Chuỗi ngày ông bố giành lại công bằng cho cậu con chuyển giới

15 năm cùng con đến trường, ông Hải biết con không giống những nữ sinh khác, mà thích quần đùi, áo thun, đá banh và ghét mặc áo dài...

Chuỗi ngày ông bố giành lại công bằng cho cậu con chuyển giới

Thị trấn Ninh Diêm (Ninh Hòa, Khánh Hòa) gần 20 năm trước, người đi đường không xa lạ gì với hình ảnh một người đàn ông tứ tuần, nước da hồng hào, đôn hậu, đèo một cô bé 3 tuổi trên chiếc xe máy cũ kỹ. Cô con gái ngày một lớn, với mái tóc dài ngang lưng, trong khi người cha tóc bạc dần, chiếc xe cũng cũ dần theo năm tháng. Người cha vẫn đèo con đi học bất kể nắng, mưa.

Đùng một ngày, sau xe người cha là hình ảnh một tomboy, tóc tém, đồng phục nam sinh. Người cha và con vẫn tíu tít kể các câu chuyện mình nghe gặp mỗi ngày... Nhưng họ vẫn là những nhân vật của 20 năm trước, với bố là ông Trương Nguyên Hải, và con gái Trương Vân Phong (tên nickname), một người chuyển giới từ nữ sang nam.

2_1443164999.jpg

Ông Hải và Phong bên cạnh chiếc xe đã gắn bó với hai bố con nhiều năm qua. Ảnh: NVCC.

Nét mặt hiền từ, giọng nói ấm áp là đặc điểm dễ nhận thấy ở ông Trương Nguyên Hải, từng là Chánh văn phòng UBND huyện Ninh Hòa. Ở tuổi 63, ông đã nghỉ hưu về nhà vui vườn tược, thỉnh thoảng tham gia Hội phụ huynh có con là LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) do Trung tâm ICS thành lập.

Ông Hải chia sẻ, vợ chồng ông có 3 người con, trong đó con út là Phong, cách người anh kế trên 13 tuổi. Vợ chồng ông sinh con khi đã muộn tuổi, các anh chị lớn, kinh tế gia đình cũng tạm ổn nên hết sức yêu chiều, đầu tư mọi khả năng cho Phong học hành. Từ khi con 3 tuổi, ông đã ngày ngày đưa con đi học mẫu giáo trên huyện, cách nhà 16 km.

"Hồi đó, tôi chở nó trên cái xe cũ lắm. Trời mưa thì cho con ngồi đằng trước, trời nắng ngồi đằng sau. Mỗi ngày đi học là một câu chuyện, lúc thì chuyện vui, cổ tích, khi thì câu chuyện hiện thực. Đứa con này còn thân thiết với tôi hơn cả mẹ nó", ông Hải kể với đôi mắt chứa chan tình cảm.

Gần gũi con, ông Hải đã sớm nhận ra những điểm khác lạ. "Năm mẫu giáo, cô giáo từng thắc mắc không hiểu sao giờ ngủ trưa là con tôi ôm chăn ra ngủ với bạn trai, không chịu ngủ với bạn gái. Từ cấp 1 đến cấp 3 cháu cứ tự động đăng ký tham gia đội bóng nam", người cha cho biết.

Một ngày cuối năm lớp 9, Phong viết một bức thư đưa cho mẹ, nói về việc cậu muốn sống với con người thật của mình, cậu có cảm xúc với con gái... Mẹ Phong đã phản ứng kịch liệt, không chấp nhận chuyện này. Không khí gia đình đang vui vẻ trở nên nặng nề. Còn Phong, từ một đứa trẻ hoạt bát, hiếu động trở nên lầm lì, cô độc, tự xa lánh gia đình.

"Mẹ từng đưa em đi coi bói, nhưng bị bố phản đối vì ông bài trừ mê tín. Lâu lâu mẹ lại nói em nên trở lại bình thường. Nhiều lần mẹ nhìn em im lặng, lắc đầu, hoặc thở dài. Những điều đó khiến em khó chịu lắm", Phong (23 tuổi) chia sẻ.

