Chuyện bà nghị sĩ … dạy trâu

Chuyện bà nghị sĩ … dạy trâu

(GD&TĐ) - Bà Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa III (1964 - 1971), ở thôn Vạn Diệp (xã Nam Phong, Nam Định). Bà là một trong số những phụ nữ hiếm hoi trở thành đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Nam Định). Ít người biết được sự trưởng thành của bà xuất phát từ việc huấn luyện một con trâu… dữ.

Nữ nghị sĩ… dạy trâu

Bà Dung sinh năm 1937 tại xã Hải Tây (Hải Hậu) trong một gia đình nông dân nghèo. Câu chuyện của một phụ nữ nông thôn trở thành một nghị sĩ Quốc hội và hai lần được vinh dự gặp Bác khiến nhiều người khâm phục.

Năm 11 tuổi, bà đã tham gia đội thiếu nhi cứu quốc, đến năm 1950 bà tham gia Ban chấp hành Thanh niên cứu quốc. Năm 1952 bà được kết nạp vào Đội nữ du kích chống Pháp tại địa phương. Đến năm 1954, bà lập gia đình và tiếp tục tham gia Ban chấp hành Hội Phụ nữ ở địa phương. Khi cải cách ruộng đất, bà được cử làm Trưởng trạm Y tế của xã Hải Quang, quê hương của chồng.

Đến tháng 5/1963, vì hoàn cảnh gia đình, bà chuyển lên định cư tại thôn Vạn Diệp (xã Nam Phong, Nam Trực, Nam Định).

Trên vùng quê mới, trong hoàn cảnh thường xuyên đi công tác, các con còn nhỏ, bà đã phân công công việc cho các con một cách hợp lý để bà có thời gian tham gia lao động sản xuất và chiến đấu cùng bà con dân làng. Trong một lần đi thăm đồng ruộng Nam Phong về, bà thấy ruộng có nơi đã cấy xong, nơi chưa cày mà trâu thì đứng chơi. Lúc đó, bà đã đề nghị với đồng chí đội trưởng đội sản xuất Đoàn Xuân Mại rằng: “Thời vụ đến rồi mà còn nhiều ruộng chưa cày, trâu thì lại chơi, đồng chí phân công tôi đi cày nhé! Khi còn ở quê tôi đã học cày rồi”. Đề nghị này của bà được chấp thuận. Hôm sau, khi nhận trâu để đi cày, vừa cúi xuống bắt đầu cởi dây thừng con trâu đã giương hai cái ngà lên cao vùng vằng “bắt nạt” bà.

Khi bà mang trâu xuống ruộng, đưa trâu vào chão, dứt khoát trâu không vào. Nhiều lần như thế, bà biết được đây là một con trâu rất dữ và hầu như đàn ông trong làng không ai thuần phục được. Bà đã đưa trâu lên bờ, cột thật chặt vào cây phi lao bên đường, cho hểnh mũi lên để trâu khỏi phá, đồng thời đi lấy roi trừng trị nó, sau đó bỏ đói. Sau mấy lần trị trâu bướng như thế, bà đã thuần phục được con trâu. Sau đó, bà dắt trâu đi cày được ba sào ruộng, nhận 15 điểm của HTX. Cả làng lúc đó ngạc nhiên và  mừng cho bà. Tiếng lành đồn xa, Đảng ủy, Ủy ban và Ban Quản trị xã đến nhà bà hỏi chuyện:

- Cô Dung giỏi thế! Biết đi cày lại biết dạy cả trâu. Thế còn cái gì tốt nữa thì cô nói cho chúng tôi biết.

- Quê em còn nhiều cái hay lắm, cách làm rất khoa học: cày, bừa, cấy kiểu cuốn chiếu; nuôi bèo dâu làm phân bón cho lúa để tăng năng suất, làm cào cải tiến, một tiến hai lùi...

