Khoảng 40% bề mặt của Trái đất có thể dùng để trồng trọt và chăn thả gia súc nhưng số lượng các loài vật nuôi vượt trội so với động vật hoang dã.
Trong khi đó, mỗi ngày nhiều khu rừng nguyên sinh bị đốn hạ để lấy đất trồng trọt, chăn thả gia súc. Nếu nhân loại tìm cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trước hết phải xem xét lại việc trồng trọt.
Công nghệ giải quyết thách thức
Dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu đối với các hệ thống thực phẩm hiện tại. Từ nhiều thập kỷ, các nhà khoa học nông nghiệp đã biết lao động nông trại có thể rất cực nhọc.
Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy các chủ trang trại gặp khó khi tìm lao động để duy trì hoạt động và bảo đảm cho công nhân, thực phẩm không nhiễm virus. Trong khi đó việc đẩy đất nông nghiệp vào vùng hoang dã sẽ khiến con người gần hơn với các ổ virus và khi chúng xâm nhập vào cộng đồng thì hậu quả thật khủng khiếp.
Để giải quyết thách thức này, công nghệ mới hứa hẹn một cách tiếp cận xanh hơn đối với việc sản xuất lương thực và tập trung nhiều vào sản xuất dựa trên thực vật, sản xuất quanh năm, mang tính địa phương và thâm canh hơn. Nếu thực hiện đúng, 3 công nghệ là: Nông nghiệp thẳng đứng, nông nghiệp tế bào và nông nghiệp chính xác có thể cải tạo lại mối quan hệ giữa đất đai và lương thực.
Trang trại trong hộp
Nông nghiệp thẳng đứng có nghĩa là trồng thực phẩm trong các khay xếp chồng lên nhau. Đây không phải là điều mới mẻ, người ta đã trồng cây trong nhà từ thời La Mã. Điểm mới là hiệu quả của ánh sáng LED và công nghệ robot tiên tiến cho phép các trang trại thẳng đứng ngày nay sản xuất lượng thức ăn gấp 20 lần trên cùng một diện tích có thể có trên đồng ruộng.
Hiện tại, hầu hết các trang trại thẳng đứng chỉ sản xuất rau xanh vì chúng lớn nhanh và mang lại lợi nhuận. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm tới sẽ có thêm nhiều loại cây trồng khác do chi phí chiếu sáng tiếp tục giảm và công nghệ phát triển hơn.
Môi trường được kiểm soát của trang trại thẳng đứng có thể giảm được việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, chúng có thể trung tính carbon và dùng nước tái chế. Đối với cả khí hậu lạnh và nóng, việc sản xuất loại cây trồng dễ bị tổn thương rất khó hoặc không thể. Tuy nhiên nông nghiệp thẳng đứng hứa hẹn sẽ chấm dứt tình trạng nhập khẩu đắt đỏ nhờ việc trồng được loại cây này.
Nông nghiệp tế bào, hay còn gọi là khoa học sản xuất các sản phẩm động vật mà không cần động vật, báo hiệu một sự thay đổi thậm chí còn lớn hơn. Chỉ riêng năm 2020, hàng triệu USD đã được đầu tư vào
ngành này.
Nông nghiệp chính xác là một mặt trận lớn khác. Không bao lâu nữa, máy kéo tự lái sẽ biết sử dụng dữ liệu để gieo đúng hạt giống vào đúng nơi và cung cấp cho mỗi cây trồng lượng phân bón chính xác, cắt giảm năng lượng, ô nhiễm và chất thải.
Kết hợp với nhau, nông nghiệp thẳng đứng, nông nghiệp tế bào và nông nghiệp chính xác sẽ cho phép chúng ta có khả năng sản xuất nhiều lương thực hơn trên diện tích đất ít hơn với đầu tư ít hơn.
Lý tưởng nhất là chúng ta có thể sản xuất bất kỳ vụ mùa nào, ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời điểm nào trong năm, loại bỏ nhu cầu về các chuỗi cung ứng dài, dễ bị tổn thương và sử dụng nhiều năng lượng.
Nông nghiệp 2.0 đã sẵn sàng?
Tất nhiên, những công nghệ này không phải là thuốc chữa bách bệnh vì không có công nghệ nào làm được điều này. Mặc dù những công nghệ trên đang phát triển nhanh chóng nhưng chúng vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng để triển khai một cách chính thức. Nhiều loại vẫn còn quá đắt đối với các trang trại quy mô vừa và nhỏ.
Một số người tiêu dùng và nhà nghiên cứu tỏ ra thận trọng và tự hỏi tại sao chúng ta không thể sản xuất thực phẩm theo cách truyền thống từ xa xưa.
Những người chỉ trích các công nghệ nông nghiệp này kêu gọi canh tác nông nghiệp sinh thái hoặc tái sinh, có thể đạt được tính bền vững thông qua các trang trại đa dạng, quy mô nhỏ, cung cấp cho người tiêu dùng địa phương. Nông nghiệp tái sinh rất hứa hẹn nhưng không rõ có mở rộng quy mô hay không.
Mặc dù đây là những cân nhắc nghiêm túc, nhưng không có phương pháp đơn lẻ nào được áp dụng chung cho tất cả. Ví dụ, các trang trại trồng trọt hỗn hợp quy mô nhỏ thay thế cũng bị thiếu lao động và thường sản xuất thực phẩm đắt tiền vượt quá khả năng của người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Tất cả các phương pháp đều có những lợi ích và hạn chế, bên cạnh đó chúng ta không thể đạt được mục tiêu về khí hậu và an ninh lương thực mà không áp dụng công nghệ nông nghiệp.
Tương lai đầy hy vọng
Bằng cách tận dụng các khía cạnh tốt nhất của nông nghiệp thay thế (cụ thể là cam kết về tính bền vững và dinh dưỡng), các khía cạnh tốt nhất của nông nghiệp thông thường (hiệu quả kinh tế và khả năng mở rộng quy mô) và các công nghệ mới như trên, thế giới có thể bắt tay vào một cuộc cách mạng nông nghiệp.
Khi kết hợp với các chính sách tiến bộ về lao động, dinh dưỡng, phúc lợi động vật và môi trường, chúng ta có thể tạo ra nhiều thực phẩm nhưng giảm được tác động xấu tới môi trường.
Phương pháp mới này trong nông nghiệp được gọi là một “cuộc cách mạng vòng kín”, nó đã bùng nổ trên các cánh đồng (và phòng thí nghiệm) từ các nhà kính tiên tiến của Hà Lan và các trang trại cá trong nhà của Singapore cho tới các công ty nông nghiệp tế bào của Thung lũng Silicon.
Các trang trại khép kín sử dụng ít thuốc trừ sâu, tiết kiệm đất, năng lượng và tái sử dụng nước. Chúng có thể giúp sản xuất các sản phẩm địa phương quanh năm, giảm lao động tay chân, cải thiện môi trường và phúc lợi động vật.
Nếu những cơ sở này đi kèm với chính sách tốt, chúng ta sẽ thấy đất không cần dùng cho trồng trọt nữa sẽ được trả lại tự nhiên như công viên hay nơi trú ẩn của động vật hoang dã.