Chuyên gia: Có thể thí điểm thêm ‘sáng kiến bỏ đèn đỏ để giảm ùn tắc’ ở Hà Nội

GD&TĐ - Việc bỏ đèn tín hiệu nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (Hà Nội) bước đầu có hiệu quả, giảm ùn tắc, chuyên gia cho rằng có thể thí điểm thêm.

Nút giao không đèn đỏ đầu tiên ở Thủ đô.
Nút giao không đèn đỏ đầu tiên ở Thủ đô.

Ùn tắc đã được cải thiện

Từ 28/11/2022, việc phân luồng giao thông bỏ đèn tín hiệu và không dựng vòng xuyến cứng ở nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo - Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã được Sở GTVT Hà Nội chính thức đưa vào thực hiện.

Đây là ý tưởng đạt giải Nhất chương trình Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2022 - 2023 của kỹ sư vô tuyến điện Dương Anh Tuấn. Đây được đánh giá là giải pháp đơn giản, chi phí thấp khi không cần tốn ngân sách mua đèn tín hiệu.

Ở nút giao Châu Văn Liêm, các phương tiện bị cấm đi thẳng theo hướng Mễ Trì - Châu Văn Liêm và ngược lại. Các phương tiện sẽ rẽ phải tại đường Lê Quang Đạo, quay đầu trước cổng Cung Văn hoá hữu nghị Việt - Trung, sau đó rẽ phải đi Châu Văn Liêm.

Phương tiện từ Châu Văn Liêm đi Mễ Trì phải rẽ phải sang đường Lê Quang Đạo, quay đầu tại điểm mở dải phân cách trước chung cư The Matrix One, sau đó rẽ phải đi Mễ Trì.

Các phương tiện trên đường Lê Quang Đạo đi Mễ Trì, Châu Văn Liêm theo hướng đi thẳng qua nút, quay đầu tại điểm mở dải phân cách đối diện chung cư The Matrix One và trước cổng Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Trung.

Sau một năm đưa sáng kiến vào thực hiện, ghi nhận tại khung giờ cao điểm ở trục đường này, các phương tiện lưu thông tương đối thuận lợi. Dù ở những ngã rẽ, nơi các phương tiện quay đầu, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện hiện tượng ùn nhẹ, mật độ phương tiện cao nhưng không gây nên tình trạng tắc đường trên diện rộng.

Chị Đỗ Quỳnh Anh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Đây là cung đường tôi đi từ cơ quan về nhà. Dạo trước ở đường này hay tắc lắm, gần như ngày nào cũng đến chiều tối - khung giờ tan tầm là ở đây sẽ tắc. Sáng cũng tắc, nhưng không bằng giờ chiều tối.

Đồng nghiệp của tôi thường bảo nhau ngồi lại cơ quan đến ngoài 19h rồi về cho đỡ chen chúc trên đường, ngột ngạt lắm. Tôi thì còn phải về đón con nên không thể ở lại, đợi đường hết tắc rồi về được.

Một năm nay, khi triển khai việc bỏ đèn giao thông, dựng rào chắn, tôi thấy tình trạng ùn tắc cục bộ đã được cải thiện đáng kể, giao thông thuận lợi hơn nhiều, chúng tôi đi lại cũng đỡ vất vả”.

Anh Ngô Minh Đức (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước đây ở đoạn đường này buổi sáng thường tắc từ khoảng 7h đến ngoài 8h30, thường xuyên có tình trạng người dân leo cả xe máy, xe đạp lên vỉa hè cố gắng thoát điểm ùn tắc, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

“Lúc mới thí điểm bỏ đèn giao thông tôi cũng bỡ ngỡ lắm, vì đoạn Châu Văn Liêm đi Mễ Trì bị cấm đi thẳng trực tiếp, buộc phải vòng. Nhưng có lực lượng CSGT đứng phân luồng, đi một vài lần là tôi thấy quen.

Tình trạng ùn tắc đã được giải quyết phần nào nên xe cộ di chuyển cũng thuận lợi, đỡ tốn thời gian hơn nhiều. Trước tôi đi từ nhà tới cơ quan mất khoảng 20 phút thì giờ thời gian rút ngắn còn khoảng 12 phút thôi”.

Có nên triển khai trên diện rộng?

Đánh giá từ việc phân luồng giao thông bỏ đèn tín hiệu và không dựng vòng xuyến cứng ở nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo - Mễ Trì, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ nhìn nhận: Việc tính toán, nghiên cứu kỹ mật độ xe cộ di chuyển ở tuyến đường Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo - Mễ Trì đã giúp chúng ta có một sáng kiến thông minh và vô cùng hợp lý, giảm tải ùn tắc nhờ việc bỏ đèn tín hiệu từ đó giúp người dân di chuyển trên tuyến đường thuận lợi, đỡ vất vả hơn.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, số lượng đèn giao thông ở Hà Nội hiện nay đang khá nhiều, thời gian dừng chờ đèn đỏ hầu như không có sự chênh lệch giữa khung giờ cao điểm và thấp điểm.

Một số nơi đặt đèn đỏ chưa thật sự hợp lý, dù đã có cầu vượt nhưng người tham gia giao thông vẫn phải chờ đèn đỏ khá lâu, điều này cùng với lượng phương tiện quá tải gây nên ùn tắc cục bộ.

Ông Thuỷ cho rằng, để hạn chế ùn tắc, nếu đã có cầu vượt, thời lượng đèn đỏ nên giảm xuống 40 - 50%.

Một ví dụ nữa cho việc thời gian chờ đèn đỏ chưa thật sự hợp lý là đoạn đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân giao với đê Nguyễn Khoái là một trong số những tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc vào khung giờ cao điểm. Đèn đỏ ở đây là 90 giây trong khi đèn xanh chỉ có 27 giây.

“Để giảm ùn tắc, ngoài nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao ý thức người dân, cần thiết phải nghiên cứu thêm và kỹ càng hơn để tìm ra tỷ lệ cân đối giữa đèn xanh và đèn đỏ, giữa khung giờ cao điểm và thấp điểm, từ đó tối ưu hoá việc đặt đèn tín hiệu”, ông Thuỷ chia sẻ.

Việc sử dụng hệ thống giao thông thông minh, điều khiển “làn sóng xanh” (hiểu một cách đơn giản là khi phương tiện di chuyển trên một tuyến đường, hệ thống giao thông thông minh sẽ cho phép đèn báo tín hiệu màu xanh xuyên suốt qua nhiều ngã tư đường mà phương tiện không phải dừng chờ) nhờ việc tính toán vận tốc phương tiện, mô phỏng dự báo giao thông.

“Làn sóng xanh” đã không còn xa lạ, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Ở nước ta, tại TPHCM đang có 7 tuyến đường được thí điểm áp dụng mô hình này.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc bỏ hoàn toàn đèn tín hiệu với cơ sở hạ tầng, mật độ phương tiện và lưu lượng giao thông thời điểm hiện tại là không khả thi, chưa thể triển khai đồng loạt. Dù vậy, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ nhận định, vẫn có thể thí điểm thêm việc phân luồng bỏ đèn tín hiệu ở một vài tuyến đường nhất định. Nhưng cần đề xuất nghiên cứu, đánh giá thật nghiêm túc, khách quan và thực hiện từng bước trước khi triển khai trên diện rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