Vậy là bà được Ban Quản trị HTX giao nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật nông nghiệp. Để triển khai công việc, bà đã cùng với Đoàn thanh niên “làm một cuộc cách mạng kỹ thuật ở địa phương”, tận dụng nguồn bèo dâu, phân bùn, phù sa để sử dụng cho mùa màng, trồng trọt. Để có nguồn bèo phục vụ sản xuất, bà trở lại quê Hải Quang để mua bèo về nhân giống và cung cấp cho các xã lân cận. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, bèo dâu phát triển tốt và đã tạo nên nguồn phân bón giúp cho vụ mùa năm đó thắng lợi, nhà nhà có thêm thóc lúa để ăn, ai ai cũng rất vui và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là đội sản xuất kỹ thuật.

Một hôm, đồng chí bí thư chi bộ Đoàn Xuân Đăng đi cùng với một cán bộ đến nhà đưa giấy giới thiệu của Tỉnh ủy cho bà, nói rằng: “Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập đồng chí về báo cáo công việc đã làm để chi bộ Vạn Phong công nhận là đảng viên xuất sắc”. Tại đây, bà đã báo cáo toàn bộ công việc đã làm, sau đó bà được chọn lên báo cáo trước Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng “Bốn tốt” của tỉnh. Tại hội nghị này, bà được đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương đứng dậy bắt tay và nói: “Chúc mừng đồng chí! Đồng chí trẻ tuổi có năm con nhỏ mà đã vượt qua tất cả mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.” Cũng trong năm 1964, bà được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa III.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Đại biểu Quốc họi khóa III ở thôn Vạn Diệp (xã Nam Phong, TP Nam Định) nổi tiếng với câu chuyện dạy trâu…dữ
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Đại biểu Quốc họi khóa III ở thôn Vạn Diệp (xã Nam Phong, TP Nam Định) nổi tiếng với câu chuyện dạy trâu…dữ

Sau ngày họp Quốc hội đầu tiên, buổi tối đồng chí Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh thông báo “Sáng sớm mai, ăn sáng xong cô Dung mặc quần áo thật đẹp để đi nhận nhiệm vụ đặc biệt nhé!”. Sau đó bà mới biết mình sẽ được diện kiến Bác. Đây là lần đầu tiên bà được gặp Bác, trong bà dâng lên một niềm vui mừng khó diễn tả. Mọi người trong đoàn ai cũng hồi hộp chờ đợi. Rồi cũng đến lúc Bác đi ra, mọi người đều đứng dậy vỗ tay chào mừng, ai cũng rưng rưng xúc động. Bác mặc bộ quần áo màu nâu, nhìn mọi người và cười rất tươi. Sau khi Bác trò chuyện với các đồng chí đại biểu, Bác gọi tên bà lên. Lúc này, bà như chết lặng vì khi ấy bà nghĩ mình nhỏ bé như thế, làm sao Bác biết được. Chính vì vậy, bà phải để Bác gọi đến lần thứ ba, khi mọi người trong đoàn đều nói “Bác gọi chị đấy, chị đứng lên đi”, bà mới dám đứng lên. Bác ân cần:

- Cháu là Nguyễn Thị Kim Dung?

- Dạ, vâng ạ!

Rồi Bác nói tiếp: “Cháu là nông dân, cháu vận áo dài đi cày, áo quấn vào cày thì cháu cày làm sao được?”. Thế rồi Bác và mọi người cùng cười. Trong khi bà vẫn đang lúng túng không biết trả lời thế nào, Bác lại lên tiếng: “Không! Bác đùa đấy!”. Bác hỏi tiếp: “Chi bộ Vạn Phong, Đảng bộ Nam Phong của cháu vẫn “Bốn tốt” chứ?”. Lúc này, bà chỉ thấy rưng rưng một nỗi niềm xúc động, bởi trong thâm tâm bà nghĩ Bác là một vị lãnh tụ còn mình bé nhỏ như thế này thì làm sao Bác biết được mình; một chi bộ Vạn Phong xa xôi thế mà Bác cũng biết đến. Tất cả đều nằm ngoài sức tưởng tượng của bà. Khi ấy, bà chỉ biết “Dạ, vâng!”.

