Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai đã trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục.
Động lực chuyển đổi số
+Ông có thể cho biết thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT Lào Cai hiện nay ra sao?
Ông Nguyễn Minh Thuận: Về quy mô trường, lớp, học sinh và trẻ em được tiếp cận, học môn Tin học toàn tỉnh có 509 trường/612 trường với 145.550/222.850 học sinh và trẻ em được tiếp cận, học tập môn Tin học. Có 626 phòng Tin học/509 trường/612 trường có phòng Tin học; 4.563 máy chiếu, màn hình ti vi; 144 bảng tương tác thông minh;
Các phòng Tin học đều được kết nối mạng internet phục vụ công tác dạy học. 612/612 cơ sở giáo dục có kết nối internet; trong đó 602 trường sử dụng mạng cáp quang internet băng rộng cố định; 10 trường sử dụng mạng 3G, 4G.
Cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành được quan tâm, đầu tư hàng năm; các công ty viễn thông đã có nhiều giải pháp đầu tư để các nhà trường ở vùng cao có đường truyền internet ổn định.
Đội ngũ giáo viên cơ bản có trình độ, tiếp cận nhanh với các ứng dụng CNTT và sáng tạo trong chuyển đổi số, đặc biệt là các ứng dụng trong dạy học. Số giáo viên có thể ứng dụng CNTT cơ bản để hỗ trợ dạy học đạt 95%; số giáo viên có thể sử dụng thành thạo các công cụ e-learning soạn bài giảng đạt 30,0. Cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản có trình độ, thích ứng và tiếp cận nhanh với các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy học; cơ bản đáp ứng và sẵn sàng cho những yêu cầu mới của Chuyển đổi số…
Các trường khu vực thuận lợi đã cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; học sinh phổ thông đều có học bạ điện tử. Ngành Giáo dục, cơ sở giáo dục đã chủ động trong việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong giảng dạy, đặc biệt trong thời gian tạm nghỉ học phòng Covid... để tương tác với học sinh.
Song bên cạnh ưu điểm còn những tồn tại cần tháo gỡ về cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT... khi chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục. Mặt khác tư duy một số cán bộ quản lý về quản lý số, kỹ năng xử lý số còn khó khăn để đưa ra các quyết định quản lý; một số giáo viên còn hạn chế kỹ năng sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy và học.
Các phần mềm, nền tảng trong quản lý nhà trường, tổ chức dạy và học chưa đồng bộ, liên thông giữa các cấp học và giữa các phần mềm, nền tảng. Dữ liệu của các cơ sở giáo dục đang lưu trữ phân tán, tồn tại nhiều rủi ro trong quá trình lưu trữ. Dữ liệu số thu thập từ các hoạt động giáo dục chưa đầy đủ, chưa được sử dụng nhiều trong đánh giá, tư vấn học sinh và các hoạt động giao tiếp với phụ huynh học sinh trên nền tảng số…
Chuyển đổi số là cơ hội để giáo dục vùng khó nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy học. |
+ Đâu là động lực để ngành GD&ĐT Lào Cai chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian tới?
Chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT là nhiệm vụ quan trọng được ưu tiên của tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quốc gia; làm nền tảng cho tỉnh phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, tận dụng tốt thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ giúp ngành Giáo dục thay đổi những giá trị cốt lõi như: Cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành, hướng đến cách thức quản lý công việc trên nền tảng số. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ trên nền tảng dữ liệu số; thúc đẩy đầu tư vào số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) một cách mạnh mẽ.
Phát triển dựa trên nền tảng dữ liệu và cách thức làm việc với ứng dụng CNTT&TT gắn liền với khả năng ứng dụng, kết nối, trao đổi và chia sẻ dữ liệu. Tác động trực tiếp đến đối tượng và các dịch vụ cung cấp của các cơ sở giáo dục; qua đó thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ giáo dục truyền thống sang các dịch vụ giáo dục số trên nền tảng dữ liệu số.
Đặc biệt sẽ đa dạng được các hình thức, giải pháp tiếp cận nhu cầu “cần gì học nấy”, “học mọi lúc - mọi nơi” của người học, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục bảo đảm mọi công dân được học tập suốt đời, hướng đến xây dựng xã hội học tập.
Chuyển đổi số giúp dạy và học tăng hiệu quả. |
Mục tiêu mới, kỳ vọng mới
+ Ông có thể cho biết Ngành giáo dục Lào Cai đã đặt ra kế hoạch, mục tiêu chuyển đổi số ra sao?
Ngày 24/10/2022, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số Ngành GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2025 sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ các cơ sở giáo dục.
Về quản trị nhà trường phấn đấu 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu dùng chung và công nghệ số; 100% cơ sở giáo dục có nền tảng và hệ thống lưu trữ dữ liệu riêng để khai thác, phục vụ điều hành, quản lý, liên thông với Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT. 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục được quản lý bằng hồ sơ số. 100% học sinh phổ thông có học bạ điện tử.
Về quản lý giáo dục: Hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục được thiết lập và vận hành hiệu quả. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý giáo dục…
Đến năm 2025: 100% trường học có kết nối cáp quang băng thông rộng để nhà giáo và người học được tiếp cận hiệu quả chương trình GDPT 2018 và các hoạt động dạy ‑ học trực tuyến; 90% các điểm trường có kết nối Internet tốc độ cao cho phép toàn bộ số máy tính trong nhà trường kết nối Internet cùng một lúc...
Tiết học ứng dụng CNTT tại Trường THPT chuyên Lào Cai. |
+ Với mục tiêu đặt ra, Ngành sẽ thực hiện những giải pháp cơ bản nào để đảm bảo chuyển đổi số trong giáo dục về “đích” đúng kế hoạch?
Ngành đặt ra các giải pháp cơ bản như: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, đào tạo đội ngũ để nâng cao năng lực số, học sinh trở thành công dân số.
Xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ Nền tảng quản lý thông tin tổng thể ngành GD&ĐT Lào Cai (Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành tổng thể và các dịch vụ quản lý, điều hành từ trường đến sở; dạy-học trên nền tảng số; tuyển sinh đầu cấp; kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng chứng chỉ...);
Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT.
Mặt khác, huy động các nguồn lực để nâng cao cơ sở vật chất tham gia ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT;
Triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; các cơ chế, chính sách đặc thù (thiết kế, thẩm định bài giảng điện tử dùng chung) nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai...
+ Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu đến năm 2030, ngành GD&ĐT Lào Cai có 100% cơ sở giáo dục và điểm trường được sử dụng dịch vụ mạng internet với cáp quang băng rộng; cơ bản đủ thiết bị công nghệ thông minh để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường mạng.
100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục được quản lý trên môi trường số, được kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.
Hoàn thiện các kho học liệu trực tuyến hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình GDPT...