho kẻ ác hãm hại con đẻ của mình và làm cách nào để hạn chế vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em?

Giải mã tâm lý

Giải đáp điều này, trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho biết, nhiều năm trước bà từng xem Monters Ball, một bộ phim chính kịch nổi tiếng của Mỹ. Trong đó có tình tiết nhạy cảm, khá trớ trêu khiến bà chú ý là nhân vật người cai ngục chuyên quản lý tử tù và cậu con trai của ông ta vô tình đều là khách hàng của một cô gái bán hoa.

Tuy nhiên, sau khi phát hiện điều này thì từ đó người cha không gọi cô gái này đến nữa. Việc này lý giải hành vi tình dục ở con người khác với động vật, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu bản năng hay duy trì, phát triển và hoàn thiện nòi giống mà tình dục còn chứa đựng những khía cạnh liên quan đến đạo đức xã hội, văn hoá, pháp luật và hôn nhân gia đình...

Vì vậy những vụ án thương tâm như trường hợp bé gái ở Vĩnh Long bị chính ông nội và cha ruột chuốc thuốc mê, rồi nhiều lần cưỡng hiếp, hay các vụ việc gần đây mẹ đẻ tiếp tay cho người tình hoặc chồng hờ hiếp dâm chính con gái ruột của mình: Đoàn Văn Rớt và Trần Trúc Ly (Cà Mau), Nguyễn Mạnh Cường và Ngô Thị Sinh (Tuyên Quang)… gây chấn động dư luận xã hội không chỉ do tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà còn liên quan đến thân phận đặc biệt của kẻ thủ ác hoặc vai trò đồng phạm - ở đây là mẹ ruột của nạn nhân và cách thức gây án.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân.

Lý giải dưới góc độ của một nhà tư vấn tâm lý về hành động vô cảm, phi nhân tính của người mẹ, chuyên gia Hoàng Hải Vân cho rằng, kẻ phạm tội sẽ phải chịu sự răn đe của pháp luật. Nhưng điều khiến chúng ta cảm thấy trăn trở không chỉ là nổi đau của trẻ mà còn là câu hỏi của lương tâm: Tại sao một người mẹ lại có hành động tiếp tay cho kẻ ác xâm hại chính con ruột của mình?

Theo các nghiên cứu tâm lý học hành vi, những người phụ nữ này thường có một số đặc trưng tâm lý như: Hoàn cảnh xuất thân phức tạp hoặc khó khăn thiếu sự dạy dỗ, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình. Có thể từng bị lạm dụng, bỏ rơi, bị bạo hành tinh thần hoặc thể chất hoặc tất cả yếu tố trên trong thời gian dài nhưng không có khả năng phản kháng. Hạn chế hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống kém.

Đa số trải qua biến cố hôn nhân, chịu ảnh hưởng sang chấn tâm lý sau ly hôn. Một trong những sai lầm của phụ nữ khi vừa bước chân ra khỏi hôn nhân, đó là nhanh chóng lao vào hẹn hò vì muốn tìm người dựa dẫm, vì không chịu đựng được sự cô đơn hoặc chỉ vì muốn trả thù chồng cũ.

Mặc dù không có gì sai khi tìm hiểu người mới nhưng việc tiến tới quá nhanh, gắn bó quá sớm điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Khi chung sống với người mới, phụ nữ từng bị đổ vỡ thường có tâm lý “cửa dưới”, dẫn đến sự cam chịu, dựa dẫm và phụ thuộc thái quá.

Nếu như người sau, là những đối tượng có nhân thân phức tạp hoặc có tâm lý biến thái thì trẻ sống chung có nguy cơ bị bạo hành hoặc bị xâm hại rất cao.

Những người mẹ trong các vụ việc nói trên thể bị nghiện chất, hoặc bị nhân tình “thao túng tâm lý”, cuối cùng bị phụ thuộc hoàn toàn vào kẻ thao túng, trở nên hèn nhát trước cái ác không dám đứng lên bảo vệ con gái của mình, vì sợ bị trả thù, sợ bị liên lụy đến lợi ích của bản thân thậm chí, trong một số vụ việc người mẹ trở thành đồng phạm gây ra tội ác kinh hoàng.

Làm gì để bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại tình dục?

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, trước tình hình nạn xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, các đại biểu Quốc hội, tổ chức bảo vệ trẻ em đưa ra kiến nghị tăng hình phạt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em, đồng thời áp dụng biện pháp kép như 'thiến hoá học', lao động công ích, công khai danh tính... đối với tội phạm ấu dâm.