Sau hồi Bác hỏi thăm mọi người, Ban tổ chức mời Bác ra chụp ảnh. Khi thấy Bác đứng lên, tất cả mọi người chạy ùa ra theo vui như ngày hội. Khi đứng chụp ảnh, ai cũng muốn chen lên đứng gần Bác, còn bà nghĩ mình nhỏ bé nên không bao giờ có thể chạy lên đứng gần Bác được. Thế nhưng, khi đang cùng với mọi người tìm chỗ đứng để có mặt trong bức ảnh, bỗng có một bàn tay nắm lấy tay bà, bà giật mình nhìn sang thì thấy Bác, Bác cười bảo: “Sao! Cháu giật mình à?”. Bà kể: “Rồi Bác nắm chặt bàn tay tôi, hơi ấm từ bàn tay Bác truyền sang, có một cái gì đó thật thiêng liêng và xúc động như tình cảm của người cha dành cho con”.

Bác ân cần nói: “Tất cả những thành tích cháu làm được Bác rất hoan nghênh, Bác sẽ tặng cho cháu Huy hiệu của Bác. Bác góp ý với cháu, cháu phải tích cực học tập để có đủ trình độ là một người đảng viên tốt, là một đại biểu Quốc hội tốt. Bác phê bình cháu ít tuổi mà có nhiều con. Nhiều con thì không tiến bộ được đâu cháu ạ! Phải sinh đẻ có kế hoạch thì mới tiến bộ được”. Nghe Bác nói thế, bà run hết cả người và chỉ biết nói “Vâng ạ!”.

Khi đi theo Bác ra chụp ảnh, Bác bảo: “Cháu bé, cháu đứng đằng trước, Bác đứng đằng sau để thợ ảnh chụp cho đẹp”.

Hôm sau, khi nhận được ảnh, bà thật bất ngờ không thể nghĩ được rằng chòm râu của Bác lại phủ lên trên mái tóc của mình. Suốt đêm đó, bà ôm tấm ảnh trên ngực, gần như cả đêm không ngủ được vì xúc động và cảm thấy có hơi ấm từ bàn tay của Người như vẫn còn lan tỏa trong bàn tay bà vậy. Sau kỳ họp Quốc hội khóa III, bà được nhận Huy hiệu của Bác Hồ.

Năm 1968, Trung ương Đảng tổng kết công tác “Bốn tốt” toàn miền Bắc tại Hà Nội, Đảng bộ Nam Phong có mình bà được đi dự hội nghị, thành phần tham dự chỉ có bí thư các huyện, các tỉnh. Tuy nhiên, lần về tham dự hội nghị này, ai cũng buồn vì không thấy Bác dự. Mọi người lo lắng, có người nghĩ rằng Bác đi công tác đặc biệt. Đến khi giải lao, đồng chí Lê Hoành, Thư ký riêng của đồng chí Lê Đức Thọ đến tìm bà và bảo:

- Cô Dung ơi! Bác đang hỏi cô đấy.

Bà kể: “Tất cả mọi người ngỡ ngàng vì sao Bác chỉ gọi tôi, mọi người chạy ùa theo tôi và đồng chí Lê Hoành. Gần tới nơi, đồng chí Lê Hoành bảo: Bác ở đằng kia. Thấy tôi, Bác giơ tay vời tôi đến. Lúc này, tôi cảm động vô cùng!”

Bác bắt tay và hỏi: “Cháu có khỏe không? Chồng cháu vẫn công tác tốt chứ? Các con của cháu vẫn ngoan chứ?”

Bà nhận thấy, Bác vẫn ân cần như ngày nào, cho dù lúc này chòm râu bạc của Bác không còn được mượt mà, sức khỏe có giảm sút đi một chút. Lần này gặp Bác, bà được vinh dự ngồi chụp ảnh riêng với Người. Bức ảnh chỉ có hai Bác cháu, và cũng là lần bà được ngắm nhìn Bác kỹ hơn.

Đối với bà Dung, những kỷ niệm về Bác thật thiêng liêng, cao quý. Mặc dù Bác đã đi xa nhưng những lời nói của Người vẫn in đậm trong tâm trí bà đến suốt cuộc đời. Sự quan tâm của Bác đã động viên bà rất nhiều. Nhờ đó bà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, nguyên Đại biểu Quốc họi khóa III ở thôn Vạn Diệp (xã Nam Phong, TP Nam Định) nổi tiếng với câu chuyện dạy trâu…dữ

Minh Thứ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