Để giúp con, ông Hải chủ động lên mạng tìm hiểu và lờ mờ biết rắc rối của Phong thuộc về bản dạng giới (sinh ra với cơ thể nữ và muốn mình là nam hoặc ngược lại), không phải bệnh tật hay lệch lạc hành vi. Ông cũng tìm gặp bác sĩ tâm lý xin lời khuyên. Khi đã có kiến thức trong đầu, ông chủ động nói chuyện với con, động viên con học tập.

"Song song với việc này tôi cũng tâm sự với vợ nhưng vợ tôi bảo cháu nó là bệnh hoạn, phải đưa đi am tự hay bệnh viện tâm thần khám", ông Hải nhớ lại.

Nhờ được ba đồng tình, Phong lấy lại phong độ học tập. Trong khi đó, ông Hải tiếp tục chiến thuật "mưa dầm thấm lâu" cho vợ. Trước hết ông làm tư tưởng cho hai con lớn và lôi kéo các con cùng đồng tình để em út được sống theo ý mình. Sau đó cả ba bố con cùng xúm lại thuyết phục vợ ông. Mất 3 năm kiên trì, vợ ông Hải cũng nhận ra "Mình không thương con mình thì ai thương nó" và kể từ đó chấp nhận từ tinh thần cho tới vật chất để Phong được sống như con trai.

Năm cấp 3, trường có quy định mặc áo dài vào ngày đầu tuần. Phong thấy việc này như cực hình, đến giờ chào cờ toàn trốn. Cậu nhớ lại: "Khai giảng năm học mới lớp 10, ba mẹ năn nỉ mãi, thương ba mẹ, em mới mặc áo dài. Cả buổi học ngày hôm đó em khó chịu, xấu hổ. Tan học, em chờ cả trường về hết mới dám bước ra khỏi chỗ ngồi".

Thấu hiểu nỗi khó của con, ông Hải chủ động đến gặp ban giám hiệu và thầy cô giáo xin cho Phong không phải mặc trang phục này nữa.

1_1443165161.jpg

Từ năm lớp 11, khi được mẹ chấp nhận, Phong tự tin sống là mình hơn. Ảnh: NVCC.

Phong cũng kể rằng, ngay từ nhỏ đã nghĩ mình là con trai, sống như con trai. Không chỉ ăn mặc, đá banh, ngủ cùng các bạn nam, cậu cũng đi WC nam từ nhỏ. Bạn bè hiểu cách sống của cậu nên không có chuyện kỳ thị ở trường.

Từ ngày được sống đúng với bản thân, cậu rất thoải mái trong quan hệ với ba mẹ, anh chị. Mỗi tối sau giờ cơm, Phong và bố có một khoảng thời gian ngắn ngồi uống trà, trò chuyện về các vấn đề thời sự như cái cách hai bố con vẫn thủ thỉ suốt 15 năm được bố đưa đón đi học.

"Những khi gia đình có việc, ba thường gọi em ngồi cùng mâm, uống với các anh, các chú. Khi ba đi cà phê với bạn, cũng gọi xem em đang ở đâu thì đến ngồi cùng", Phong tự hào về người cha số một của mình.

Được sống với chính mình từ ngày cấp 3 tới nay là một nhân viên tín dụng, Phong đã xây dựng hình ảnh của mình như một chàng trai thực sự. Tuy vẫn còn một số kỳ thị nhưng cậu được sống tự tin với bản dạng giới của mình. Trước mắt Phong dự định sẽ lo cho ba mẹ nhiều hơn, để mẹ không phải bán tạp hóa nữa. Sau đó, cậu sẽ dành dụm tiền để thực hiện phẫu thuật chuyển giới.

"Giờ đây bên cạnh việc tự tin được sống là mình, em cũng tự hào khi được đứng bên bố như hai người đàn ông. Dù vậy lúc nào em cũng nghĩ về ba như người luôn che chở, chắp cánh trên mọi bước đường đời của em", Phong bộc bạch.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.