Mặc dù, có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất 'thiến hoá học' tuy nhiên, trên thực tế, luật pháp nhiều nước trên thế giới còn có chế tài trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với tội ấu dâm.

Tại các nước như Anh, Nga,Thuỵ Điển, Ba Lan, Hàn Quốc, Indonesia và một số bang ở Mỹ... người phạm tội xâm hại tình dục sẽ được tiến hành 'thiến hóa học' trước khi được phóng thích nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ tái phạm.

Việc cải tổ bộ máy các tổ chức chống bạo hành gia đình, Hội Phụ nữ, Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em từ Trung ương đến địa phương là vấn đề bách, cần quyết liệt thực hiện. Đừng tiếp tục tình trạng "Pháp luật quy định có khoảng 15 cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng khi trẻ bị xâm hại thì không biết kêu ai, tìm đến ai để nhờ giúp đỡ" như bà Lê Thị Hoàng Yến (Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) từng phát biểu.

Xây dựng chương trình giáo dục giới tính một cách toàn diện, thiết thực và hiệu quả. Đưa các buổi tọa đàm, tiết học giáo dục giới tính trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường là cần thiết.

Ngoài trường học, điều kiện giáo dục lý tưởng nhất là trẻ được tiếp nhận thông tin và kiến thức từ gia đình. Ngay hôm nay, các bố mẹ hãy trang bị cho con về quyền bất khả xâm phạm thân thể, những quy tắc cơ bản tự bảo vệ bản thân, có thể giúp các bé có kỹ năng phòng tránh những tình huống dẫn đến bị xâm hại tình dục.

'Cá nhân tôi cũng kêu gọi gia đình khi phát hiện trẻ bị xâm hại, hãy mạnh dạn lên tiếng tố cáo hung thủ để bảo vệ và đòi lại công bằng cho trẻ, bất luận kẻ đó là ai, có thân phận đặc biệt hay chính là người thân trong gia đình, họ hàng....

Đừng vì sợ hãi hoặc cảm thấy xấu hổ mà giấu diếm, bỏ qua hoặc tự thỏa thuận với người có hành vi phạm tội hoặc gia đình của người phạm tội gây khó khăn cho công tác điều tra, thậm chí để lại những hậu quả nghiêm trọng kẻ xâm hại tình dục có thể sẽ tiếp tục làm điều đó với những trẻ khác. Xin hãy ghi nhớ bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại là trách nhiệm và lương tâm không của riêng ai', chuyên gia Hoàng Hải Vân nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia Hoàng Hải Vân, việc thành lập các Trung Tâm nghiên cứu, tư vấn tâm lý chuyên sâu về các rối loạn lệch lạc tình dục, bao gồm bệnh ấu dâm là vô cùng cần thiết trong công tác phòng chống vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Chúng ta có thể ngăn ngừa một số lượng nạn nhân lớn hơn nhiều nếu đặt nhiều sức lực vào việc nghiên cứu, phát hiện và cung cấp tham vấn chuyên môn, hỗ trợ sớm trước khi hành vi tội phạm đầu tiên hoặc tiếp theo diễn ra thay vì chỉ dựa vào những chế tài pháp luật nghiêm khắc khi sự đã rồi.

Thực tế, không phải ai mắc bệnh ấu dâm cũng có hành vi tấn công tình dục với trẻ em, và không phải người nào có hành vi tình dục với trẻ em cũng chắc chắn bị bệnh ấu dâm. Phân biệt và hiểu đúng về rối loạn ấu dâm giúp ích cho người bệnh lẫn công tác bảo vệ trẻ em.

Và điều chắc chắn là thái độ kì thị hoặc cô lập không giúp người bệnh thay đổi khuynh hướng tình dục hoặc làm giảm tỉ lệ trẻ em bị xâm hại. Ngược lại, định kiến xã hội cũng là một lý do khiến người bệnh che giấu tình trạng của mình, và càng cảm thấy hấp dẫn bởi trẻ em vì trẻ em dễ gần và không phán xét như người lớn.

Ấu dâm là một dạng rối loạn lệch lạc tình dục. Nếu bệnh nhân được tạo điều kiện cởi mở chia sẻ vấn đề với các bác sỹ, chuyên gia tâm lý, nhà tình dục học... để được hỗ trợ, tư vấn chuyên môn giúp họ hiểu chính xác vấn đề của mình, và các phương pháp để kìm chế hoặc có thể giảm ham muốn tình dục, bao gồm giải pháp để giải tỏa nhu cầu một cách an toàn/không vi phạm pháp luật... từ đó, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn, giảm thiểu các hành vi xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.